TPHCM nỗ lực khắc phục khó khăn trong năm học mới

19/09/2022 - 06:09

PNO - Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn của Báo Phụ Nữ TPHCM chung quanh vấn đề triển khai thực hiện các mục tiêu của năm học mới.

Phóng viên: Đến thời điểm khai giảng, TPHCM vẫn còn hơn 7.000 học sinh thiếu sách giáo khoa (SGK). Có phải ngành giáo dục thiếu sự chủ động trong việc trang bị sách cho năm học mới?

Ông Nguyễn Bảo Quốc: Vào thời điểm tổng kết năm học trước, sở đã yêu cầu báo cáo tình hình SGK năm học mới, để kịp thời hỗ trợ các trường trang bị đủ sách cho học sinh, đặc biệt là các lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (khối Một, Hai, Ba, Sáu, Bảy, Mười). Qua khảo sát, tình trạng thiếu SGK phần lớn ở các trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Học sinh thiếu SGK chủ yếu từ địa phương khác đến TPHCM và học viên giáo dục thường xuyên đăng ký nhập học trễ nên cơ sở giáo dục bị động trong việc chuẩn bị sách. Sở đã chỉ đạo các trường có giải pháp tạm thời là cung cấp file SGK để học sinh kịp thời học tập. Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với nhà xuất bản, các công ty phát hành sách cung cấp sách đầy đủ và kịp thời đến học sinh. Về cơ bản, đến ngày 16/9 đảm bảo đủ SGK cho học sinh thành phố.

* Đến nay, nhiều cấp học vẫn thiếu trang thiết bị dạy học tối thiểu, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm… để triển khai chương trình mới. Sở có giải pháp gì, thưa ông?

- Sở đã yêu cầu các quận, huyện, TP.Thủ Đức rà soát, lập kế hoạch sửa chữa, thay thế, mua sắm bổ sung những thiết bị cần thiết và đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học đối với các khối lớp áp dụng chương trình mới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mua sắm bổ sung cho các cấp lớp chuẩn bị áp dụng chương trình mới theo lộ trình.

Tình trạng thiếu sách giáo khoa năm học mới gây khó khăn cho nhiều học sinh (trong ảnh: Dù đã vào  năm học nhưng nhiều học sinh tại TP.HCM vẫn đang tìm mua sách giáo khoa chương trình mới) - ẢNH: P.T.
Tình trạng thiếu sách giáo khoa năm học mới gây khó khăn cho nhiều học sinh (trong ảnh: Dù đã vào năm học nhưng nhiều học sinh tại TPHCM vẫn đang tìm mua sách giáo khoa chương trình mới) - Ảnh: P.T.

Đây là năm đầu tiên tin học từ môn tự chọn thành môn bắt buộc đối với lớp Ba. Chưa kể thành phố triển khai đề án tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh các cấp. Do đó, nhu cầu máy tính cho học sinh tại các trường là rất lớn. Tuy nhiên, việc mua sắm máy tính theo quy định hiện nay phải theo hình thức đấu thầu mua sắm tập trung, thời gian kéo dài, khiến nhiều trường chưa được trang bị đủ máy tính để dạy môn tin học. Sở kiến nghị cần xem máy tính là thiết bị dạy học để tạo thuận lợi cho việc mua sắm, đáp ứng kịp thời nhu cầu dạy học. Thành phố cũng có kế hoạch xây dựng ngân hàng máy tính, thiết bị dạy học dùng chung để đảm bảo điều kiện tổ chức dạy học môn tiếng Anh, tin học tại các trường.

* Năm học 2022-2023, TPHCM thiếu hơn 5.900 giáo viên theo biên chế ở cả bốn bậc học. Bên cạnh giải pháp “chữa cháy”, sở có tính đến giải pháp căn cơ cho tình trạng này?

- Đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình mới với lớp Mười, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên, sở đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường xây dựng kế hoạch nhân sự. Sở đã tổ chức tuyển dụng xong đợt 1, dự kiến tháng Mười tới đây sẽ tuyển dụng đợt 2. Ngoài ra, đối với các vị trí giáo viên thiếu nguồn tuyển dụng (công nghệ, tin học) và giáo viên môn mới (âm nhạc, mỹ thuật), sở đã hướng dẫn các trường chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc hợp đồng với điều kiện các nhân sự này đáp ứng trình độ chuyên môn phù hợp với cấp học.

Về giải pháp lâu dài, sở đã đặt hàng Trường đại học Sài Gòn và Trường đại học Sư phạm TPHCM để cung ứng đủ lực lượng giáo viên cần thiết. Đồng thời, ngành giáo dục thành phố tiếp tục tham mưu các chế độ, chính sách đối với giáo viên, đãi ngộ cho ứng viên tham gia tuyển dụng vị trí công tác ở các vùng khó khăn, ngoại thành. Đặc biệt là chế độ thu hút giáo viên ngoại ngữ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật… đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình mới và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục thành phố.

* Thực tế quá tải trường lớp, sĩ số học sinh cao cũng là một khó khăn trong việc triển khai chương trình mới. Vì sao việc xây dựng trường lớp luôn “đi sau” nhu cầu học tập của học sinh, thưa ông?

- Trung bình hằng năm, thành phố đưa vào sử dụng trên 1.000 phòng học nhưng năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, đến đầu năm học mới chỉ đưa vào hoạt động được 35 dự án với 575 phòng học. Dự kiến đến tháng Mười hai, đưa vào hoạt động thêm 16 dự án với 299 phòng học. Thực trạng tăng dân số cơ học quá cao là khó khăn chung của thành phố chứ không chỉ riêng ngành giáo dục. Trong đó, năm nay thành phố tăng đến hơn 21.800 học sinh. Bởi vậy, tiến độ xây dựng trường lớp khó có thể theo kịp, đồng thời, mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học khó đảm bảo ở một số quận, huyện.

Việc triển khai chương trình mới sắp tới sẽ còn nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến nguồn nhân lực. Sở đã yêu cầu các trường phải có kế hoạch chiến lược dài hơi, trung hạn và hằng năm để đưa ra những dự báo về nhu cầu nhân sự và cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó, các địa phương tham mưu thực hiện việc quy hoạch mạng lưới trường lớp thời gian tới hiệu quả hơn.

* Xin cảm ơn ông. 

Phương Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI