TPHCM - nỗi niềm sau “đêm đóng cửa”

25/03/2020 - 08:03

PNO - Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, từ 18g ngày 24/3, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh ăn uống với công suất phục vụ từ 30 người trở lên, câu lạc bộ bi-da, phòng tập thể hình (gym), cơ sở làm đẹp, hớt tóc, uốn tóc phải tạm dừng hoạt động đến hết tháng Ba để chống dịch COVID-19.

UBND P.An Lạc thông tin về việc tạm dừng hoạt động cho chủ một cơ sở cắt tóc
UBND phường An Lạc thông tin về việc tạm dừng hoạt động cho chủ một cơ sở cắt tóc

Chủ quán ăn trở tay không kịp nhưng… không sao 

Chiều tối 24/3, ông Đỗ Đình Thiện - Phó chủ tịch UBND  quận Bình Tân - cho biết, ngay sau khi nhận được công văn về việc “tạm dừng”, UBND quận đã nhanh chóng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường thực hiện nghiêm túc chỉ đạo nói trên.

Gần 17g, ông Huỳnh Minh Trường - Phó chủ tịch UBND phường An Lạc A - đã dẫn đầu một tổ công tác, trực tiếp đến những cơ sở trong diện phải tạm dừng hoạt động để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM. Lúc này, tại cơ sở kinh doanh số 58-60 đường số 2, đang có rất nhiều khách ăn, uống. Khi nghe tổ công tác thông tin về việc tạm dừng hoạt động, quản lý của cơ sở kinh doanh này tỏ ra rất bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi nghe lực lượng chức năng giải thích mục đích yêu cầu tạm dừng hoạt động, người quản lý cơ sở vui vẻ chấp hành và thông tin lại cho các thực khách về việc sẽ đóng cửa quán lúc 18g.

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ chiều tối 24/3, nhiều cơ sở làm đẹp, phòng gym, khu vui chơi giải trí ở quận Bình Tân đã tự giác đóng cửa sau khi đọc được chỉ đạo của UBND TPHCM trên báo. Riêng các cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn cố nấn ná đến giờ “G” vì không thể xoay xở kịp.

Bà Đặng Thị Thanh Tuyền - chủ một hệ thống nhà hàng ở quận Bình Tân - cho biết, hệ thống nhà hàng của bà chủ yếu kinh doanh đồ tươi và thường nhập hàng vào buổi sáng. Trong khi đó, đến cuối giờ chiều, bà mới biết thông tin về việc tạm dừng hoạt động nên không thể trở tay kịp. Làm việc với lực lượng chức năng, bà Tuyền mong muốn được “giãn” thêm thời gian để giảm bớt thiệt hại.

Ông Huỳnh Minh Trường cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản của UBND TPHCM, UBND  phường An Lạc A đã nhanh chóng truyền chỉ đạo này đến các cơ sở thuộc diện phải tạm dừng hoạt động để họ nắm bắt. Các tổ công tác của UBND phường, khu phố và các ban ngành, đoàn thể cũng đến tận các hộ kinh doanh để tuyên truyền, vận động người dân chấp hành.

Tại tiệm cắt tóc Thanh trên đường Phạm Bành, quận Bình Tân, chúng tôi ghi nhận có rất đông khách đến cắt tóc trước giờ loại hình dịch vụ này sẽ đóng cửa trên toàn thành phố. Ông Nguyễn Hoài Thanh - chủ tiệm cắt tóc - cho biết, từ sáng sớm đến chiều, chỉ có ba khách đến tiệm của ông hớt tóc, nhưng sau 16g, khách lại ùn ùn kéo đến vì họ lo ngày mai, các tiệm cắt tóc sẽ đóng cửa. Tuy nhiên, do được chính quyền địa phương vận động, ông chỉ cắt cho những khách hàng cuối rồi nghỉ trước 18g.

Ở khu vực trung tâm thành phố, rất nhiều cơ sở kinh doanh cũng đồng loạt dừng hoạt động. Câu lạc bộ bi-da S. ở phường 12, quận 10, thông báo dừng nhận khách từ 17g. Một nhân viên ở cơ sở này cho biết, khi vừa nhận được thông báo từ chính quyền địa phương, chủ cơ sở đã yêu cầu ngưng nhận khách. Riêng những khách đang chơi, nhân viên đã thông tin về việc sẽ tạm dừng hoạt động lúc 18g và mong khách thông cảm.

Một số nhà hàng đã thông báo tạm nghỉ theo chỉ đạo của UBND Thành phố
Một số nhà hàng đã thông báo tạm nghỉ theo chỉ đạo của UBND Thành phố - Ảnh: Tam Nguyên

Ngổn ngang nỗi lo

19g, tuyến đường Lê Ngô Cát,  quận 3 vắng vẻ một cách bất ngờ. Do đây là tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu nên thường rất nhộn nhịp vào buổi tối. Theo ghi nhận của chúng tôi, từ sau 18g, nhân viên ở các điểm kinh doanh này bắt đầu dọn dẹp vệ sinh để chuẩn bị đóng cửa dài ngày. Một nhân viên làm việc ở khu vực này lo lắng: “Nghỉ dài ngày thế này, tụi em cũng chưa biết chủ quán sẽ tính chế độ lương sao nữa. Từ hôm dịch đến giờ, quán vắng nên thu nhập của em cũng giảm rất nhiều”.

Chiều 24/3, UBND  phường Linh Trung, quận Thủ Đức phát đi thông báo về việc tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ. Ông Trần Quốc Hưng - Chủ tịch UBND phường Linh Trung - cho biết, ngay khi nhận được thông báo từ cấp thành phố và quận, UBND phường đã tổ chức thông tin đến người dân nói chung bằng nhiều kênh như qua trang web của phường, qua điện thoại đến từng cơ sở, huy động cán bộ đến tận nơi thông báo cho từng chủ cơ sở.

Cầm trên tay những tờ thông báo, anh Phạm Văn Lực - cán bộ văn hóa thông tin phường Linh Trung - chạy xe xuống quán ẩm thực ba miền Ốc Sam ở đường Hoàng Diệu. Ký nhận tờ thông báo, anh Lương Tấn Khang - chủ quán - rầu rầu: “Vậy là từ hôm nay, chính thức thất nghiệp”. Đám nhân viên của anh đang phân nhau xếp lại bàn ghế, phun nước quét rửa từng ngõ ngách của quán, quay về phía anh, đồng thanh: “Hồi nãy bàn nhau rồi, sao còn buồn vậy hè?”.

Hóa ra, ngay sau khi nhận điện thoại từ UBND phường, anh Khang gom nhân viên lại, thông báo sự việc và nói với nhân viên: “Tình hình dịch rất căng, chính quyền họ đã yêu cầu mình như vậy. Là một cá nhân luôn ủng hộ chủ trương chống dịch, mình phải chấp hành”. Thấy hơn 20 nhân viên thảng thốt, anh Khang nói: “Không dẹp quán hôm nay thì mai cũng dẹp, có khi vừa dẹp vừa phải đi cách ly. Nghĩ coi, nếu có vị khách nào mang trong mình vi-rút rồi tới đây ăn…”. Nhân viên nghe vậy, liền phân công dọn dẹp để chuẩn bị đóng cửa. Kiểm tra mớ nguyên vật liệu, anh Khang lấy ra chia đều cho các nhân viên đồng thời thông báo vẫn hỗ trợ thu nhập. Cả đám reo mừng…

Nhìn tôi, anh Khang lạc quan: “Mặt bằng thì thuê, mỗi tháng mấy chục triệu đồng, nhưng biết phải làm sao? Thành phố căng mình chống dịch, bất cứ yêu cầu nào từ chính quyền, tôi cũng ủng hộ và mong mọi người đều ủng hộ. Có như thế, dịch mới nhanh qua”. 

Cách quán anh Khang không xa, chị Võ Thị Thanh Thúy - chủ một nhà hàng sang trọng - cho biết: “Người chủ cho thuê mặt bằng đã miễn phí cho tôi, ngay khi nghe thông tin quán của tôi nằm trong diện phải đóng cửa”. Tôi nhìn ra khoảng sân rộng thoáng, thấy ba chiếc bàn sắp lại gần với nhau, ly tách, chén đũa đã sẵn, phía trên là băng-rôn “chúc mừng sinh nhật”. Chị Thúy bật cười: “Họ đặt tiệc lúc 19g, nhưng 16g30 tôi gọi điện hủy. Họ cũng xem báo đài về yêu cầu đóng cửa nên vui vẻ chấp thuận”. Bàn tiệc đó, chị Thúy mời tôi ở lại, cùng với hơn chục nhân viên, để “nhà có gì, đem hết ra làm một bữa cuối cùng rồi đóng quán, chờ lệnh của chính quyền”.

Tôi xin phép ra về. Phía sau, cánh cửa của nhà hàng khép lại. Tờ thông báo vừa cho người đi in mang về, chị Thúy treo trên cánh cổng: “Quán đóng cửa từ 18g hôm nay đến hết ngày 31/3, theo lệnh của UBND thành phố về phòng chống COVID-19”.

Anh Lực cho hay, toàn phường có khoảng 20 tiệm bi-da, 15 cơ sở ăn uống lớn, đều chấp hành “lệnh” đóng cửa. Nguyên liệu đã mua từ trước, tới giờ này đành bỏ, có “bao biện” kiểu gì thì cũng là chuyện buồn. Từ hai tháng nay, với dân kinh doanh, mặt hàng gì cũng buôn bán khó khăn. Nhưng, họ cũng sẵn sàng cùng trợ lực với chính quyền trong phòng chống dịch và chờ đợi “ác mộng COVID-19” đi qua… 

Một phòng tập gym trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú thông báo đóng cửa
Một phòng tập gym trên đường Gò Dầu, quận Tân Phú thông báo đóng cửa - Ảnh: Thiên Ân

Nghiêm chỉnh chấp hành

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Làm đẹp Thảo Tây - cho biết, hiện doanh nghiệp có loại hình kinh doanh làm đẹp và dạy sơ cấp nghề với nhiều chi nhánh ở TP. Hà Nội và TPHCM. Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của đơn vị.

“Trong quý I/2020, chúng tôi phải đóng cửa trường dạy nghề, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của trường và các học viên. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống salon tóc và thẩm mỹ viện đều bị ảnh hưởng. Do lo sợ dịch bệnh nên rất nhiều khách hàng hủy hẹn hoặc không đến làm đẹp. Có những ngày, nhiều chi nhánh không có doanh thu” - bà Ngọc chia sẻ.

Theo bà Ngọc, kinh doanh khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả các chi phí cố định như mặt bằng và lương nhân viên. Các chủ nhà cũng không giảm tiền mặt bằng hay cho trả chậm. Doanh nghiệp phải bù lỗ, gồng gánh chi phí toàn hệ thống và đã phải cắt giảm một chi nhánh để dồn lực nuôi công ty vượt qua thời gian khó khăn này.

Khó khăn là vậy nhưng bà Ngọc cho biết, đơn vị sẽ chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM là tạm dừng hoạt động toàn bộ hệ thống: “Chúng tôi vẫn đồng lòng tuân thủ các quyết định để đại dịch sớm kết thúc. Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước có những chính sách giúp đỡ doanh nghiệp trong thời gian này”.

Anh Nguyễn Hoài Thanh - chủ tiệm cắt tóc bình dân ở phường An Lạc A, quận Bình Tân - cho hay, từ ngày có dịch đến nay, thu nhập của cơ sở anh sụt giảm rõ rệt. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng không được giảm nên đời sống gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. “Chủ trương của UBND thành phố về chống dịch thì mình phải chấp hành nghiêm. Nhưng tôi cũng mong chính quyền địa phương có tác động để chủ mặt bằng giảm giá thuê cho chúng tôi trong mùa dịch này” - anh Thanh nói.

Ông Huỳnh Minh Trường cho biết, qua trao đổi, hầu hết các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố. Tuy nhiên, nhiều người cũng nêu khó khăn trong việc kinh doanh. “Chúng tôi sẽ tổng hợp những tâm tư, nguyện vọng của người dân để báo cáo lên cấp có thẩm quyền, tìm hướng tháo gỡ” - ông Trường nói. 

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI