TPHCM phấn đấu sau năm 2030, nông nghiệp công nghệ cao chiếm 70%

06/10/2023 - 17:54

PNO - Thông tin được ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM chia sẻ tại hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045", do Ban quản lý khu Nông nghiệp công nghệ cao phối hợp với Trường Chính sách công và phát triển nông thôn tổ chức sáng ngày 6/10.

Theo tiến sĩ Đậu Thị Mai Liên - Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, thành phố nên tập trung phát triển thành nơi cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển ngành sau chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trở thành trung tâm logistic nông nghiệp để kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trước mắt, TP có thể xây dựng chợ đầu mối Bình Điền trở thành trung tâm logistic về hàng hóa nông nghiệp. Tuy nhiên để làm được, chợ phải được thiết kế và đầu tư bài bản để có thể tiếp nhận hàng hóa rồi đưa đi các tỉnh và quốc tế, phải được vận hành theo mô hình kinh tế xanh và tuần hoàn. Bà Mai Liên cho rằng, TPHCM có thể tham khảo mô hình chợ đầu mối Rungis (Pháp) vì có điểm tương đồng với vị trí của TPHCM so với nền kinh tế Việt Nam. Để vận hành theo mô hình tuần hoàn thì chợ Rungis phải chi 30% chi phí vận hành để vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, thực phẩm bán không hết sẽ tặng cho các tổ chức từ thiện hoặc làm phân bón vi sinh, còn rác thì được sản xuất thành điện phục vụ cho chợ.

Để thúc đẩy ngành nông nghiệp chế biến có thể học tập mô hình tại Thái Lan. Họ đã thành công khi sáng tạo ra các bữa ăn đóng hộp bán ở siêu thị, đáp ứng nhu cầu giới trẻ vốn không có thời gian nấu ăn. Ngành này đem lại giá trị 102 tỉ USD (chiếm 23% tổng GPD cả nước). 

Tiến sĩ Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN-PTNN TPHCM - cho biết, TPHCM đã xác định sẽ là trung tâm sản xuất giống cây con chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu tại TPHCM và các tỉnh lân cận, tạo chuỗi giá trị, không lệ thuộc giống vào nước ngoài mà có thể xuất khẩu giống sang các nước lân cận như Lào, Campuchia.

Chỉ có phát triển nông nghiệp công nghệ cao mới nâng được giá trị sản phẩm, mới đáp ứng được sự bền vững của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới. Ảnh Nguyễn Mạnh
Chỉ có phát triển nông nghiệp công nghệ cao mới nâng được giá trị sản phẩm, mới đáp ứng được sự bền vững của ngành nông nghiệp thành phố trong thời gian tới - Ảnh Nguyễn Mạnh

Mới đây HĐND TPHCM đã họp thông qua Nghị quyết số 14, trong đó có khẳng định rõ nếu doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp CNC tạo ra chuỗi liên kết thì sẽ được hỗ trợ về kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi, trang thiết bị, tư vấn xây dựng dự án... Đồng thời, Sở Kế hoạch đầu tư đã tham mưu cho UBND trình chính sách hỗ trợ đối với các hợp tác xã và sẽ có cơ chế chính sách hỗ trợ. Riêng với các hộ nông dân, trang trại sản xuất với quy mô nhỏ đang gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

TPHCM đang thảo luận cùng với Bộ NN-PTNN quan tâm xây dựng chuỗi logistic nông nghiệp cho TPHCM. Bởi hiện sản phẩm rau do thành phố sản xuất chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu cho người dân, các sản phẩm khác chỉ có trên dưới 10%, phần lớn còn lại đều là từ các tỉnh đưa về. Nếu xây dựng được logistic nông nghiệp sẽ phục vụ cho nhu cầu của thành phố, tạo sự liên kết chặt chẽ với các tỉnh.

Về quy hoach và mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông nghiệp CNC, thành phố sẽ chia ra nhiều khu nông nghiệp CNC vì mỗi khu gắn với loại hình sản xuất khác nhau. Như tại huyên Củ Chi, khu nông nghiệp tại xã Phạm Văn Cội sẽ chuyên về trồng trọt, khu tại xã Phước Vĩnh An thì chuyên về chế biến sau thu hoạch, khu thủy sản huyện Cần Giờ sẽ tập trung vào thủy sản và dự kiến xây dựng thêm khu tại huyện Củ Chi hoặc Bình Chánh sẽ chuyên về chăn nuôi.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, một khi quy hoạch rõ ràng thì người dân mạnh dạn đăng ký dự án đầu tư, được hưởng chính sách hỗ trợ, tránh vướng mắc sự ko phân rõ ràng giữa công trình phụ trợ với nhà ở. “Để chuyển đối nông nghiệp CNC, trước đây hay nói phải có sự phối hợp “3 nhà - 4 nhà” nhưng bây giờ phải có “5 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà ngân hàng). TPHCM sẽ vận dụng tất cả cơ chế hiện nay để hỗ trợ nông dân tham gia vào sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng mới. Lãnh đạo thành phố mong muốn sau 2030, ít nhất 70% việc sản xuất của nông nghiệp thành phố là CN” - ông Đinh Minh Hiệp thông tin.

 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI