Phải huy động được 400.000 tỉ đồng trong xã hội
Ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, trong 21 chỉ tiêu thành phần của 18 nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu năm 2024, có 17 chỉ tiêu dự kiến đạt hoặc vượt. Tuy nhiên, tăng trưởng GRDP năm 2024 chỉ ước đạt 7,17%, thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra (7,5 - 8%); thời điểm đưa vào hoạt động 3 bệnh viện đa khoa khu vực cửa ngõ là Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi dự kiến bị lùi đến tháng 2 hoặc tháng 3/2025; chỉ tiêu về phòng cháy, chữa cháy cũng chưa đạt.
|
Cầu Rạch Đỉa nối huyện Nhà Bè và quận 7 được thông xe vào cuối tháng 11/2024 góp phần phát triển kinh tế khu vực phía nam TPHCM - Ảnh: Vũ Quyền |
Trong năm 2024, kinh tế TPHCM tiếp tục hồi phục tích cực. Các vấn đề bất cập, các điểm nghẽn kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn. Nhiều dự án quan trọng được đưa vào khai thác, nhiều dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ, trong đó có việc đưa vào khai thác tuyến metro số 1, khởi động việc di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2, gấp rút thi công các công trình giao thông trọng điểm. Trong năm, số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2023, tiến độ giải quyết một số công việc và dự án cũng như giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Ông Dương Ngọc Hải chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết một số khó khăn, vướng mắc chưa thực sự hiệu quả; một số đơn vị thiếu chủ động đề xuất giải quyết những vấn đề tồn đọng; chất lượng tham mưu chưa đáp ứng yêu cầu…
Năm 2025, UBND TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%, tỉ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%, kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD, tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP, tỉ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ đạt trên 1% GRDP.
|
Ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - cho rằng, chính quyền thành phố cần có các giải pháp đột phá cho mục tiêu và nhiệm vụ lớn năm 2025 - Ảnh: Phùng Huy |
UBND thành phố cũng đề ra các chỉ tiêu về văn hóa, xã hội trong năm 2025, như tạo việc làm mới cho 140.000 người; phấn đấu không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TPHCM; đạt tỉ lệ 21 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân, đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, tổng tỉ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ…
Ông Dương Ngọc Hải thông tin: “UBND thành phố dự kiến huy động đủ nhu cầu vốn đầu tư phát triển năm 2025, ước khoảng 500.000 tỉ đồng, trong đó vốn từ ngân sách khoảng 100.000 tỉ đồng, vốn huy động từ xã hội khoảng 400.000 tỉ đồng”.
Công thức 1-3-7 cho bộ máy chính quyền
Ông Đinh Khắc Huy - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM - đánh giá, thời gian qua, các khó khăn do hạ tầng quá tải, thiếu nguồn lực đã được khắc phục một phần nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số là thách thức rất lớn.
|
Dự án xây nút giao An Phú, TP Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 3.400 tỉ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào năm 2025 - Ảnh: Vũ Quyền |
Trong tổng vốn cần đầu tư năm 2025, vốn nhà nước chiếm 25%, tương đương 112.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công trên 84.000 tỉ đồng sẽ là nguồn vốn dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn đầu tư khác. Để giải ngân số vốn này, các đơn vị, địa phương phải nhanh chóng phân bổ nguồn vốn, đồng thời rà soát toàn bộ số vốn còn lại của các dự án chưa giải ngân, giải ngân ngay để khắc phục tình trạng ứ đọng.
Theo ông Đinh Khắc Huy, trong năm 2025, chính quyền thành phố phải huy động được khoảng 400.000 tỉ đồng vốn ngoài nhà nước, mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. UBND thành phố dự kiến tổ chức công bố quy hoạch kết hợp với hội nghị xúc tiến đầu tư vào tháng 1/2025, dự kiến thực hiện 10 dự án hợp tác công - tư (PPP) với vốn đầu tư hơn 100.000 tỉ đồng, đẩy mạnh thu hút đầu tư 41 dự án y tế, giáo dục, thể dục thể thao, chuẩn bị thu hút đầu tư vào mô hình TOD (lấy định hướng giao thông công cộng để phát triển đô thị) đối với 11 khu vực. UBND thành phố dự kiến thu hút 178.000 tỉ đồng vốn tư nhân, tương đương 7 tỉ USD.
Ông nói: “Để thực hiện được các mục tiêu này, cần nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, đơn vị, phát huy vai trò của người đứng đầu, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giao cấp quận huyện làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cần rút ngắn hơn nữa thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, phải giải quyết ngay trong 1-3 ngày làm việc”.
Ông Võ Ngọc Quốc Thuận - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM - cho hay, việc sắp xếp bộ máy công quyền ở TPHCM bám sát chỉ đạo của trung ương, đảm bảo liên thông, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm biên chế, cơ cấu lại bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo định hướng sắp xếp của Ban Thường vụ Thành ủy, TPHCM sẽ giảm từ 21 sở xuống còn 15 sở, giảm từ 8 cơ quan hành chính khác xuống còn 4 cơ quan, giảm từ 35 cơ quan sự nghiệp công lập xuống còn 32 cơ quan; UBND TP Thủ Đức giảm từ 16 phòng xuống còn 14 phòng, UBND các quận, huyện còn lại giảm từ 12 phòng xuống còn 10 phòng.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu năm 2025, bộ máy chính quyền thành phố phải tập trung cao cho cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phối hợp trong việc giải quyết tồn đọng và phải có kế hoạch thực hiện cụ thể. Ông đưa ra công thức 1-3-7, tức là các cơ quan, đơn vị nhận nhiệm vụ và phân công trong 1 ngày, khi được hỏi ý kiến thì trả lời trong 3 ngày và thực hiện các công việc lớn trong 7 ngày. Các tổ công tác thực hiện theo công thức 3-3, tức mỗi vấn đề họp không quá 3 lần và giải quyết hiệu quả các vướng mắc không quá 3 tuần sau mỗi lần họp. “Phải nâng cao kỷ cương, hiệu quả hành chính thì mới tháo được các điểm nghẽn, đạt tăng trưởng 2 con số như mục tiêu đề ra” - ông nói.
Thu hút sự đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ cao Năm 2024, khu công nghệ cao TPHCM thu hút đầu tư nước ngoài đạt 154,3 triệu USD và trong nước đạt gần 613,5 tỉ đồng (25,5 triệu USD). Lũy kế đến nay, khu này có 160 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 12,3 tỉ USD, trong đó có 50 dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với tổng vốn 10,3 tỉ USD. Vốn đầu tư trung bình gần 77 triệu USD/dự án, cao gần bằng 10 lần so với mức bình quân các dự án bên ngoài khu công nghệ cao (7,9 triệu USD/dự án). Trong khu này, có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới đầu tư như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Nidec, Nipro (Nhật Bản)… Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM chủ trương ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), thu hút các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao đến đầu tư. Ban quản lý chủ trương tập trung thu hút các tập đoàn công nghệ cao sở hữu công nghệ nguồn, từ đó tiếp thu, chuyển giao, học hỏi, nắm bắt công nghệ, ứng dụng, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, tiến đến làm chủ, sáng tạo công nghệ đặc thù cho Việt Nam. Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM |
Cán bộ, công chức phải phát huy tinh thần “đá tiền đạo” Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM - đánh giá cao các kết quả tích cực về kinh tế, xã hội trong năm 2024, ghi nhận sự nỗ lực của chính quyền thành phố mà ông ví như “hàng tiền đạo” của bộ máy chính trị thành phố. Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, việc đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 63%, tức tăng 30% chỉ trong 17 ngày (kể từ ngày 7/12) đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm cao độ của chính quyền thành phố. Đặc biệt, việc đoàn tàu tuyến metro số 1 lăn bánh vào ngày 22/12 vừa qua mang nhiều ý nghĩa. Đây chính là sự mở đầu, là bài học kinh nghiệm cho 7 công trình metro tiếp theo của TPHCM. Ông cho rằng, với các yêu cầu cao trong năm 2025, chính quyền thành phố cần bàn giải pháp mới hơn, đột phá hơn, mạnh mẽ hơn để thực hiện nhiệm vụ nặng nề. Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình đột phá chiến lược, như Nghị quyết 31, Nghị quyết 98, đặc biệt tập trung thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh kinh tế, cần chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, gắn với phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Ông nói: “Khi ra sân bóng, mỗi vị trí có vai trò riêng, nhưng khi bóng lăn thì phải bọc lót cho đồng đội, vì màu cờ sắc áo. Theo nghĩa rộng hơn, cán bộ, công chức cần nâng cao tinh thần trách nhiệm với cả cộng đồng xã hội và đối với thành phố. Phải kêu gọi được cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng, tận dụng thời cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 và hành trình 5 năm sắp tới”. |
TPHCM là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất nước Theo ông Dương Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND TPHCM - năm 2024, TPHCM đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số. Để thực hiện nhanh, bền vững kế hoạch chuyển đổi số, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai đầu tư hạ tầng số mạnh, an toàn; đã ban hành danh mục 45 cơ sở dữ liệu dùng chung, triển khai kho dữ liệu GIS thành phố với 201 lớp dữ liệu GIS… Tỉ trọng kinh tế số của TPHCM tiếp tục tăng theo các năm. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 là 15,38%, năm 2022 là 18,66%, năm 2023 là 21,5%. Còn theo phương pháp tính của Tổng cục Thống kê, năm 2020 là 12,61%, năm 2021 là 13,84%, năm 2022 là 13,51%, năm 2023 là 14,65%. TPHCM cũng là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất cả nước, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. |
Minh Linh