TPHCM: Nhiều trường khảo sát năng lực học sinh ở môn học đặc thù để tổ chức lớp học

30/07/2022 - 16:43

PNO - Ngoài việc tư vấn định hướng, nhiều trường THPT ở TPHCM đã tổ chức khảo sát năng lực học sinh để tổ chức lớp học ở một số môn học đặc thù trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Thi khảo sát năng lực 

Để tổ chức lớp tự chọn mỹ thuật trong chương trình GDPT 2018, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) đã khảo sát năng lực học sinh với bài thi hình họa và bài thi bố cục màu, thời gian thi mỗi bài 90 phút.

Cô Bùi Minh Tâm - hiệu trưởng trường - thông tin, triển khai chương trình GDPT 2018, trường đưa bộ môn âm nhạc và mỹ thuật vào giảng dạy cho học sinh khối 10 dựa trên khảo sát về nhu cầu, nguyện vọng của học sinh cũng như thực tế nhiều năm nay xu hướng học sinh của trường đi theo các khối ngành kiến trúc, thiết kế, nghệ thuật nhiều. Giáo viên 2 môn này được nhà trường thỉnh giảng từ các trường THCS và giảng viên ĐH Văn Lang. Căn cứ trên số giáo viên,  trường sẽ tổ chức 1 lớp âm nhạc và 1 lớp mỹ thuật.

Trường THPT Lương Thế Vinh tổ chức thi khảo sát đánh giá năng lực học sinh lớp 10 môn Mỹ thuật để tổ chức lớp
Trường THPT Lương Thế Vinh triển khai thi khảo sát đánh giá năng lực học sinh lớp 10 môn mỹ thuật để tổ chức lớp

“Số học sinh đăng ký lớp âm nhạc vừa đủ để nhà trường mở 1 lớp. Môn mỹ thuật có 88 em đăng ký trong khi trường chỉ có khả năng mở 1 lớp với 42 em. Vì vậy, trường phải tổ chức thi khảo sát để tìm ra những em có năng lực thực sự, nhằm giúp các em đạt hiệu quả cao nhất trong học tập và định hướng nghề nghiệp. Nội dung bài khảo sát được xây dựng trên các kiến thức mỹ thuật cơ bản mà các em đã được học ở bậc THCS. Những em không đạt yêu cầu học lớp mỹ thuật thì sẽ được tư vấn lựa chọn các môn khác”, cô Tâm chia sẻ.

Hiệu trưởng này cho biết thêm, bám sát mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, khi thiết kế các môn học lựa chọn, trường xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn bao gồm môn cố định và môn “động”. Với 5 tổ hợp môn học lựa chọn theo đặc thù của trường, học sinh ở cả 5 nhóm tổ hợp này đều sẽ có cơ hội học môn mỹ thuật/âm nhạc. Với môn học khác trong nhóm môn lựa chọn, các em sẽ được trải nghiệm giờ học tự học. Môn mỹ thuật/âm nhạc sẽ được thiết kế tổ chức vào một giờ học độc lập, được tách riêng so với tất cả các buổi học khác.

“Ví dụ trong tổ hợp KHTN có một số học sinh không thích môn tin học mà học mỹ thuật/âm nhạc thì trong giờ tin học các em sẽ tự học ở thư viện. Các em sẽ tham gia tiết mỹ thuật/âm nhạc trong một buổi học độc lập, tách biệt khác. Điều này giúp tất cả học sinh trong trường có nhu cầu, năng lực ở lĩnh vực mỹ thuật/âm nhạc đều có cơ hội được tham gia vào môn học, phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Do đó, việc khảo sát năng lực học sinh là nhằm giải quyết bài toán trên, phù hợp với đặc thù nhà trường khi triển khai chương trình trong năm học mới”, cô Tâm nói thêm.

Ngoài ra, ở một số môn học đặc thù khác với nhiều phân môn cùng được đưa vào giảng dạy trong năm học mới như công nghệ (môn lựa chọn), thể dục (môn bắt buộc), các trường THPT cũng tổ chức nhiều cách thức tư vấn để phụ huynh, học sinh chọn lựa phù hợp.

Trường được chủ động theo đặc thù của trường

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, chương trình GDPT 2018 bậc THPT được tổ chức theo định hướng giáo dục nghề nghiệp. Một số trường khảo sát đánh giá năng lực học sinh (ở một số môn lựa chọn mang tính đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật) để tổ chức lớp là dựa trên đặc thù nhà trường và định hướng nghề nghiệp học sinh. 

Ông nêu rõ, Sở GD-ĐT không chỉ đạo các trường phải tổ chức khảo sát, đánh giá năng lực học sinh ở các môn lựa chọn. Chương trình GDPT 2018 cũng không yêu cầu bắt buộc học sinh phải tham gia các bài khảo sát, đánh giá năng lực.

Tuy nhiên, việc thiết kế lớp học môn lựa chọn phải phù hợp với đặc thù nhà trường. Do đó, nếu không thể tổ chức nhiều lớp mà chỉ tổ chức được một số lớp cơ bản thì các trường sẽ có cách để tổ chức lớp phù hợp với mong muốn, nguyện vọng và năng lực học sinh.

Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, tuỳ đặc thù đơn vị, nhà trường được chủ động các cách thức khác nhau để tổ chức lớp học môn lựa chọn
Các trường được chủ động nhiều cách thức khác nhau để tổ chức lớp học môn lựa chọn phù hợp

Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh, tùy tình hình thực tế và cơ sở vật chất, nhân lực, trường có thể chủ động xây dựng các lớp tương ứng. Làm sao để không ảnh hưởng đến hiệu quả định hướng nghề nghiệp của học sinh sau này, như thế sẽ thiệt thòi cho các em.

“Dựa trên năng lực của học sinh, nhà trường và giáo viên phải xác định xem định hướng ngành nghề có liên quan đến các môn mà học sinh học lựa chọn hay không, từ đó tư vấn cho phụ huynh học sinh chọn môn học lựa chọn. Với một số môn đặc thù như mỹ thuật/âm nhạc, trường có thể chủ động với những cách tư vấn phù hợp nhất. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp để trao đổi, tư vấn và thống nhất với nhau”, ông Nguyễn Bảo Quốc nói. 

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI