TPHCM phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

16/08/2023 - 05:56

PNO - TPHCM ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường bằng nhiều giải pháp đồng bộ: dùng ứng dụng (app) để dự báo và phòng, chống thiên tai, phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng chạy bằng nhiên liệu thân thiện môi trường, xóa dần việc sử dụng nước ngầm…

Tích cực bảo vệ tài nguyên, môi trường

Ngày 14/8, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo tham vấn khu vực miền Nam về báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM - cho biết, để ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành TNMT của TPHCM đã xây dựng app phòng, chống thiên tai trên điện thoại thông minh, phối hợp hiệu quả trong việc tích nước và xả nước ở 2 hồ Dầu Tiếng và Trị An. Ngành giao thông vận tải TPHCM chú trọng phát triển phương tiện giao thông công cộng (xe buýt) sử dụng nhiên liệu sạch, thí điểm xe đạp công cộng ở quận 1, tập trung nguồn lực để xây dựng 6 tuyến đường sắt đô thị và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray. 

Nhiều trạm sạc dành cho xe điện ở TPHCM đã được các doanh nghiệp xây dựng ở các tuyến đường, tòa nhà, bãi giữ xe… - ẢNH: PHẠM LUẬN
Nhiều trạm sạc dành cho xe điện ở TPHCM đã được các doanh nghiệp xây dựng ở các tuyến đường, tòa nhà, bãi giữ xe… - Ảnh: Phạm Luận

Cũng theo bà, nhờ đẩy mạnh chương trình nước sạch và vận động dân bỏ dùng nước ngầm, toàn thành phố đã giảm được lượng nước ngầm khai thác từ 716.581m3/ngày đêm vào năm 2018 xuống còn 262.417m3/ngày đêm vào năm 2023 (giảm 73,7%).

Ngành TNMT TPHCM đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, tổng công suất các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt là 200.000m3/ngày. Ngành đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng giai đoạn 2 và đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất 480.000m3/ngày. Khi nhà máy này được đưa vào vận hành, tỉ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 71,25%. 

TPHCM cũng triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải rắn sinh hoạt, như gắn GPS trên phương tiện để theo dõi hành trình vận chuyển chất thải, lắp camera giám sát ở các trạm trung chuyển, chuyển đổi phương thức chôn lấp rác sang công nghệ đốt rác phát điện và kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác mới. 

Ông Bùi Xuân Cường - Phó chủ tịch UBND TPHCM - thông tin, UBND TPHCM đã chỉ đạo khởi động lại các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) về ngăn triều trong quý III/2023, tiếp tục triển khai các dự án cải tạo kênh rạch. Mỗi ngày, ngành TNMT TPHCM xử lý 9.800 tấn rác. Theo định hướng, đến năm 2025, 80% lượng rác thải sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện nhưng việc này đang vướng nhiều thủ tục pháp lý về công nghệ, đầu tư, cơ chế phối hợp trong mạng lưới.

Vận dụng cơ chế đặc thù 

TPHCM đã đạt được kết quả khả quan trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi trên đường, trên kênh rạch, nơi công cộng; một số phương tiện thu gom rác chưa được chuyển đổi đồng bộ; một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

Theo ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TNMT - nếu xem bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là 1 trong 3 trụ cột của phát triển bền vững thì nên chăng, trong thời gian tới, cần có nghị quyết riêng về bảo vệ môi trường và các địa phương cần xem bảo vệ môi trường là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, xã hội. Bộ đang gấp rút soạn dự thảo sửa đổi một số điều của các luật về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản để tháo gỡ những hạn chế trong các quy định liên quan đến bảo vệ TN, MT.

Theo ông Bùi Xuân Cường, tới đây, UBND TPHCM sẽ tận dụng những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 (thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TPHCM) để thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW hiệu quả hơn. Chẳng hạn, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo thí điểm khuyến khích người dân đầu tư sản xuất điện mặt trời trên mái nhà, thí điểm giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi bù trừ, giao dịch tín chỉ carbon, thu hồi xe cá nhân quá hạn sử dụng. UBND TPHCM cũng tiếp thu các góp ý, tư vấn của các chuyên gia về dự án xây cảng trung chuyển Cần Giờ theo hướng vẫn xây dựng cảng nhưng đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường, sinh thái. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI