TPHCM quyết tâm xóa “địa chỉ đen” cung cấp dịch vụ làm đẹp

31/10/2024 - 11:12

PNO - Các "địa chỉ đen" này thường được chủ cơ sở sử dụng cung cấp dịch vụ làm đẹp trái phép, khi bị xử lý liền "lột xác" để tiếp tục hoạt động.

Sáng 31/10, UBND quận 1 TPHCM đã phát động "Chiến dịch cao điểm về kiểm tra, xử lý, giám sát cơ sở hoạt động không giấy phép và sai phép trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ" trên địa bàn quận 1 năm 2024.

"Bác sĩ" chưa học hết lớp 8

Phát biểu trong buổi lễ, bác sĩ CK2 Nguyễn Nguyệt Cầu – Trưởng Phòng Y tế quận 1, TPHCM cho biết, hiện nay trên địa bàn có 8 bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép và khoảng 25 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, 30 phòng khám chuyên khoa da liễu được Sở Y tế TPHCM cấp phép hoạt động, những cơ sở này hoạt động tốt, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Nguyệt Cầu, Trưởng Phòng Y tế quận 1 cung cấp một số địa chỉ đen trog buổi lễ - Ảnh Phạm An
Bác sĩ CK2 Nguyễn Nguyệt Cầu, Trưởng Phòng Y tế quận 1 cung cấp một số "địa chỉ đen" trong buổi lễ - Ảnh Phạm An

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn phát sinh thêm rất nhiều cơ sở với bảng hiệu “viện thẩm mỹ”, “thẩm mỹ viện”,… hay các cơ sở giới thiệu tên theo tiếng Hàn, tiếng Anh,…

Bản chất những nơi này chỉ được phép làm các dịch vụ thẩm mỹ không xâm lấn, nhưng trong quá trình làm, thì nhân viên tại đây đã “làm chui” một số thủ thuật như tiêm filler, hút mỡ bụng,… gây tai biến cho khách hàng.

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những cơ sở “chui” này, quận đã triển khai chiến dịch cao điểm nhằm kiểm tra, giám sát để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để phát hiện và ngăn chặn sớm, ngay khi các cơ sở mở ra, đoàn kiểm tra của phường sẽ đến để làm việc, yêu cầu cơ sở cam kết thực hiện đúng các hạng mục trong giấy phép hoạt động.

Khó nhất trong quản lý là những cơ sở này đối phó, lách luật, như giấy phép chỉ chăm sóc da, phun xăm, nhưng lại lén lút khám chữa bệnh, hay các thủ thuật xâm lấn khác, nếu không bắt tận tay, cơ sở sẽ không thừa nhận. Hầu hết các trường hợp, chủ cơ sở không có mặt, nhân viên hay nói chỉ mới vào làm 2, 3 ngày nên không biết.

“Vì vậy, cơ quan chức năng tại địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm các hành động trên. Từ đầu tháng 10 đến nay, đơn vị đã xử lý 7 trường hợp vi phạm.

Trong đó có cơ sở nhân viên chưa học hết lớp 8, lại tự nhận là bác sĩ, thực hiện khám chữa bệnh, chỉ định thủ thuật, hay khi vừa thấy đoàn kiểm tra đến làm việc, “bác sĩ” lập tức cởi áo blouse, nhảy sang sân nhà bên cạnh để chạy trốn.

Trong chiến dịch này, UBND quận 1 quyết tâm kiểm tra đồng bộ trên toàn quận, để môi trường làm đẹp an toàn, hiệu quả”, bác sĩ Cầu cho biết.

Theo bác sĩ Nguyệt Cầu, các đơn vị cần chủ động rà soát, phát hiện sớm cơ sở vi phạm cả tại địa bàn lẫn trên các nền tảng mạng xã hội, dẹp bỏ những quảng cáo không đúng sự thật về dịch vụ tại cơ sở, cũng như các bảng hiệu lập lờ như “viện thẩm mỹ”, “bệnh viện thẩm mỹ”,… tránh để người dân hiểu lầm khi có nhu cầu làm đẹp.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, xây dựng mạng lưới an ninh nhân dân từ cộng đồng, các bệnh viện lân cận kịp thời phát hiện những ca tai biến, báo cáo các dấu hiệu nghi ngờ có hoạt động sai phép tại cơ sở. UBND quận 1 cũng khuyến khích người dân cung cấp thông tin, phản ánh với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.

Quyết tâm xóa các “địa chỉ đen” làm đẹp

Trong đợt phát động lần này, UBND quận 1 cũng đã đưa ra các “địa chỉ đen”, khi bị xử lý thì chỉ vài ngày sau đã “lột xác” đăng ký giấy phép kinh doanh mới, tên mới và thay đổi bảng hiệu, nhưng bên trong vẫn tiếp tục hoạt động như cũ, nên rất khó đối phó.

Cơ sở làm đẹp tại số 59 Nguyễn Hữu Cầu, P.Tân Định, Q.1 thường xuyên vi phạm - Ảnh Sở Y tế TPHCM
Cơ sở làm đẹp tại số 59 Nguyễn Hữu Cầu, P.Tân Định, Q.1 thường xuyên vi phạm - Ảnh Sở Y tế TPHCM

“Theo các quy định hiện hành, cơ sở chỉ bị điều tra khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, đa số chỉ có thể xử lý vi phạm hành chính, nên có thể vì thế những chủ cơ sở này vẫn “lộng hành”. Tuy nhiên, nếu các đơn vị cùng phối hợp, kiểm tra nhiều hơn, thì vẫn kiểm soát hiệu quả được.

Các “điểm đen” chúng tôi đang lưu ý là 78 Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, 59 Nguyễn Hữu Cầu, P.Tân Định,… quyết giám sát liên tục và xử lý nghiêm nếu vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi cũng sẽ vận động các chủ nhà cắt hợp đồng, lấy lại mặt bằng đối với người chủ cơ sở thuê mướn”, bác sĩ Cầu chia sẻ.

Bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu làm đẹp của người dân, các hoạt động dịch vụ về chăm sóc sức khỏe, dịch vụ thẩm mỹ cũng đồng loạt ra đời tại địa bàn, cũng như quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng xã hội, nên khách hàng rất dễ tiếp cận.

“Để ngăn chặn, đẩy lùi và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở có thực hiện các kỹ thuật liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép, ngăn chặn các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai biến trên địa bàn quận 1, bảo vệ quyền lợi của người dân khi sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, UBND quận 1 tổ chức Lễ phát động Chiến dịch cao điểm từ nay đến ngày 31/12/2024”, bà Hồng Hoa nói.

Theo bà Hồng Hoa, đây sẽ là chiến dịch cao điểm tập trung vào công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh không phép, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật đối với việc hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo sản phẩm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,… Đặc biệt, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, chống đối, hoặc tái phạm nhiều lần hành vi khám bệnh, chữa bệnh không phép tại địa bàn theo quy định pháp luật.

Tham dự lễ phát động, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM Hồ Văn Hân cho biết các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hơn nữa, để kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở làm đẹp “chui”, cố tình vi phạm nhiều lần, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI