TPHCM quyết tâm tăng tốc phát triển kinh tế

10/12/2021 - 08:25

PNO - Ngày 9/12, các đại biểu dự kỳ họp thứ tư HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua chỉ tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2022. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, đây là một chỉ tiêu phấn đấu rất cao, thể hiện quyết tâm rất lớn nhằm đáp ứng khát khao hồi phục và phát triển trong thời gian tới đây.

Thích ứng và sẵn sàng bật dậy 

Tăng trưởng GRDP âm 6,78%, hơn 3.500 doanh nghiệp (DN) hoàn tất thủ tục giải thể, gần 16.000 DN tạm ngưng hoạt động, hàng loạt dự án tạm dừng triển khai, cơ cấu ngành nghề thay đổi, giải ngân đầu tư công thấp… do tác động của dịch COVID-19 là bức tranh buồn của kinh tế TPHCM năm 2021. 

Đại biểu biểu quyết nhất trí thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM năm 2022
Đại biểu biểu quyết nhất trí thông qua các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2022

Chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Lê Trương Hải Hiếu - Trưởng ban Kinh tế Ngân sách TPHCM - cho hay khi lấy ý kiến thẩm tra đối với tờ trình của UBND TPHCM, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại về việc đưa chỉ tiêu GDRP từ âm 6,78 lên 6 - 6,5% và đề nghị xem xét, điều chỉnh. Tuy nhiên, qua phân tích, tỷ lệ này hoàn toàn khả thi và nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu và được biểu quyết thông qua ngay tại kỳ họp.

Trước đó, UBND TPHCM đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, thành lập tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch song hành phục hồi kinh tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo.

“Con số này đã được cân nhắc kỹ. UBND TP.HCM cũng đã trình bày các kịch bản ứng phó theo từng cấp độ dịch và đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM xem xét, nhất trí” - ông Lê Trương Hải Hiếu thông tin.  

Theo ông, năm 2021, TPHCM tránh được suy thoái kinh tế (diễn ra khi GRDP âm hai quý liên tiếp) là nhờ sự tích lũy, kế thừa thành quả của năm 2020 và những năm trước đó, đồng thời cũng nhờ việc tái cơ cấu ngân hàng giúp lĩnh vực này tiếp tục duy trì và tăng trưởng ổn định, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 38,5 tỷ USD, tăng 2,8%... so với cùng kỳ năm trước. Cá nhân ông cảm nhận người dân, DN luôn có nội lực để thích ứng và sẵn sàng bật dậy. Bằng chứng là có hơn 15.000 DN tái hoạt động và hơn 30.000 DN được thành lập mới.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, chỉ tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng GDRP 6 - 6,5% là cao, nhưng UBND TPHCM nhận thấy một số thuận lợi, trong đó có việc tiêm phủ vắc xin của TPHCM cũng như các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp cho việc giao thương, phân phối sản phẩm thông suốt. Việc Quốc hội tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM từ 18 lên 21% cũng một nguồn lực lớn để đầu tư, phát triển. Đặc biệt, dù dịch bệnh hoành hành, năm 2021, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) vào TPHCM vẫn ước khoảng 5,8-6 tỷ USD, tăng 11-15% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tại kỳ họp, HĐND TPHCM đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng như: kế hoạch đầu tư công năm 2022, giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022, kế hoạch vay - trả nợ chính quyền địa phương, 27 dự án cần thu hồi đất, chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, hỗ trợ miễn giảm học phí cho học sinh các cấp…

HĐND TPHCM nhất trí chọn chủ đề hoạt động của TPHCM năm 2022 là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN”, nhất trí thông qua 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Từ việc lần đầu tăng trưởng GRDP âm, UBND TPHCM đề xuất chỉ tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 6 - 6,5% kèm nhiều giải pháp bứt phá kinh tế. Tuy HĐND TPHCM đã nhất trí thông qua, nhưng để thực hiện hiệu quả, theo nhiều đại biểu, cần có sự triển khai nhất quán mà then chốt vẫn yếu tố con người. 

Đại biểu Phạm Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - cho rằng năm 2022 được xem là khá đặc biệt của TPHCM trong lĩnh vực điều hành và quản lý ngân sách. Theo đó, việc không tổ chức HĐND ở 16 quận và 249 phường đồng nghĩa các đơn vị này sẽ chuyển từ cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách, kéo theo nhiều nội dung cần được HĐND quận, phường thông qua, ban hành sẽ phải chuyển lên cho HĐND TPHCM. Như vậy, sự chủ động của các địa phương này về điều hành ngân sách sẽ bị giảm đáng kể.

TP.HCM phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022
TPHCM phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 6 - 6,5% trong năm 2022

Bà Thu Hà cho biết, sở đã làm việc với UBND và phòng tài chính các địa phương nói trên về sự thay đổi và giải pháp. Bà khẳng định: “Những nội dung có thể lường trước được thì ngành tài chính đã chủ động tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động tối đa cho các địa phương.

Sắp tới, sở sẽ tổ chức mô hình tổ công tác đặc biệt để có sự kết nối, liên thông giữa sở và 16 quận, đảm bảo tháo gỡ các vấn đề phát sinh, tham mưu UBND TPHCM nếu vượt thẩm quyền hoặc kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù”.

Dù vậy, bà vẫn cho rằng, trong năm tới, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, thách thức trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, cải thiện hạ tầng, giáo dục, y tế, môi trường, do đó cần cân nhắc và có tính thống nhất, mới mong “chạy êm”.

Nhiều đại biểu nhận định, thủ tục hành chính đến nay vẫn còn nhiều bất cập, chưa có sự liên thông triệt để giữa các sở, ngành, địa phương. Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - nói: “Có những thắc mắc, kiến nghị của người dân, chính quyền địa phương có văn bản phản ánh nhưng chờ lâu mới được trả lời”.

Một đại biểu khác cho rằng, “không có lý do gì để ách tắc hồ sơ, thủ tục”, bởi trong năm 2021, thu ngân sách của TPHCM đạt 101,3% dự toán năm, cho thấy nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan đã rút ngắn được quy trình nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận: “Nếu cải cách hành chính đạt hiệu quả tốt thì thành phố sẽ phát triển nhanh, do đó phải làm tốt hơn nữa”.

Theo ông, để khơi thông dòng vốn từ nguồn lực xã hội, các thủ tục hành chính, môi trường đầu tư cần phải thông thoáng. Tới đây, UBND thành phố tiếp tục kiên quyết loại bỏ các quy định và thủ tục mang tính “giấy phép con” không cần thiết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào các quy trình, đồng thời quy định rõ trách nhiệm gắn với khen thưởng, xử phạt các đơn vị, cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính. 

Phản hồi ý kiến của các đại biểu về vấn đề y tế cơ sở, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế và nhất trí triển khai đề án thí điểm xây dựng, tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số. Bên cạnh kế hoạch nâng cấp trạm y tế với các chính sách thu hút nhân lực cho y tế cơ sở, trước mắt, thành phố xây dựng trạm y tế lưu động để huy động lực lượng từ bên ngoài như quân y, y tế tư nhân chung sức phòng, chống dịch. 

Về nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch về chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025, theo đó, phấn đấu xây hơn 386.500 căn nhà, trong đó nhà ở xã hội chiếm 5%, giải quyết chỗ ở cho hơn 243.000 công nhân, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nhà trọ, cải thiện nhà ven kênh, rạch. 

Tuyết Dân - Tam Bình  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI