TPHCM quyết không để xảy ra “dịch chồng dịch”

06/07/2022 - 06:11

PNO - Ngày 5/7, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM tổ chức hội nghị lần thứ 15 (mở rộng) khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025, thảo luận về báo cáo tình hình kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận sáu tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sáu tháng cuối năm 2022.

Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thông tin, biến chủng BA.4, BA.5 của Omicron đã có mặt tại TPHCM với một ca ở H.Củ Chi và hai ca ở TP.Thủ Đức.

Trong khi đó, dịch sốt xuất huyết cũng có dấu hiệu tăng, với 11 trường hợp tử vong. Theo đề nghị của Sở Y tế TPHCM các lãnh đạo được phân công phụ trách địa bàn trong dịch COVID-19 phải tiếp tục cùng các địa phương chỉ đạo phòng, chống dịch, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. 

Ông Nguyễn Văn Nên lưu ý: “Nếu để xảy ra dịch chồng dịch, hệ thống y tế sẽ quá tải. Điều này là rất nguy hiểm”.

Ông chỉ đạo, toàn hệ thống chính trị phải tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát. Với dịch COVID-19, ông yêu cầu tăng cường truyền thông, vận động mọi người tiêm vắc-xin; tăng cường củng cố hệ thống y tế các tuyến, nhất là tuyến cơ sở, rà soát hệ thống y tế tư nhân, củng cố hệ thống quân dân y, hệ thống đông tây y toàn thành phố như đã từng làm. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) trao đổi với Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) trao đổi với Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội sáu tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Nên yêu cầu làm rõ các vướng mắc khiến người dân, doanh nghiệp tốn thời gian, công sức là do thể chế, chính sách hay do thủ tục hành chính rườm rà: “Vướng mắc không chỉ giữa các cơ quan hành chính với người dân mà còn giữa các cơ quan với nhau. Đề xuất, kiến nghị từ cơ sở, quận huyện lên sở, ngành thành phố cũng vướng mắc. Điều này khó chấp nhận lắm”. 

Ông nêu yêu cầu: “Chúng ta phải cải tiến nhanh, phải có một nền hành chính đủ kiểm soát các công việc hằng ngày. Bộ phận cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính phải hoạt động mạnh hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa, thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường phân cấp, quy định thời gian giải quyết dứt điểm”.

Ông cũng yêu cầu các sở, ngành, các địa phương chủ động phối hợp rà soát chính sách đối với doanh nghiệp; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng yếu; lên kế hoạch cải tạo kênh rạch (trọng tâm là rạch Xuyên Tâm); tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội; chuẩn bị tổ chức hội nghị văn hóa TPHCM, triển khai việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh…

Ông Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu sớm hoàn chỉnh dự thảo báo cáo tổng kết mười năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020 và năm năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. “Lần này, chúng ta mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để địa phương nâng cao tính chủ động, quan trọng nhất là có điều kiện huy động các nguồn lực ở khu vực ngoài nhà nước” - ông nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, trong sáu tháng cuối năm 2022, UBND TPHCM chỉ đạo tập trung phục hồi toàn diện thương mại, dịch vụ, trong đó triển khai chương trình bình ổn giá nhằm chủ động ứng phó với lạm phát; tập trung củng cố hai ngành xây dựng bất động sản và công nghiệp điện tử; tổ chức diễn đàn để thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn; tập trung triển khai đề án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức tuần lễ sáng tạo và triển khai các dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; hoàn thiện bước đầu nền tảng dữ liệu chung của TPHCM để phục vụ phát triển kinh tế số, cải cách hành chính… 

Ông cho biết, trong quý II, chỉ có khoảng 18 - 29% sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên cần đẩy mạnh tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. UBND TPHCM cũng đã tổ chức triển khai giải pháp nâng cao các chỉ số cải cách hành chính nhằm xác định rõ trách nhiệm từng ngành, từng địa phương, giải quyết các điểm nghẽn trong phối hợp các sở, ngành, quận, huyện.  

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TPHCM tại hội nghị, kinh tế, xã hội TPHCM sáu tháng đầu năm 2022 phục hồi nhanh, khá toàn diện. Cụ thể, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II/2022 tăng 5,73% và tính chung cả sáu tháng đầu năm tăng 3,82%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 238.000 tỷ đồng, bằng 61,7% dự toán năm và tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tam Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI