TPHCM: Nửa thế kỷ tiên phong, phát huy bản lĩnh anh hùng

25/03/2025 - 10:55

PNO - Sáng 25/3, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “TPHCM - Thành tựu 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển”.

Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Phùng Huy
Quang cảnh hội thảo - Ảnh: Phùng Huy

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nghị - Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM - cho biết, sau ngày 30/4/1975 đến nay, TPHCM không ngừng nỗ lực phấn đấu trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, văn hóa - xã hội, công nghệ, đổi mới, sáng tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực, từng bước khẳng định vai trò của TPHCM trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hội thảo nhằm nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua, kinh nghiệm cho thời gian tới để TPHCM tiếp tục tiến lên trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Thanh Nghị gợi ý các đại biểu thảo luận tập trung vào các giá trị, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm quý báu của Đại thắng Mùa Xuân 1975 vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM, những hạn chế, thành tựu, thách thức, giải pháp để thành phố thực sự phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Các đại biểu nêu nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo - Ảnh: Phùng Huy
Các đại biểu nêu nhiều ý kiến tâm huyết tại hội thảo - Ảnh: Phùng Huy

Thiếu tướng, phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Quang Đạo - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Bộ Quốc phòng) - cho rằng, người Sài Gòn - TPHCM có quyền tự hào về chiến công chói lọi của Đại thắng Mùa Xuân, của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tự hào về những giá trị trường tồn mà chính Đảng bộ và nhân dân thành phố đã tạo nên trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược.

“Chúng ta càng tự hào vì không chỉ “đi trước về sau” vẻ vang trong kháng chiến mà TPHCM đã và đang dẫn đầu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đi đầu vì cả nước, cùng cả nước trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu với mục tiêu “đi trước, về đích trước” nhằm xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình” - ông nhấn mạnh.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM - nhìn nhận, trong chặng đường nửa thế kỷ qua, cụm từ “TPHCM - thành phố anh hùng” gắn chặt với nhau, vừa phản ánh danh hiệu cao quý mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng thành phố, vừa là nguồn động lực to lớn để thành phố luôn vững vàng vượt qua bao trở ngại, liên tiếp giành những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM - Ảnh: Phùng Huy
Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy TPHCM - Ảnh: Phùng Huy

Theo ông, sau giải phóng, tình hình kinh tế xã hội hết sức khó khăn, giá cả tăng phi mã, lạm phát tăng cao, có lúc lên 740%, đời sống nhân dân sa sút thê thảm. Trong quá trình vượt qua khó khăn, TPHCM là một trong những điểm sáng nổi bật, khí phách và bản chất anh hùng từ những năm tháng gian truân khốc liệt nơi chiến trường trọng điểm được khơi dậy.

Những vị lãnh đạo cao nhất thuộc “đời đầu” của TPHCM đã chủ trương tìm mọi giải pháp để lo cho dân, lo cho sản xuất, kinh doanh, vực thành phố ra khỏi cơn khủng hoảng, vừa chạy gạo từng bữa cho 3,5 triệu dân, vừa thành lập tổ thu mua lương thực, lặn lội xuống tận Đồng bằng sông Cửu Long, vượt qua bao hàng rào “ngăn sông cấm chợ” để thu mua lương thực theo “giá thỏa thuận”, tạo nên “hạt gạo cô Ba Thi” nuôi sống nhân dân thành phố.

Theo ông, những đổi mới của TPHCM lúc đầu bị coi là “phá rào”, “xé rào”, sau này được ghi nhận là “bước đột phá đầu tiên” của quá trình Đổi mới, là “năng động, sáng tạo”, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, những đặc trưng tính cách anh hùng đã trở thành thuộc tính, thương hiệu của TPHCM.

Bước vào quá trình thực hiện đường lối Đổi mới từ năm 1986, TPHCM liên tục phát triển mạnh trong nhiều năm. Trong 10 năm (1975-1985), tổng sản phẩm nội địa (GRDP) chỉ tăng bình quân 2,7%/năm, thì trong giai đoạn đầu Đổi mới (1986-2010), GRDP tăng bình quân 10,5%/ năm, là một trong số ít đô thị của các nước tăng trưởng 2 con số liên tục trong khoảng thời gian dài. TPHCM đã khẳng định được vai trò vị trí là trung tâm lớn về nhiều mặt và là một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Trong 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị về TPHCM (1982, 2002, 2012, 2022) đều khẳng định vị trí của thành phố là “trung tâm kinh tế lớn”, “đô thị lớn nhất nước” và 2 lần nói đến vai trò “đầu tàu” của thành phố.

Nhìn nhận rằng TPHCM đã dùng chính truyền thống anh hùng đó để vượt qua những thách thức giai đoạn dịch bệnh COVID-19, ông Phan Xuân Biên tin tưởng rằng, nếu truyền thống kiên cường, dũng cảm; những đức tính căn cơ của người dân thành phố như năng động, sáng tạo, hào sảng, nghĩa tình, tiên phong hội nhập, hiện đại... được khơi dậy cao độ, có sự đồng lòng trên - dưới, ý Đảng luôn hợp lòng dân..., chúng ta hoàn toàn kỳ vọng thành tựu mới dù rất cao sẽ đến với thành phố thời gian tới.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI