TPHCM nỗ lực dựng xây xã hội học tập - Bài 1: Trẻ em, người già cùng nhau học phổ cập

30/11/2024 - 06:18

PNO - Lời tòa soạn: Ngày 14/2, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách 64 thành viên mới của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của tổ chức này, trong đó có 2 đại diện của Việt Nam là TPHCM và TP Sơn La (tỉnh Sơn La). Trở thành “thành phố học tập toàn cầu” là kết quả và cũng là bước ngoặt của TPHCM trong hành trình hướng tới mục tiêu hình thành những công dân số, công dân học tập suốt đời.

Gần 11g trưa, tiếng đọc bài của 20 học sinh vẫn vang lên trong gian phòng nhỏ của Trung tâm Học tập cộng đồng Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM). Đây là lớp phổ cập tiểu học, THCS cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc không thể học ở trường phổ thông theo đúng tuổi vì lý do nào đó.

Học để có tương lai tươi sáng

12 tuổi, Trâm Anh vẫn còn đánh vần từng chữ cái. Là học sinh lớn tuổi nhất lớp Một, vào học sau, lại bị khiếm khuyết ở miệng nên Trâm Anh mặc cảm, rụt rè. Em kể: “Cha mẹ con ly hôn, một mình mẹ con dắt 4 chị em từ TPHCM về nhà ngoại ở miền Tây sống. Không làm được giấy khai sinh nên mấy chị em đều không được đi học. Đầu năm học này, mẹ dắt tụi con quay lại thành phố, được mấy cô ở phường tới nhà vận động đi học. Chị con được xếp vô lớp Hai, con với em học lớp Một”. Buổi sáng, cả 4 chị em được mẹ chở tới lớp, trưa thì cùng nhau đi bộ về nhà, tự nấu cơm và chăm sóc lẫn nhau.

Cô Nguyễn Thị Hằng (đứng) đang dạy môn tiếng Việt cho 4 chị em của Trâm Anh tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc, quận 12 - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Cô Nguyễn Thị Hằng (đứng) đang dạy môn tiếng Việt cho 4 chị em của Trâm Anh tại Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc, quận 12 - Ảnh: Nguyễn Loan

Việt Anh (7 tuổi) vào lớp Một với chiếc áo đồng phục do trung tâm phát. Sau 2 tháng, chiếc áo đã dính đầy mực và vết bẩn, hàng nút rơi mất 2 chiếc, mấy chiếc còn lại tuột chỉ, treo lủng lẳng. Gương mặt cậu bé lấm lem, 2 bàn tay đầy vết xước. Em nói: “Buổi tối, con đi bán vé số, nhiều khi bị trượt té”. Nghe hỏi về ước mơ, Việt Anh nói muốn sau này được làm việc trên máy bay bởi ngày nào cũng thấy máy bay bay qua phòng trọ.
Còn Yến Vy ước mơ trở thành giáo viên và quay lại dạy ở trung tâm này. Cô bé 14 tuổi biết sẽ có nhiều khó khăn bởi ở tuổi này, các bạn đã học tới lớp Bảy, mà em vẫn đang tập đọc và làm các phép toán cộng trừ trong phạm vi 100. Vy không sợ mình học chậm mà lo mẹ chuyển chỗ ở bất cứ lúc nào khiến việc học của chị em Vy có thể bị gián đoạn.

Là học sinh gắn bó với trung tâm nhiều năm nhất, Lê Quỳnh Như (19 tuổi) cũng là học trò thành công nhất của trung tâm. Như hoàn thành chương trình phổ cập từ lớp Một tới lớp Chín và đang học THPT ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Gò Vấp. 2 năm nay, Như đi học 1 buổi, buổi còn lại về trung tâm phụ thầy cô kèm các em nhỏ học bài. 4 người em khác của Như cũng đang học ở trung tâm này.

Hiện Trung tâm Học tập cộng đồng phường Thạnh Lộc có 130 học sinh tiểu học và THCS. Giáo viên Nguyễn Thị Hằng - 67 tuổi, ở quận Gò Vấp - đã gắn với nơi này hơn 20 năm nay. Cô nói: “Tôi ao ước các em đều biết chữ, biết tính toán để tìm được một công việc tử tế, nuôi sống bản thân bởi chỉ có học mới thoát khỏi hoàn cảnh éo le. Tôi cũng lớn tuổi, nhiều khi đau ốm nhưng không dám xin nghỉ vì lo cho tương lai các em. Tôi ráng trụ lại để cho các em có một điểm tựa”.

Theo Phòng GD-ĐT quận 12, quận có 56 lớp phổ cập
tiểu học với 466 học sinh, 42 lớp phổ cập THCS với 374 học sinh.

Ở tuổi 83, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc trung tâm - vẫn ngày ngày dạy học. Ông đang vận động nhiều nơi hỗ trợ kinh phí để xây dựng thư viện cho học trò. Thư viện sẽ giúp các em đọc sách trong thời gian chờ cha mẹ tới đón sau mỗi buổi học. “Biết đâu những câu chuyện, kiến thức trong sách sẽ giúp các em có thêm nghị lực, có nhiều ý tưởng để cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông nói.

50-60 tuổi vẫn học phổ cập THCS

Không chỉ trẻ em mà cả những người 50, 60 tuổi cũng đêm đêm đi học phổ cập để bồi đắp kiến thức. Gần 1 năm nay, khi vào đội an ninh trật tự của phường Tân Thạnh, quận Tân Phú, được cơ quan khuyến khích, hỗ trợ, ông Phạm Vinh quyết định đi học lại ở tuổi 60. Từ đầu tháng 9/2024 đến nay, mỗi tối, ông lại chạy xe đến lớp phổ cập THCS ở Trường THCS Nguyễn Văn Phú, quận 11 để hoàn thành việc học bị dang dở 45 năm trước.

Nhiều cụ ông, cụ bà say sưa tìm hiểu các kỹ năng tin học ở Trung tâm Học tập cộng đồng phường 17, quận Gò Vấp - Ảnh: Nguyễn Loan
Nhiều cụ ông, cụ bà say sưa tìm hiểu các kỹ năng tin học ở Trung tâm Học tập cộng đồng phường 17, quận Gò Vấp - Ảnh: Nguyễn Loan

Ông kể: “Hồi xưa, học tới lớp Chín thì tôi phải bỏ học, đi làm để kiếm tiền phụ cha mẹ. Sau này, tôi phải lo làm để có tiền nuôi con. Giờ con cái đã trưởng thành, tôi mới tranh thủ đi học”. Ông học từ 19 - 21g, sau đó trực đêm từ 23g đến 7g sáng hôm sau. Dù vất vả nhưng ông cho biết, được đi học là niềm vui lớn nhất của mình. Sau khi hoàn thành bậc THCS, có thể ông sẽ học tiếp bậc THPT. Theo ông, việc học không bao giờ là muộn, cũng không khi nào là đủ.

Ông Vĩnh Phúc - 63 tuổi, cũng là học viên lớp phổ cập ban đêm ở quận 11. Ông kể: “Trước đây, tôi bị đứt đoạn việc học. Giờ nghỉ hưu, được con cháu ủng hộ nên tôi học lại chương trình lớp Chín. Được đi học, tôi thấy mình trẻ lại, ngày nào cũng chuẩn bị từ chiều để tới lớp sớm. Tôi sẽ học tới khi nào hết lớp thì thôi. Ở nhà, tôi cũng đọc sách báo để rèn luyện trí nhớ, cập nhật thông tin, coi như là tập thể dục cho bộ não”.

Xã hội học tập là một mô hình giáo dục mở, trong đó mọi công dân đều có quyền lợi và nghĩa vụ học tập suốt đời, chính quyền tạo mọi cơ hội và điều kiện để tất cả công dân được bình đẳng và công bằng trong học tập.

Theo ông Âu Nhất Tâm - chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 11 - quận có các lớp phổ cập bậc tiểu học, THCS ban đêm, dạy miễn phí cho 150 người gồm trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi có nhu cầu. Các học viên 40-50 tuổi vẫn đều đặn đến lớp để hoàn thành bậc THCS. Ngoài miễn học phí, phòng còn hỗ trợ sách vở, đồ dùng học tập cho học viên. Việc quản lý các lớp phổ cập được giao cho các trường THCS nên hiệu quả tốt hơn hẳn so với trước.

Lớp học kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Trung tâm Học tập cộng đồng phường 13, quận 11 tổ chức năm 2023 - Ảnh: T.T.
Lớp học kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Trung tâm Học tập cộng đồng phường 13, quận 11 tổ chức năm 2023 - Ảnh: T.T.

Năm 2023, nhận thấy tài chính gia đình đã vững, anh Mai Cao Tuấn - 49 tuổi, ở quận Tân Phú - quyết định nghỉ việc, đăng ký học lại lớp Chín ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tân Bình. Trước đây, anh phải bỏ dở việc học do kinh tế gia đình khó khăn, mẹ một mình nuôi 4 con nhỏ. Anh làm nhiều nghề không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn ấp ủ giấc mơ đi học trở lại. Anh kể: “Thời gian đầu, tôi rất ngại bởi bạn học, giáo viên đều nhỏ tuổi hơn mình. Học kỳ I, tôi chới với vì không nắm được bài vở gì hết. Tôi bèn tìm thầy chỉ bảo thêm, nhờ vậy mà qua học kỳ II, tôi đã hiểu bài, trở thành học sinh giỏi luôn”.

TPHCM hiện có 99,68% người từ 15-60 tuổi biết chữ, có 22/22 địa phương cấp quận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Toàn thành phố có 312/312 địa phương cấp phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Gia đình có truyền thống về ngành đông y nhưng do dang dở việc học, anh Tuấn không thể nối nghiệp. Gần đây, khi con gái bị bệnh và được chữa dứt điểm bằng đông y, anh mới bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực này. Ngay khi tốt nghiệp THCS, anh đăng ký học lớp trung cấp dược sĩ đông y của Trường trung cấp Tây Sài Gòn. Sáng, anh học lớp giáo dục thường xuyên; chiều, anh ôn bài; tối, anh học online và cuối tuần thì học ở trường trung cấp. Anh Tuấn cho biết, sẽ cố gắng tốt nghiệp bậc THPT và sẽ hoàn thành các bậc đào tạo của ngành đông y. “Tôi thấy càng học càng hay, biết rõ nhiều điều mà trước đây mình không biết. Khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ nên việc học tập suốt đời là đương nhiên” - anh tâm sự.

Phát huy hiệu quả các mô hình học tập

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc xây dựng gia đình học tập, quận 4 hiện có 69,22% hộ đạt tiêu chí gia đình học tập, 54/58 dòng họ đạt tiêu chí dòng họ học tập (93,1%). Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Khuyến học quận - mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập góp phần khuyến khích học sinh không bỏ học, cha mẹ quan tâm hơn tới việc học của con.

Bà Vũ Thị Ngọc Mai - 69 tuổi, thành viên dòng họ học tập Cao Bắc Trong quận 4 - cho hay, các gia đình trong dòng họ luôn động viên nhau học tập. Cả dòng họ nuôi chung 1 con heo đất để cấp phát học bổng, khen thưởng các cháu học giỏi, đậu vào đại học, giúp những gia đình khó khăn trong dòng họ đóng học phí cho con cháu. Mỗi gia đình trong dòng họ còn nuôi 1 con heo đất riêng để giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn đột xuất. Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, gia đình bà đều cấp học bổng cho 2 học sinh hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng học lực khá, giỏi, mỗi suất 2-3 triệu đồng.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm 2023, TPHCM có 1.177.352/1.917.652 gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, đạt tỉ lệ 61,40%; 1.109/1.263 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập, đạt tỉ lệ 87,81%; 4.196/4.329 khu phố, ấp đạt danh hiệu cộng đồng học tập, đạt tỉ lệ 96,93%.

Nguyễn Loan - Trang Thư

Kỳ tới: Cổ vũ tinh thần học tập suốt đời bằng thư viện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI