TPHCM phải chăm lo cho các cá nhân, gia đình có công với cách mạng bằng cái tâm và tình cảm tri ân

27/07/2024 - 15:04

PNO - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị, các cơ quan, đơn vị tập trung vào những việc làm cụ thể, thường xuyên, giúp đỡ các cá nhân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng về vật chất lẫn tinh thần bằng cái tâm và tình cảm tri ân của mình.

Sáng 27/7, Thành uỷ - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức chương trình họp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu, nhân dịp Kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

16 tuổi quyết định giấu mẹ lên đường chiến đấu

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng (thương binh hạng 2/4, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) từng tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Campuchia và từng tham gia 5 chiến dịch lớn, trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 22 trận đánh lớn nhỏ.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tại họp mặt - Ảnh: Tú Ngân
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thành Ngưỡng (thứ hai từ trái sang) chia sẻ tại họp mặt - Ảnh: Tú Ngân

Nhớ lại những ký ức chiến đấu cùng đồng đội, ông Nguyễn Thành Ngưỡng xúc động kể: “Ngày đó, khi còn là một sinh cấp ba, vừa tròn 16 tuổi, ở Nghệ An, bấy giờ cuộc chiến tranh chống Mỹ đang nổ ra, xem trên đài, coi báo tôi hiểu được âm mưu xâm lược tàn phá nhân dân miền Nam, khiến người dân vô cùng khổ sở, biết bao xương máu đã đổ xuống.

Năm 1966 chứng kiến cảnh tượng giặc Mỹ oanh tạc, đánh bom, phá hoại, hàng trăm gia đình chịu cảnh tang thương, chết chóc, sự tang thương mất mát bao trùm lấy ngôi làng nơi làng mình sinh sống. Điều đó, đã nung nấu ý chí quyết tâm khiến tôi quyết định giấu cả gia đình xung phong đi bộ đội, tham gia chiến đấu".

Ông Nguyễn Thành Ngưỡng tâm sự: “Mặc dù biết, phía trước chắc chắn sẽ có nhiều gian khổ, hy sinh, và lắm cơ cực, nhưng tôi vẫn chọn con đường vào Nam chiến đấu cùng anh em, đồng đội. Giờ đây, khi nhìn lại tôi rất tự hào dẫu cho trong người mang nhiều thương tật, trái gió trở trời thân thể đau đớn và nhiễm chất độc màu da cam, nhưng tôi chưa từng hối hận vì quyết định ngày xưa của mình”.

“Hòa bình độc lập tự do hôm nay không phải là đơn giản, đó là công lao của cha ông ta đã đổ xương, đổ máu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Tôi mong rằng, các bạn trẻ hãy xem đây là động lực học tập, công tác, phấn đấu bằng tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, giữ gìn phát triển đất nước” - ông Nguyễn Thành Ngưỡng gửi gắm.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bìa trái) và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (bìa phải) tặng hoa tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: Tú Ngân
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bìa trái) và Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (bìa phải) tặng hoa tri ân Mẹ Việt Nam anh hùng - Ảnh: Tú Ngân

Còn với ông Dương Đình Tấu (là thương binh hạng 3/4, bệnh binh hạng 2/3, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) nghẹn ngào khi nhớ lại, 8 lần bị thương với 6 lần lên bàn mổ, trong đó lần bị thương cuối cùng tại chiến trường Campuchia đã khiến ông mất đi đôi chân của mình.

“Thế nhưng khi trở về, nhớ lại lời Bác Hồ từng nói, thương binh tàn nhưng không phế, tôi quyết định tiếp tục học tập để tự cứu lấy mình vượt lên mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống” - ông Tấu xúc động nói.

Vậy là sau giải phóng trở về, người thương bệnh binh này tiếp tục phấn đấu học tập, trang bị cho mình 2 bằng đại học để ổn định cuộc sống .

Ông Tấu tâm niệm: “Tinh thần người lính không khuất phục trước quân thù, không gục ngã trước cuộc sống khó khăn, phải vươn lên đến cái đích cuối cùng.”

Không dừng lại ở đó, ông Dương Đình Tấu lại tiếp tục định hướng người con của mình noi theo lý tưởng yêu nước của cha, trở thành một người bác sĩ quân y phục vụ cho nhân dân và đem sức trẻ cống hiến cho Tổ quốc.

Chăm lo bằng cái tâm và tình cảm tri ân

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đến các Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, đại diện gia đình liệt sĩ…

“Đây là những người đã hy sinh người thân, một phần thân thể, thanh xuân và nhiều điều khác để đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo” - ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng hoa tri ân anh hùng lực lượng vũ trang, thương bịnh binh, người có công với cách mạng - Ảnh: Tú Ngân
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tặng hoa tri ân anh hùng lực lượng vũ trang, thương bệnh binh, người có công với cách mạng - Ảnh: Tú Ngân

Ông Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân thành phố đã nỗ lực trong công tác đền ơn đáp nghĩa, với nhiều cách làm sáng tạo. Có những người được hưởng chính sách nhưng cũng đi giúp những người hưởng chính sách khác, thể hiện tinh thần đồng chí, đồng đội, tương thân tương ái. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách, làm cho cuộc sống vui tươi, hạnh phúc hơn.

“Lãnh đạo TPHCM ý thức trong công tác chăm lo gia đình chính sách, làm nhiều bao nhiêu cũng chưa đủ, làm nhanh bao nhiêu cũng chưa kịp” - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị, các cơ quan, đơn vị tập trung vào những việc làm cụ thể, thường xuyên, không chỉ là giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng về vật chất mà còn là sự động viên, chia sẻ về tinh thần. Đặc biệt, làm tốt hơn bằng cái tâm và tình cảm tri ân của mình.

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định: "TPHCM luôn trân trọng cảm ơn nỗ lực vượt lên khó khăn của các tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; sự tương thân tương ái các gia đình hưởng chính sách. Mong rằng, các gia đình, cá nhân tiếp tục phát huy truyền thống cha anh, là tấm gương sáng cho xã hội và góp ý cho công tác đền ơn đáp nghĩa nói riêng và công tác xây dựng TPHCM nói chung".

Tú Ngân

 
TIN MỚI