PNO - Qua 15 năm, TPHCM trở thành "thành phố triệu hội viên khuyến học" với nhiều thành quả trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.
Ngày 27/10, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập (2007-2022).
Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) đẩy mạnh khuyến học bằng các hình thức khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc sách trong học sinh - Ảnh: P.T.
Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết: Trong những năm qua, quy mô ngành giáo dục và đào tạo thành phố phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới trường lớp phủ khắp các quận huyện, TP.Thủ Đức với 2.355 trường học từ cấp mầm non đến phổ thông, 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm giáo dục cộng đồng.
Kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Đến năm 2020, số người trong độ tuổi 15-60 biết chữ đạt 99,86%, vượt so với chỉ tiêu 99,5% mà thành phố đề ra. Hằng năm, thành phố chỉ đạo các địa phương duy trì và thực hiện tốt công tác vận động tất cả trẻ trong độ tuổi ra lớp. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,45%. Như vậy, tính đến thời điểm đó, các quận, huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức III. Đến năm 2020, thành phố có 319 phường, xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, với số học sinh được công nhận tốt nghiệp cơ sở là 80.000 học sinh, đạt tỷ lệ 99,8%.
Không chỉ vậy, thành phố còn hướng đến nâng cao chất lượng giảng dạy môn ngoại ngữ ở các cấp học. Ngay từ cấp mầm non đã triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Cấp tiểu học tiếp tục triển khai dạy tiếng Anh tự chọn với lớp Một, Hai, tiếp tục thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài, học tiếng Anh qua toán và khoa học, tiếng Anh tích hợp. Ngoài tiếng Anh, thành phố vẫn tiếp tục thực hiện dạy chương trình tiếng Pháp song ngữ, tiếng Hoa tăng cường... tại nhiều trường tiểu học.
Từ nhiều năm qua, thành phố luôn dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Tại các cơ sở giáo dục thường xuyên, đã có 22/30 trung tâm triển khai dạy tiếng Anh cho học viên. Bên cạnh nỗ lực đưa các chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh và tin học vào nhà trường, thành phố cũng quan tâm và phát triển việc dạy học tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Đức thí điểm trong các trường phổ thông và mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Theo ông Dương Trí Dũng, trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất. Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu học tập của con em thành phố, kể cả cư dân không có hộ khẩu thành phố, đảm bảo cho 100% con em sinh sống trên địa bàn đủ chỗ học, giảm sĩ số học sinh và tăng số học sinh được học 2 buổi/ngày. Sẽ tiếp tục nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong công tác quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới trường lớp nhằm đạt được mục tiêu 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học vào cuối năm 2025.
Còn nhiều thách thức
Ông Dương Trí Dũng nhìn nhận công tác khảo sát, điều tra, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân trong cộng đồng chưa hiệu quả. Số lượng nông dân ra học tại các trung tâm học tập cộng đồng còn thấp, công tác vận động thanh niên trong độ tuổi lao động theo học chương trình giáo dục thường xuyên hoặc học nghề tại các trung tâm chưa cao. Việc điều tra người mù chữ, vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp chưa hiệu quả, nhất là ở một số quận, huyện có số lượng người nhập cư cao hoặc điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
Tại một số khu vực ngoại thành, trong đó có huyện Củ Chi, công tác giáo dục, khuyến học đạt được nhiều bước phát triển, tuy vậy còn gặp không ít thách thức. Từ năm 2007, huyện thực hiện công tác duy trì học sinh phổ cập giáo dục tiểu học trong độ tuổi 6-14 trong nhà trường đạt 100%. Đồng thời ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng học sinh đang học tiểu học trong độ tuổi 6-14 bỏ học.
Tuy vậy, thực trạng ở địa phương là một số gia đình thiếu quan tâm, cha mẹ bất hòa, ly hôn, các em thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cha hoặc mẹ, bị hụt hẫng về tình thương. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ như internet, trò chơi trực tuyến, các trang mạng xã hội… ngày càng phát triển, ít nhiều đã chi phối làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Một số trẻ trong độ tuổi 15-21 phải phụ giúp gia đình, gần như là lao động chính, hiện đang làm công nhân, bảo vệ tại một số công ty, xí nghiệp phải thường xuyên tăng ca nên rất khó vận động các em đi học...
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - đánh giá cao những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế, như chưa phát triển đồng đều, hoạt động ở các cơ sở như khối, ấp còn bất cập. Do đó, thời gian tới, các cấp ủy cần tăng cường vai trò lãnh đạo, đẩy mạnh tuyên truyền giá trị của việc học tập suốt đời, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Mỗi cá nhân lựa chọn một hình thức học tập phù hợp để nâng cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, truyền cảm hứng và ý chí học tập đến mọi người xung quanh, hình thành gia đình học tập, cơ quan học tập, cộng đồng học tập. Ngành giáo dục thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu học tập và khả năng cung ứng, tránh tình trạng quá tải trường lớp. Phải xem việc đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng học tập của nhân dân thành phố không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà của cả hệ thống chính trị” - ông Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Thành phố triệu hội viên khuyến học
Bà Lê Minh Ngọc - nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học TPHCM - cho hay con số hơn 1,4 triệu hội viên khuyến học đến thời điểm này thể hiện dấu ấn quá trình phấn đấu thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, là niềm tự hào của Hội Khuyến học thành phố mang tên Bác.
Từ những ngày đầu thành lập hội với 35 hội viên sáng lập, đến nay đã có 310 hội khuyến học phường, xã; 4.643 chi hội khuyến học và 24.852 tổ hội khuyến học. Hội viên khuyến học TPHCM chiếm 27% hội viên khuyến học cả nước.
“Bên cạnh đó, quỹ khuyến học gia đình từ chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” trong 13 năm (2007-2020) đã tiết kiệm hơn 2.640 tỷ đồng. Đây là mô hình xây dựng quỹ căn cơ, lâu dài từ sự tự nguyện của người dân. Đồng thời qua đó cũng hình thành nét đẹp văn hóa mang đậm ý nghĩa truyền thống nhân văn trong xây dựng xã hội học tập của cư dân thành phố” - bà Lê Minh Ngọc chia sẻ.
Khuyến học từ khuyến đọc
Bà Đoàn Thị Nụ - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) - cho biết, ở cấp trường học đã xây dựng tinh thần khuyến học từ việc khuyến khích đọc sách trong đông đảo học sinh. Nhà trường xây dựng thư viện rộng rãi, khang trang, có máy lạnh, 25 máy vi tính kết nối internet, 12.520 đầu sách để đáp ứng nhu cầu học tập, tham khảo của học sinh. Trung bình mỗi ngày có 200 lượt học sinh vào thư viện.
Trường xây dựng “thư viện xanh”, “thư viện thân thiện”, các hội thi “lớn lên cùng sách”, “văn hay chữ tốt”, “đại sứ văn hóa đọc”... để lan tỏa văn hóa đọc trong học sinh.
“Thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình. Việc phát triển và lan tỏa văn hóa đọc rộng khắp đến từng học sinh cũng là một cách giáo dục hữu hiệu thông qua việc đọc của các em. Chúng tôi tin rằng khuyến đọc đồng nghĩa với việc khuyến học” - bà Đoàn Thị Nụ nói.