TPHCM: Nhiều trường thực hiện “môn học động”, “lớp học chạy” trong năm học tới

27/02/2024 - 11:06

PNO - Nhiều trường THPT tại TPHCM đang tính mở mô hình 2+2, 3+1, 1+3 khi triển khai Chương trình GDPT 2018 trong năm học 2024-2025.

Trong phương án tuyển sinh lớp Mười năm học 2024-2025, Trường THPT Ten lơn man (quận 1) đang tính đến việc xây dựng các “lớp học chạy”, “môn học động” cho học sinh khối Mười.

Thầy Nguyễn Hùng Khương - Hiệu trưởng Trường THPT Ten lơn man - cho biết, với nhóm 4 môn học lựa chọn thì các mô hình 2+2, 3+1, 1+3 đang được trường đặt lên bàn cân, tính toán sao cho phù hợp nhất. Điểm mới của các mô hình này là thay vì trường thiết kế sẵn các nhóm 4 môn học lựa chọn và “áp” cho học sinh chọn thì trong 4 môn học lựa chọn thì nhà trường chỉ tổ chức sẵn từ 1-2 môn học lựa chọn, các môn còn lại trong nhóm môn học lựa chọn học sinh sẽ được tự lựa chọn trong số các môn học lựa chọn.

Các mô hình học tập mới hướng đến tối đa lợi ích của học sinh
Các mô hình học tập mới hướng đến tối đa lợi ích của học sinh khi chọn nhóm môn học lựa chọn

Với mô hình 2+2, nhà trường xây dựng sẵn 2 môn học lựa chọn, học sinh được tự chọn 2 môn học; mô hình 3+1, xây dựng 3 môn học, học sinh được chọn 1 môn học; mô hình 1+3, xây dựng sẵn 1 môn học, còn lại học sinh được tự chọn 3 môn học.

“Lớp học động là lớp học mà học sinh được lựa chọn môn học lựa chọn theo nguyện vọng của từng em chứ không phải chọn theo nhóm môn học sẵn có mà nhà trường đã xây dựng trước đó. Từ kết quả học sinh chọn các môn học lựa chọn, trường mới xếp lớp, tổ chức các lớp học chạy… Mô hình này đáp ứng được tối đa nhất quyền lợi cho học sinh, giúp thực hiện đúng nhất tinh thần Chương trình GDPT 2018, hiệu quả trong định hướng nghề nghiệp” - thầy Nguyễn Hùng Khương nói

Tuy nhiên, thầy Nguyễn Hùng Khương cho biết, khó khăn của trường khi thiết kế lớp học động là về phòng học. Hiện trường có 38 lớp song chỉ có 30 phòng và chỉ có 2 phòng máy vi tính. Khó khăn tiếp theo là vấn đề nhân sự.

2 năm nay, khi triển khai Chương trình GDPT 2018, Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) đã thiết kế 11 nhóm môn học lựa chọn ở 2 lĩnh vực chính là khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, cơ bản đáp ứng được nguyện vọng cho học sinh.

Theo thầy Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên - để giúp học sinh khối Mười chọn được nhóm môn học lựa chọn phù hợp trong tổng số 11 nhóm, nhà trường đã tổ chức đa dạng các hình thức tư vấn, từ trực tiếp, trực tuyến, tư vấn chung, tư vấn riêng, giúp phụ huynh nhận ra năng lực thực sự của con em mình dựa trên nhiều yếu tố chứ không phải chọn theo kiểu ngẫu hứng, thích thì chọn. Tuy nhiên, trên thực tế cách thức tổ chức sẵn các nhóm môn học để học sinh lựa chọn vẫn chưa thể giải quyết hết tất cả nguyện vọng của học sinh do khống chế về số lớp, môn học…

“Mô hình nhóm môn học lựa chọn sẵn có có lợi cho nhà trường khi đảm bảo được nhiều thuận lợi về đội ngũ, cơ sở vật chất cũng như quản lý lớp học mà cũng giải quyết được hầu hết quyền lợi cho học sinh. Nhưng nếu căn cứ theo đúng mục tiêu mà Chương trình GDPT 2018 đặt ra thì mô hình “lớp học động”, “lớp học chạy” mới là giải pháp tối ưu nhất, để các em phát huy được tối đa năng lực, sở trường, định hướng phù hợp nhất với nghề nghiệp. Hiện nay, nhà trường đang nghiên cứu các phương án 3+1, 1+3, 2+2 trong tổ chức nhóm môn học lựa chọn ở khối Mười trong năm học 2024-2025 nhằm đáp ứng được tối đa nguyện vọng cho học sinh. Khó khăn hiện tại là việc thiết kế thời khóa biểu hợp lý nhất về phòng ốc, đội ngũ…” - thầy Cường chia sẻ.

Hiệu quả từ mô hình 2+2

Từ năm học 2022-2023, ngay trong năm đầu tiên Chương trình GDPT 2018 được triển khai ở bậc THPT, mô hình 2+2 đã được Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) áp dụng. Trong nhóm 4 môn học lựa chọn, nhà trường xây dựng cứng 2 môn, 2 môn còn lại học sinh được tự lựa chọn theo năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp.

Năm học 2023-2024, mô hình này tiếp tục được nhà trường triển khai với khối Mười, 11. Ngoài ra, với môn giáo dục thể chất, dù là môn học bắt buộc song học sinh cũng được lựa chọn học 1 phân môn như bóng rổ, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền. 

Học sinh Trường THPT Bình Hưng Hoà học mô hình 2+2
Học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa học mô hình 2+2

Thầy Nguyễn Duy Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa - đánh giá, cả thầy và trò đều rất thích thú mô hình mới sau 2 năm triển khai. Được chọn học các môn mà mình yêu thích, học sinh được thể hiện năng lực của bản thân, học với tâm thế hào hứng. Các em được học theo cách học ở đại học, được quen thêm nhiều bạn bè khác nhau trong khối, xây dựng được ý thức tự học tốt. Về phía giáo viên, mô hình mới tạo thêm “năng lượng mới” để thầy cô tự tin hơn khi đổi mới.

Hiện nhà trường thiết kế thời khóa biểu “lớp học chạy” các buổi chiều thứ Ba, thứ Năm, thứ Sáu và sáng thứ Bảy trong tuần. Các buổi còn lại được tổ chức lớp học cố định. Nhà trường cũng ưu tiên sắp xếp những học sinh có cùng các môn học lựa chọn vào cùng một lớp cố định để dễ dàng quản lý. 

“Khó khăn nhất để tổ chức “lớp học động” là thời khóa biểu và điều kiện cơ sở vật chất phòng ốc, đặc biệt là quản lý học sinh sao cho hài hòa, không để xảy ra tình trạng các em phải chờ đợi lớp. Khi mới triển khai mô hình 2+2, giáo viên rất tâm tư khi đây là hình thức mới, cần sự linh hoạt về thời gian, hình thức quản lý lớp, vào điểm, đòi hỏi thầy cô phải thích ứng. Do vậy, để tổ chức hiệu quả, nhà trường phải làm công tác tư tưởng cho đội ngũ, phụ huynh học sinh từ đầu để có sự đồng hành, chia sẻ. Đặc biệt, công tác tư vấn cho phụ huynh, học sinh vẫn được chú trọng, đảm bảo hài hòa việc các em được tự do lựa chọn 2 môn học theo nguyện vọng và đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất”.

Năm học 2024-2025, Trường THPT Bình Hưng Hòa tiếp tục thực hiện mô hình 2+2 đồng loạt ở cả 3 khối. 

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI