TPHCM nỗ lực dựng xây xã hội học tập - Bài 2: Cổ vũ tinh thần học tập suốt đời bằng thư viện

03/12/2024 - 06:11

PNO - Trong quá trình xây dựng xã hội học tập, TPHCM không chỉ phát triển văn hóa đọc cho học sinh, mà còn cung cấp cả sách giấy và sách điện tử cho người dân dưới nhiều hình thức.

Lời tòa soạn: Ngày 14/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách 64 thành viên mới của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của tổ chức này, trong đó có 2 đại diện của Việt Nam là TPHCM và TP Sơn La (tỉnh Sơn La). Trở thành “thành phố học tập toàn cầu” là kết quả và cũng là bước ngoặt của TPHCM trong hành trình hướng tới mục tiêu hình thành những công dân số, công dân học tập suốt đời.

Bài 1: Trẻ em, người già cùng nhau học phổ cập

Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Tổ trưởng bộ môn giáo dục địa phương của Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), thành viên Hội Khoa học lịch sử TPHCM - nhận định, TPHCM không thiếu nguồn tài nguyên sách và thư viện phục vụ bạn đọc. Có thể kể đến như: hệ thống thư viện lớn của các trường đại học, thư viện nhỏ ở trường tiểu học, THCS, THPT, thư viện công cộng… Ngoài ra, thành phố còn có thư viện lưu động hoặc những trạm đọc đặt trên các tuyến đường lớn. Đây là hình thức thư viện rất sáng tạo và thiết thực, cung cấp được cả sách giấy và sách điện tử cho người dân.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12) đọc sách điện tử trong giờ ra chơi - ẢNH: T.T.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12) đọc sách điện tử trong giờ ra chơi - Ảnh: T.T.

Từ thư viện trường học...

Một buổi tối muộn, Minh Thư - học sinh một trường THPT tại quận Tân Bình - rất lo lắng khi tìm tư liệu về văn hóa Nam Bộ xưa. Thông tin trên internet rất nhiều nhưng Thư bối rối vì không biết tài liệu nào đúng. Em chợt nhớ tới phiên bản điện tử của thư viện quận Tân Bình.

Nhấn vào đường dẫn, thư viện mở ra với giao diện khá đơn giản. Nhập chữ “Nam Bộ” vào ô tìm kiếm, Thư được trả về hàng loạt tài liệu từ tôn giáo, đình chùa, thơ ca, văn nghệ, lịch sử cho đến những bài báo xưa về xứ sở Nam Kỳ. Mở tập tài liệu Dấu ấn văn hóa Pháp trong ca dao dân ca Nam Bộ đầu thế kỷ XX của tiến sĩ văn học La Mai Thi Gia, Thư say mê trong những vần thơ, câu chuyện xưa cũ. Thoáng chốc, bài cảm nghĩ về văn hóa Nam Bộ của Thư đã hoàn thành.

“Thư viện số giúp em dễ dàng tìm kiếm tài liệu học tập. Có lúc em còn tìm cả những bài báo xưa cho cha mẹ và bà ngoại đọc, mọi người đều rất thích” - em kể.

Ở Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (quận 12), học sinh rất yêu thích thư viện số của trường. Thư viện bố trí 20 máy tính bảng để các em truy cập vào nguồn tài liệu điện tử. Ngoài sách giáo khoa, sách bài tập được số hóa, học sinh còn nghe được truyện cổ tích, sách kỹ năng sống..., xem album ảnh, video hoạt động của trường.

Các em cũng có thể tham gia các cuộc thi trực tuyến, làm bài thi trắc nghiệm qua ứng dụng Kahoot được cài đặt trên máy để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, học sinh có thể dùng mã vạch được cấp để truy cập vào thư viện khi ở nhà.

Trường cũng mở thêm không gian thư viện thân thiện ngoài sân trường, bài trí sách giấy và nhiều mã QR để học sinh, phụ huynh quét và đọc tiếp tài liệu khi về nhà. Ông Khưu Trọng Đan - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Từ khi triển khai thư viện số, số lượng học sinh trực tiếp đến thư viện và truy cập vào cổng thông tin tăng cao. Việc này đã giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, trở thành người đọc độc lập, nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp”.

Ra mắt hơn 1 năm nay, thư viện điện tử của Trường tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận) đã thu hút hàng chục ngàn lượt đọc sách. Thư viện mở, nên không chỉ học sinh, giáo viên mà ai cũng có thể “vào” đọc.

Giao diện được thiết kế khoa học, với danh mục tài liệu gồm: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, sách giấy, sách điện tử, sách nói, bài giảng điện tử, video, kỹ năng sống, báo - tạp chí… Mỗi thể loại sách được sắp xếp theo từng chủ đề và thư viện cũng cập nhật sách mới thường xuyên. Trong đó, sách truyện thiếu nhi, các bộ đề ôn tập theo khối, sách giáo dục giới tính cho con… là những đầu sách có lượt đọc cao nhất.

Hiện nhiều trường học tại TPHCM cũng đã đưa tiết học đọc sách vào thời khóa biểu chính thức, xây dựng thư viện mở, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh… để học sinh được tiếp cận gần hơn với sách, hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách từ sớm.

... đến thư viện phường

Ngồi bên cửa sổ thư viện quận Gò Vấp, bà Nguyễn Thị Lài - 67 tuổi, ngụ phường 6, quận Gò Vấp - mải mê lần giở đọc từng trang sách lịch sử. Nghỉ hưu nên cứ rảnh bà lại ra thư viện. Thư viện nhỏ, nằm một góc trong Nhà văn hóa phường 6, có khung cửa sổ hướng ra vườn cây xanh mát vì thế cũng trở thành chốn quen thuộc của bà bao năm nay.

“Tôi được con cháu sắm điện thoại thông minh, trên đó có các ứng dụng đọc sách, nghe sách nói. Nhưng tôi vẫn thích đọc sách giấy ở thư viện” - bà Lài chia sẻ. Nhờ thói quen đọc sách, tối tối bà lại có những câu chuyện lịch sử để kể cho các cháu nghe, khiến các cháu cũng thích đọc.

Ngoài sách giấy, quận Gò Vấp cũng chủ động phát triển thư viện điện tử, ứng dụng các phần mềm để người dân thuận tiện sử dụng. Ông Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Văn hóa nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa Thể thao quận Gò Vấp - cho hay: “Chúng tôi tạo mã QR và dán ở trường học, thư viện, nhà văn hóa, khu phố… để đa dạng cách tiếp cận và đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Tất cả hoạt động này đều nhằm mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người”.

Nhiều năm nay, đơn vị còn liên kết với các trường học, phường, khu phố, chủ động đưa sách tiếp cận học sinh, người dân.

Thư viện quận 7 được thiết kế bắt mắt với những ô cửa sổ lớn tràn đầy ánh sáng. Các kệ với hàng ngàn đầu sách được bố trí xung quanh các bức tường. Dãy bàn ghế thấp dành cho trẻ em, và cao dành cho người lớn được bố trí quanh cửa sổ.

Bà Võ Thị Xuân - người phụ trách thư viện - nói: “Chúng tôi nghiên cứu kỹ những người có thể tới thư viện, thị hiếu thể loại sách của họ, sắp đặt ngay trong tầm mắt mọi người”. Thư viện cũng phục vụ sách lưu động tại các điểm sinh hoạt văn hóa, nhà văn hóa, điểm tập thể dục, phòng đọc sách chung cư… phối hợp với các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề, giao lưu chủ đề về sách, ngày hội đọc sách…

Sau 2 tuần khai trương, thư viện điện tử Trung tâm Học tập cộng đồng phường 13 (quận Phú Nhuận) - một trong những thư viện điện tử hiếm hoi mở ở trung tâm học tập cộng đồng của TPHCM - đã thu hút gần 400 tài khoản đăng ký.

Thư viện cũng quyên góp được hơn 700 đầu sách giấy và đưa lên phần mềm hơn 250 đầu sách điện tử, đoạn phim ngắn về tâm lý giáo dục, kỹ năng sống... Thư viện còn liên kết và đồng bộ với thư viện thông minh của các trường học trong quận, nên nguồn sách điện tử đã lên đến hàng ngàn cuốn.

Nhà cách thư viện chừng vài trăm mét, ông Nguyễn Tiến Thắng (63 tuổi) trở thành một trong những bạn đọc đầu tiên tới đăng ký tài khoản. Lần đầu sử dụng thư viện điện tử, ông háo hức gõ từ khóa “lịch sử”, “Bác Hồ”, “thơ Nam Cao”… ứng dụng đưa ra hàng loạt gợi ý về các đầu sách liên quan.

“Có tài khoản, ở nhà tôi cũng có thể đăng nhập vào hệ thống để đọc sách. Lúc bận bịu thì mở sách nói để nghe. Nhờ vậy, có ngày tôi “đọc” xong cả cuốn sách dày” - ông Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Kiệt - Phó chủ tịch UBND phường 13, Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng phường 13 - cho biết, sau khi đăng ký thành viên, mọi người có thể nhận thông báo tham gia các khóa học và hoạt động của trung tâm, nhận tư vấn từ tổ quản lý thư viện về tài liệu, sách điện tử cũng như kết nối, giao lưu và trao đổi kiến thức với những người có cùng sở thích, tạo nên một cộng đồng học tập năng động và tích cực…

Nỗ lực xóa “mù đọc”

TPHCM đã phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 có chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời”. Đây chính là tiền đề để thay đổi nhận thức về việc đọc sách của người dân, để việc đọc trở nên rộng rãi hơn.

Phong trào quyên góp sách giúp xây dựng tủ sách lớp học, xây dựng thư viện trường học được triển khai sôi nổi. Số bản sách đã huy động tặng các trường học, thư viện là 10.129.312 đầu sách và 909 bộ sách giáo khoa.

Trước lễ khai mạc, các đơn vị, địa phương đã tổ chức 439 cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên đề về xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tham gia học tập để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều chuyên gia cho rằng dù sách không thiếu, nhưng thực tế, số lượng bạn đọc đến thư viện chưa nhiều. Tỉ lệ đọc sách của người dân TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn thấp so với các quốc gia khác.

Thầy Nguyễn Tuấn Anh đề xuất: “Để cải thiện việc này phải làm sao để cộng đồng nhìn thấy giá trị của việc đọc sách. Đọc sách không phải để ghi nhớ hay truy vấn, mà để rèn luyện thao tác tư duy, có tư duy thì sẽ nhận thức và tồn tại được. Ngày xưa, chúng ta nỗ lực xóa mù chữ, còn bây giờ chúng ta phải nỗ lực xóa “mù đọc”. Phải hướng dẫn cho trẻ em và cả cộng đồng biết cách đọc, phản biện trước những thông tin tiếp nhận được”.

Nguyễn Loan - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI