TPHCM: Nỗ lực gỡ vướng để cải tạo chung cư cũ

14/04/2025 - 06:46

PNO - Theo Sở Xây dựng TPHCM, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu cải tạo hơn 500 chung cư cũ, được xây dựng trước năm 1975 và giai đoạn 1975-1994 đã xuống cấp, trong 10 năm tới. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Vừa ở vừa run

Hơn 50 năm sử dụng, chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) với 17 lô, trong đó có 2 lô đã giải tỏa, đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Được thiết kế với kết cấu 1 trệt, 3 lầu, nhiều hạng mục của chung cư đã hư hỏng nặng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Chị M.T. - một cư dân sống tại đây - cho biết, tường nhà chị thường xuyên bị thấm nước, dù đã sửa chữa nhiều lần nhưng không thể khắc phục triệt để, cứ đến mùa mưa là nước thấm dột khắp nhà. “Một mảng bê tông lớn đã rơi xuống. May là không có ai bị thương” - chị kể.

Do diện tích hạn chế và xuống cấp, nhiều hộ dân tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) đã lắp thêm “chuồng cọp” để mở rộng không gian, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Do diện tích hạn chế và xuống cấp, nhiều hộ dân tại chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) đã lắp thêm “chuồng cọp” để mở rộng không gian, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Tại chung cư, hệ thống dây điện, cáp viễn thông chằng chịt càng làm tăng nguy cơ mất an toàn. Dù đã được sửa chữa nhiều lần nhưng tình trạng xuống cấp vẫn không được giải quyết dứt điểm. Nhiều vị trí bê tông bị nứt vỡ, lộ cốt thép gỉ sét, cầu thang cũng hoen gỉ, mục nát. “Chúng tôi mong chính quyền sớm có phương án cải tạo hoặc tái định cư để người dân ổn định cuộc sống” - chị M.T. bày tỏ.

Dự án chỉnh trang chung cư Ngô Gia Tự đã được chính quyền quận 10 đưa vào kế hoạch từ lâu, nhưng do vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cùng nguồn ngân sách hạn chế nên việc cải tạo vẫn chưa thể triển khai. Hiện tại, chính quyền đang kêu gọi nhà đầu tư nhằm huy động vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến trình cải tạo chung cư này.

Còn tại chung cư Trúc Giang (44/1 Lê Văn Linh, quận 4), dù đã được bố trí tạm cư hơn 3 năm nay, nhưng tại tầng trệt vẫn còn 2 hộ dân bám trụ, trong đó có ông Lã Trọng Loan (84 tuổi). Ông Loan cho biết, sẵn sàng di dời nếu quyền lợi được giải quyết thỏa đáng.

Theo ông Loan, chung cư này được đưa vào sử dụng từ năm 1969, ban đầu chỉ có các hộ dân sống tại tầng trệt. Đến đầu những năm 1990, bên công ích đã bán lại cho một bên xây dựng khác tự cơi nới, nâng thêm các tầng phía trên. Theo thời gian, kết cấu không còn đảm bảo, dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng.

Căn hộ của ông Loan được Nhà nước cấp từ năm 2005. Đến năm 2015, thành phố có quyết định bán nhà thuộc sở hữu nhà nước và ông đã làm đơn xin mua theo diện chính sách (ông Loan là thương binh). Trong lúc chưa được giải quyết thì năm 2017, chung cư bị kiểm định ở cấp D, mức độ hư hỏng nặng, cần di dời khẩn cấp, khiến ông mất quyền mua nhà.

Hiện chung cư Trúc Giang xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt nẻ, xỉn màu, cây cỏ mọc um tùm trong các khe tường, cả tòa nhà gần như bỏ hoang, môi trường ô nhiễm, chuột bọ hoành hành, nhưng ông Loan và một số hộ dân vẫn chưa có nơi ở ổn định. “Chỉ cần chính quyền giải quyết quyền lợi hợp lý, tôi sẽ di dời ngay” - ông Loan khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Sa - 75 tuổi, cư dân lâu năm tại chung cư Tôn Thất Thuyết (phường 4, quận 4) - cho biết, gia đình bà đã sinh sống tại đây suốt 3-4 thế hệ. Trước đây chung cư khang trang, sạch sẽ, nhưng theo thời gian, công trình ngày càng xuống cấp. Các bức tường cũ kỹ, rêu phong, nền nhà bong tróc, hệ thống thoát nước hư hỏng khiến môi trường sống mất vệ sinh nghiêm trọng.

Nhà nước cần chủ động đầu tư những công trình cấp bách

Theo ông Vũ Anh Dũng - Phó phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng TPHCM - trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã cải tạo, sửa chữa 237/474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, đạt 49,3% so với mục tiêu đề ra. Nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nhiều giải pháp đồng bộ tiếp tục được triển khai, trong đó ngân sách nhà nước sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ quan trọng như kiểm định chất lượng chung cư, lập quy hoạch và công bố kế hoạch cải tạo, xây mới. Đồng thời, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ được trao quyền chủ động hơn trong quá trình thực hiện để rút ngắn thời gian triển khai.

Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) xuất hiện nhiều mảng tường bong tróc, lan can gỉ sét, khiến cư dân lo ngại
Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) xuất hiện nhiều mảng tường bong tróc, lan can gỉ sét, khiến cư dân lo ngại

Hiện nay, TPHCM có nhiều chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm cấp D, cần tháo dỡ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho cư dân. Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn chưa đồng thuận với phương án di dời, gây khó khăn cho quá trình cải tạo. Trước thực tế này, chính quyền thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đến tạm cư, tái định cư tại quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

Trong trường hợp cần thiết, thành phố sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, nhằm bảo vệ quyền lợi của số đông cư dân đã tuân thủ quy định.

Những chính sách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, tạo động lực để đẩy nhanh quá trình cải tạo, tái thiết chung cư cũ, nâng cao chất lượng sống cho người dân và chỉnh trang đô thị.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM) cho rằng, việc xác định giá bồi thường cần hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế, giúp người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, khi thực hiện tái định cư, nếu không có phương án hợp lý, người dân có thể rơi vào cảnh khó khăn, phải rời xa nơi lập nghiệp mà không có kế sinh nhai. Vì vậy, cần xem xét các phương án tái định cư tại chỗ, hỗ trợ sinh kế, tìm kiếm giải pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác trong việc xây dựng nhà tái định cư trước, sau đó thực hiện di dời theo nguyên tắc “đổi căn này lấy căn kia”, có thể kèm theo một khoản hỗ trợ tài chính để người dân sớm ổn định cuộc sống, thay vì chỉ bố trí tạm cư.

Về phía nhà đầu tư, thường thấy là các dự án bị chậm trễ do thiếu tính hấp dẫn. Mức giá đưa ra cần đủ sức thu hút doanh nghiệp, nhưng đồng thời phải đảm bảo lợi ích chung. Khi có sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư, việc đấu thầu sẽ diễn ra minh bạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp, dự án có thể kéo dài do nhà đầu tư có xu hướng ép giá để tối ưu lợi nhuận.

Với những công trình có tính cấp bách, ông Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng Nhà nước cần chủ động đầu tư, bởi lợi ích lâu dài về mặt xã hội có thể lớn hơn so với lợi nhuận kinh tế trước mắt. Nếu chỉ chờ đợi nhà đầu tư mà không sử dụng ngân sách nhà nước, tiến độ thực hiện sẽ rất chậm. Điều này cũng nên áp dụng với các công trình xuống cấp như nhà cấp D.

Dân thấp thỏm sống trong chung cư từng bị sập

Vào năm 2023, chung cư Tôn Thất Thuyết (phường 4, quận 4) từng khiến cư dân hoảng loạn khi lô C bị gãy đà, sập hành lang, tường và lan can lối đi. Không có thương vong nhưng sự cố đã khiến cư dân thấp thỏm. Bà Nguyễn Thị Sa chia sẻ, nhiều năm nay bà vẫn nghe thông tin về việc giải tỏa chung cư, nhưng vẫn chẳng thấy ai làm gì.

“Mấy chục năm gắn bó với nơi này, nhưng đi lên đi xuống thấy lo lắng lắm. Khi nào người ta đi thì mình đi thôi” - bà nói. Bà cũng băn khoăn về điều kiện tái định cư, không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao.

Nhằm thu hút các chủ đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 98/2024 đã bổ sung nhiều cơ chế ưu đãi, bao gồm miễn bồi thường về đất nhà nước, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và cho phép doanh nghiệp kinh doanh căn hộ thương mại dịch vụ sau khi hoàn thành công tác bồi thường, tái định cư. Ngoài ra, thành phố cũng đang dự thảo nghị quyết bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư, trong đó hỗ trợ 50% chi phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 10 tỉ đồng/dự án), 50% kinh phí di dời, cưỡng chế di dời và miễn 100% phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng.

Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI