TPHCM nỗ lực để đạt tăng trưởng GRDP 2 con số

11/12/2024 - 06:02

PNO - Ngày 10/12, tiếp tục ngày thứ hai của kỳ họp thứ 20, HĐND TPHCM khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), các đại biểu tập trung thảo luận, giải đáp các nhóm vấn đề được cử tri thành phố quan tâm, như chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, phân cấp, phân quyền. Chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu các giải pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 9 - 10% trong năm 2025.

Nhiều giải pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế

Trong ngày họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước của UBND TPHCM đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn; các giải pháp mang tính đột phá để hoàn thành các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đặt ra; giải pháp về điều chỉnh quy hoạch để thu hút đầu tư; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và các biện pháp đảm bảo tiến độ trong năm 2025.

Về giải pháp để đạt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP (tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2025 là 9 - 10%, ông Phan Văn Mãi cho rằng, đây là chỉ tiêu cao, đòi hỏi có sự nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để đạt chỉ tiêu này, tổng đầu tư toàn xã hội phải đạt 500.000 tỉ đồng, trong đó đầu tư từ ngân sách khoảng 100.000 tỉ đồng (chiếm 20%), còn lại phải được huy động từ xã hội. UBND thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề giải ngân đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc từ các dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các chương trình.

Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn tại kỳ họp - ẢNH: PHÙNG HUY
Đại biểu HĐND TPHCM chất vấn tại kỳ họp - Ảnh: Phùng Huy

Bên cạnh đó, UBND thành phố sẽ tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, thương mại, tạo sự đột phá về du lịch; triển khai xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh. “Tất cả những việc này sẽ củng cố những động lực giúp thành phố tăng trưởng trong năm tới” - ông Phan Văn Mãi nói.

Trả lời chất vấn về tiến độ của tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), ông Phan Văn Mãi cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến tuyến metro này chậm đưa vào vận hành. UBND TPHCM đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành tiến hành các thủ tục cuối cùng, trong tuần này sẽ hoàn thành các thủ tục kiểm tra hồ sơ, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy và ngày 22/12 tới sẽ vận hành thương mại. Tuy nhiên, lễ khánh thành dự kiến sẽ được tổ chức sau tết Nguyên đán 2025 do cần thời gian chuẩn bị và cần có sự tham gia của các lãnh đạo Nhật Bản.

Đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền, ông Phan Văn Mãi khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình bởi đây không chỉ là việc sáp nhập bộ máy mà còn phân công lại nhiệm vụ, rà soát cơ chế vận hành: “Đây là công việc rất lớn. Từ đây đến giữa năm 2025, UBND thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu và lắng nghe góp ý về giải pháp từ các chuyên gia, chủ doanh nghiệp và người dân”.

Đầu tư cho hạ tầng số, thúc đẩy kinh tế số

Về chuyển đổi số, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM - cho biết, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số, phát triển kinh tế số, đưa hoạt động quản lý hành chính lên nền tảng số.

Trong nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, sở sẽ phối hợp đầu tư hệ thống hạ tầng viễn thông, mở rộng mạng 5G, tập trung vào những nơi đông dân cư, các khu công nghiệp; bố trí vốn, đẩy nhanh thủ tục mua sắm trang thiết bị, máy móc cho cơ quan công quyền cấp phường, xã để nền hành chính vận hành trơn tru; phát triển hạ tầng số cho những lĩnh vực ưu tiên như hành chính công, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, quản lý đô thị. Sở cũng sẽ đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu quy mô lớn của thành phố, triển khai mở rộng hệ thống camera để phục vụ Trung tâm Điều hành đô thị thông minh của TPHCM.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi  trả lời chất vấn của các đại biểu - ẢNH: PHÙNG HUY
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn của các đại biểu - Ảnh: Phùng Huy

Để hoàn thành việc đưa nền hành chính và quản trị của thành phố lên nền tảng số, sở sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Sở cũng đã đề xuất lãnh đạo thành phố dùng hệ thống quản trị số để chỉ đạo, điều hành, nhận báo cáo để giảm bớt giấy tờ, thông tin, báo cáo bằng văn bản giấy, giảm phần việc thủ công cho cán bộ, công chức.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng thúc đẩy phát triển kinh tế số bằng nhiều giải pháp, như chuyển đổi số nhanh trong các ngành trọng điểm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng kế hoạch để đầu tư phát triển ít nhất 1 khu công nghệ thông tin tập trung để tạo hệ sinh thái phát triển kinh tế số nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược về công nghệ.

Chất vấn thẳng thắn, trả lời nghiêm túc

Thông qua việc chất vấn, các đại biểu HĐND TPHCM đã thể hiện mình nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, các câu hỏi bám sát vấn đề, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yêu cầu làm rõ trách nhiệm, đề xuất giải pháp khắc phục. Đó cũng là những gợi ý bổ sung giải pháp để UBND, các sở, ngành có quyết sách phù hợp hơn trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và mong mỏi của cử tri thành phố.

Với ý thức trách nhiệm cao, các đại biểu đã trả lời chất vấn nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình rõ nhiều vấn đề mà đại biểu đã nêu, đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn hạn chế của mình, của ngành và lĩnh vực mình phụ trách, đưa ra các cam kết khắc phục để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, thách thức cần khắc phục bằng các giải pháp đột phá và quyết tâm cao. HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM, các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực với những vấn đề liên quan và tiếp tục thực hiện toàn diện hơn, hiệu quả hơn các phương hướng, nhiệm vụ đã đề ra. Thường trực HĐND TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình đại biểu HĐND TPHCM xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để tổ chức thực hiện và giám sát theo quy định. Phiên chất vấn đã được thực hiện với tinh thần rõ trách nhiệm, rõ giải pháp và cam kết quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM

Đến năm 2035, TPHCM có khoảng 355km đường sắt đô thị

Trong phiên họp ngày 10/12, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - đã thuyết trình nội dung tờ trình của UBND TPHCM về đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, dựa trên quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và qua trao đổi với cơ quan chủ trì xây dựng đề án Phát triển đường sắt đô thị của TP Hà Nội, UBND TPHCM đã thay đổi quy mô đầu tư đường sắt đô thị. Cụ thể, UBND TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2035, sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài khoảng 355km, đảm bảo vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 50% nhu cầu đi lại của người dân; đến năm 2045, sẽ xây dựng thêm 155km (hoàn chỉnh tuyến số 8 đến tuyến số 10), nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510km. Đề án xác định sơ bộ tổng mức đầu tư 7 tuyến đường sắt đô thị đến năm 2035 khoảng 40,2 tỉ USD.

Thu Lê - Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI