TPHCM: Nhiều phản ánh sai sự thật việc nhận hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19

02/09/2021 - 16:20

PNO - Những ngày gần đây, tại TPHCM xuất hiện trường hợp báo tin sai sự thật, tin giả về yêu cầu hỗ trợ qua Tổng đài 1022 và một số kênh tiếp nhận phản ánh. Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Ông Ngô Quốc Anh, Chủ tịch UBND phường 6, quận Bình Thạnh cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, chính quyền địa phương gặp không ít trở ngại trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân do xuất hiện tình trạng báo tin giả, tin sai sự thật để yêu cầu hỗ trợ qua Tổng đài 1022 và một số kênh tiếp nhận phản ánh của chính quyền địa phương.

Mới đây nhất, ngày 31/8, UBND phường 6, quận Bình Thạnh nhận thông tin qua Tổng đài 1022 về trường hợp 1 hộ dân “cần hỗ trợ khẩn cấp” về lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, khi đến nơi, cán bộ phường phát hiện gia đình này vừa nhận hỗ trợ cách đây không lâu.

Việc báo tin sai sự thật, tin giả về yêu cầu hỗ trợ qua Tổng đài 1022 gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chăm lo cho người dân (ảnh minh họa).
Việc báo tin sai sự thật, tin giả về yêu cầu hỗ trợ qua Tổng đài 1022 gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác chăm lo cho người dân (ảnh minh họa).

“Qua xác minh, hộ gia đình này có 1 người con ở bên quận Phú Nhuận. Người này biết bố mẹ mình đã nhận hỗ trợ nhưng vẫn tiếp tục đăng tin lên yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp. Theo người nhà, mục đích của anh này là để gia đình nhận thêm quà, gửi về Phú Nhuận cho anh ấy”, ông Ngô Quốc Anh thông tin.

Ngoài ra, UBND phường 6 cũng ghi nhận một số trường hợp đã nhận hỗ trợ rồi vẫn tiếp tục đăng thông tin lên Cổng 1022 yêu cầu hỗ trợ. Có trường hợp gia cảnh không khó khăn nhưng vẫn yêu cầu “hỗ trợ khẩn cấp”. Khi lực lượng chức năng đến nơi xác minh, người này cho biết: “Không khó khăn, nhưng đăng lên được thì nhận, không được thì thôi”.

Theo UBND phường 6, quận Bình Thạnh, thời gian qua, số lượng tin người dân trong phường gửi qua Cổng 1022, Tổng đài 1022 là không nhiều. Tuy nhiên có 10-20% trong số đó là tin giả, tin sai sự thật. Đặc biệt, có một số trường hợp cho địa chỉ giả. Khi cán bộ phường đến xác minh thì phát hiện đó là địa chỉ giả hoặc địa chỉ của gia đình khác, không gặp khó khăn.

“Những trường hợp đã nhận hỗ trợ rồi vẫn tiếp tục phản ánh, chúng tôi sẽ tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Việc người dân báo tin yêu cầu nhận hỗ trợ giả như vậy chúng tôi sẽ mắc công đi xác minh. Trong khi đó, nhiều trường hợp khó khăn khác đang cần chúng tôi chăm lo. Tình trạng thông tin giả, tin sai sự thật yêu cầu nhận hỗ trợ gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn”, ông Ngô Quốc Anh chia sẻ.

1 cán bộ ở phường 10, quận Tân Bình cho biết, cách đây vài ngày, địa phương nhận thông tin một hộ dân trên địa bàn đang cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, khi cán bộ phường mang “túi an sinh” đến thì chủ nhà cho biết, gia đình vẫn có thể tự xoay sở được nên chưa cần chính quyền hỗ trợ. Người yêu cầu hỗ trợ cũng không phải là người trong gia đình.

“Chúng tôi xác minh một hồi lâu mới biết người yêu cầu hỗ trợ ở khu nhà đối diện. Chị này cho biết, đưa địa chỉ hàng xóm lên Cổng 1022 để cán bộ phường… dễ tìm. Chúng tôi mong muốn bà con hãy thông tin chính xác về hoàn cảnh khi yêu cầu nhận hỗ trợ. Những trường hợp cố tình đưa tin giả, tin sai sự thật chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”, cán bộ UBND phường 10, quận Tân Bình cho hay.

Lực lượng chức năng quận Bình Tân trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn trên địa bàn.
Lực lượng chức năng quận Bình Tân trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn trên địa bàn.

Tại quận Bình Tân, chính quyền địa phương cũng gặp khó khăn trước tình trạng thông tin giả, tin sai sự thật yêu cầu nhận hỗ trợ.

Một lãnh đạo UBND phường Tân Tạo cho biết, mỗi ngày, địa phương nhận rất nhiều phản ánh qua nhiều “kênh”. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp lại phản ánh không đúng sự thật hoặc yêu cầu hỗ trợ “túi an sinh” nhưng báo địa chỉ giả. Có trường hợp người dân đăng ký nhận hỗ trợ qua rất nhiều kênh, khi tổng hợp thì danh sách bị trùng tên nhiều lần dẫn đến việc lập danh sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

“Có trường hợp chúng tôi đã trao tiền hỗ trợ và quà rồi nhưng vẫn tiếp tục phản ánh đến nhiều kênh. Khi phường đến xác minh, họ cho biết, đang ở ghép nên phường phải phát tiền cho từng người thay vì hỗ trợ cho hộ gia đình. Chính vì điều này nên họ nói mình chưa nhận hỗ trợ”, lãnh đạo UBND phường Tân Tạo chia sẻ.

Cũng theo UBND phường Tân Tạo, trên địa bàn phường có đến trên 19.000 hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực rất nhiều để chăm lo, đảm bảo đời sống cho người dân. Việc người dân báo tin sai, gây ảnh hưởng đến công tác chăm lo của chính quyền địa phương và dễ gây hiểu lầm là địa phương không chăm lo đầy đủ cho người dân.

Công an TPHCM cho biết, thời gian gần đây, công an các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã xử phạt nhiều trường hợp cố tình đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội. Như trường hợp của Lý Minh V. (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) mặc dù đã được UBND xã Vĩnh Lộc A cấp 1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ nhưng vẫn lên mạng xã hội đăng thông tin: “Bắc thang lên hỏi ông trời, chứ tiền hỗ trợ có đòi được không”. Sau đó, V. bị công an xử phạt 7,5 triệu đồng.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI