TPHCM nỗ lực dựng xây xã hội học tập - Bài cuối: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

05/12/2024 - 06:16

PNO - Trả lời phỏng vấn của Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - nhấn mạnh: để xây dựng thành phố học tập, cần có sự chung tay của cả cộng đồng trong một tiến trình lâu dài.

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Phóng viên: Trở thành thành viên mạng lưới thành phố (TP) học tập toàn cầu của UNESCO là nỗ lực của TP trên nhiều mặt trận. Trong quá trình xây dựng TP học tập, TPHCM đã gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Lê Hoài Nam: Trở thành thành viên chính thức Mạng lưới TP học tập toàn cầu của UNESCO là cơ hội cho tất cả người dân tiếp tục học tập. TP cũng nỗ lực tạo ra môi trường học tập mở, nơi mỗi công dân có thể phát triển kỹ năng, kiến thức cần thiết để thích nghi và phát triển trong thế giới số. Đây là bước tiến quan trọng, khẳng định cam kết của TP đối với việc học tập suốt đời và phát triển bền vững. Trong quá trình triển khai, TP đã gặp một số khó khăn.

Việc xây dựng kho học liệu mở, thư viện dùng chung phục vụ tự học và học tập suốt đời của người dân cần nhiều thời gian, kinh phí. Nhưng nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thư viện số, chuyển đổi số còn hạn chế.

Hoạt động của một số trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân. Nguyên nhân là do sự thay đổi nhân sự nhưng bàn giao chưa đầy đủ. Chế độ công tác của giáo viên biệt phái và cán bộ kiêm nhiệm chưa khuyến khích, chưa nâng cao được công suất và hiệu suất công việc. Kinh phí từ ngân sách cấp cho các hoạt động học tập cộng đồng cũng chưa bảo đảm. Do đó, số lượng người tham gia học tập ít.

Một số địa phương thực hiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, ban, ngành, đoàn thể chưa mạnh. Do đó, việc huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia xây dựng xã hội học tập chưa phát huy mạnh mẽ.
* Trước tình hình này, TP sẽ làm gì để nâng cao hoạt động của các TTHTCĐ?
- Hiện toàn TP có 312 phường, xã, thị trấn thì đã có 310 TTHTCĐ (trừ phường Thủ Thiêm, An Lợi Đông của TP Thủ Đức). TTHTCĐ là cơ sở giáo dục thường xuyên do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của phòng GD-ĐT. Hằng năm, các TTHTCĐ phối hợp tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thu hút sự tham gia tích cực của người dân như: phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật, tổ chức các chuyên đề về văn hóa xã hội, kinh tế, sức khỏe, môi trường…

Tuy nhiên, vẫn còn một số trung tâm không có hoạt động riêng chỉ dựa trên hoạt động của các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể tại địa phương theo ghi nhớ hợp tác, phối hợp do khó khăn về nhân sự và kinh phí.

TP Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tập trung phát triển những TTHTCĐ công lập hiệu quả tại một số phường, xã để thu hút sự tham gia của người dân ở các phường, xã xung quanh. Đồng thời, giải thể các trung tâm mà nội dung, mục tiêu hoạt động không còn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân.

Bên cạnh đó, TP khuyến khích thành lập các TTHTCĐ tư thục nhằm phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Đặc biệt, TP sẽ tập trung xây dựng TTHTCĐ điểm, phát huy tối đa ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục, xây dựng thư viện điện tử, cung cấp dịch vụ học tập cho cộng đồng.

* Theo ông, giữa kinh phí, con người, cơ sở vật chất thì yếu tố nào là quan trọng nhất quyết định sự thành công và phát triển của 1 TP học tập?
- Sự thành công của 1 TP học tập không phụ thuộc vào 1 yếu tố duy nhất mà là sự kết hợp hài hòa của nhiều yếu tố. Tầm quan trọng của từng yếu tố có thể thay đổi tùy thuộc vào từng bối cảnh cụ thể. Kinh phí đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, công nghệ thông tin giúp kết nối người học, tạo ra môi trường học tập linh hoạt, hiện đại; phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu, tài trợ dự án nghiên cứu; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên; thúc đẩy hợp tác đào tạo quốc tế, các hoạt động truyền thông quảng bá.

Con người là yếu tố cốt lõi, bao gồm người học, giảng viên, nhà quản lý, các chuyên gia và cộng đồng. Chất lượng của đội ngũ giảng viên, nhà quản lý quyết định trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Sự tham gia và quan tâm, ủng hộ của cộng đồng tạo ra động lực cho việc phát triển xã hội học tập. Như vậy, sự thành công của 1 TP học tập là quá trình lâu dài, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng. Đây là hành trình tập thể và liên tục, đòi hỏi 1 chiến lược, 1 kế hoạch hành động cụ thể với sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và sự tham gia của tất cả bên liên quan.

* Trong thời gian tới, TP có những chiến lược gì để duy trì và phát huy thành quả của TP học tập?
- TP tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân về học tập suốt đời, xây dựng TP học tập trong nền kinh tế số, xã hội số. Tăng cường biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong xây dựng TP học tập.

Bên cạnh đó, TP sẽ rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo công tác xây dựng TP học tập và ban hành tiêu chí đánh giá việc thực hiện của các đơn vị. Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng TP học tập; tham gia nghiên cứu, đề xuất các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện học tập suốt đời.

TP cũng đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm với các TP thành viên khác trên thế giới, cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO.
* Xin cảm ơn ông.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM:

Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ


Xã hội học tập là chủ trương lớn của Nhà nước. Mục tiêu của xã hội học tập là mỗi công dân đều được tham gia vào quá trình học tập, thích nghi với sự phát triển của xã hội, thị trường lao động, xu hướng nhân lực. Ngày nay, nội dung học tập suốt đời trở nên đa dạng, không chỉ học văn hóa mà còn học kỹ năng sống, kiến thức, kỹ thuật công nghệ mới…

Nhà nước cần tổ chức nhiều nội dung học tập và khuyến khích mọi người luôn học tập tiến tới, bước vào thời đại số. Việc này cần làm xuyên suốt để hoàn thiện con người, phát huy được năng lực riêng của mỗi người tùy theo yêu cầu của địa phương, bối cảnh gia đình, thời kỳ kinh tế. Trong đó, không chỉ có vai trò của TTHTCĐ mà còn của trường học các cấp, trường nghề…

TTHTCĐ không phải mô hình mới nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phong phú của người dân. Để phát triển, các trung tâm phải chuyển đổi, trở thành mô hình gắn kết với các cơ sở giáo dục, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Trung tâm ở TPHCM thì phục vụ cho sự phát triển nguồn nhân lực tại TPHCM, hướng tới 4 ngành công nghiệp chủ lực, 9 ngành kinh tế dịch vụ và 8 ngành dịch chuyển quốc tế.

Muốn làm được điều này thì trung tâm không thể hoạt động dựa trên hình thức xã hội hóa mà cần thay đổi cơ chế, chính sách vận hành. Nhà nước, các cơ quan chức năng, các sở Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, GD-ĐT cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng đề xuất, quy chế hoạt động mới cho trung tâm. Phải trao chức năng, quyền hạn để trung tâm chủ động làm việc thì mới phát triển được.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp:

Cần tìm mô hình phù hợp


Quy định về TTHTCĐ đã có từ lâu, có nhà, con dấu, cơ sở vật chất riêng. Ban giám đốc là kiêm nhiệm, trong đó giám đốc là phó chủ tịch UBND phường, phó giám đốc là hiệu trưởng trường tiểu học hoặc trung học. Nghĩa là trung tâm có cơ chế hoạt động tự chủ nhưng những điều kiện đó trên thực tế rất khó thực hiện. Tìm được nơi để đặt trung tâm đã khó, đầu tư cơ sở vật chất hoàn chỉnh lại càng khó hơn. Mặt khác, trung tâm chỉ được cấp kinh phí ban đầu, sau đó phải tự thu chi. Cơ sở vật chất, kinh phí không có thì làm sao mở lớp và cấp giấy chứng nhận.
Do đó, mô hình hoạt động của TTHTCĐ theo quy định của Bộ GD-ĐT cần phải thay đổi. Trung tâm phải hoạt động theo tiêu chí “cần gì dạy nấy”, cập nhật kiến thức mà người dân cần. Ví dụ, tổng hợp kiến thức theo nhu cầu và chuyển đến người dân qua email, Zalo… thay vì tổ chức lớp học khi không có cơ sở vật chất, báo cáo viên và kinh phí. TP cần có 1 hội nghị để tìm ra mô hình TTHTCĐ phù hợp, giải pháp về kinh phí, con người để các đơn vị thực hiện tốt hơn.

Trang Thư (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI