TPHCM: Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất

10/07/2021 - 15:22

PNO - Do dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm ngừng sản xuất để chống dịch.

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên nhiều doanh nghiệp tại TPHCM tạm ngừng sản xuất do phát hiện ca nhiễm, thiếu hụt nhân sự do nhiều lao động ở vùng phong tỏa.

Công ty Nidec Sankyo Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức bố trí lều cho công nhân ở lại nhà máy khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.
Công ty Nidec Sankyo (Khu công nghệ cao, Thành phố Thủ Đức) bố trí lều cho công nhân ở lại nhà máy khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, hiện cũng đã ngưng sản xuất.

Sáng nay 10/7, Công ty TNHH Long Rich ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) đã cho 4.000 công nhân nghỉ việc 14 ngày do phát hiện ca nhiễm ở kho vật tư khiến nguyên liệu đầu vào sản xuất bị gián đoạn. Công ty này có gần 3.600 công nhân sống ở Bình Dương không thể qua lại do quy định cách ly 7 ngày với người về từ TPHCM của Bộ Y tế.

Trước đó một ngày, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Freetrend Industrial Việt Nam - Khu chế xuất Linh Trung 1 (Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) đã cho công nhân nghỉ khi công ty này ghi nhận có ca mắc COVID-19.

Tại Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), hai nhà máy chuyên sản xuất motor quạt thuộc Tập đoàn Nidec là Nidec Việt Nam và Nidec Sankyo với gần 10.000 công nhân cũng đang tạm ngưng sản xuất.

Trong đó, nhà máy Nidec Việt Nam dừng từ tối 7/7 để đánh giá lại toàn bộ công tác phòng chống dịch do ghi nhận ca nhiễm. Công ty Nidec Sankyo bị Ban quản lý Khu công nghệ cao yêu cầu dừng hoạt động từ ngày 3/7 do phát hiện nhiều công nhân dương tính.

Trong khi đó tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7), nhiều công ty cũng tạm dừng sản xuất khi phát hiện ca nhiễm. Công ty TNHH điện cơ Solen có 600 công nhân chuyên sản xuất cơ điện, tạm ngưng hoạt động từ hôm qua. Công ty TNHH Hung Way cho khoảng 1.300 lao động nghỉ từ ngày 8/7. Hai nhà máy dừng sản xuất trong vòng 15 ngày.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể bố trí công nhân ở lại nhà máy trước quy định địa phương cách ly 7 ngày người đến từ TP HCM.

Hôm 7/7, Bộ Y tế ra quy định người TPHCM tới 62 tỉnh, thành phải tự cách ly y tế 7 ngày, xét nghiệm COVID-19 ba lần vào ngày thứ nhất, 3 và 6.

Với quy định này, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì công nhân ở khác tỉnh khi đi làm ở TPHCM cũng như ngược lại. Như tại Thành phố Thủ Đức, hiện mỗi ngày có khoảng 19.000 lao động từ Bình Dương, Đồng Nai đến khu công nghệ cao làm việc. Với quy định cách ly 7 ngày thì sau một ngày làm tại khu công nghệ cao trở về phải cách ly, vì thế để hoạt động doanh nghiệp cần tính đến việc bố trí cho công nhân ở lại nhà máy. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như thế này việc sắp xếp để cho số lượng lớn công nhân ở lại không phải dễ.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM Hồ Xuân Lâm, trong điều kiện nói trên, doanh nghiệp khó tổ chức sản xuất 100% như bình thường mà phải chấp nhận giảm sản lượng. Những nhà máy không có khu lưu trú có thể dừng hoạt động một vài xưởng để làm chỗ ở cho công nhân. Trước diễn biến dịch phức tạp, doanh nghiệp phải chấp nhận duy trì sản xuất 30 -50%, ưu tiên đơn hàng gấp. Việc này để tránh dịch lây lan, xâm nhập nhà máy nguy cơ đứt gãy sản xuất.

Theo ông Lâm, về lâu dài, các địa phương vùng giáp ranh nên tính đến việc tạo ra "tuyến đường xanh" dành riêng cho công nhân, chuyên gia làm việc ở các nhà máy đi qua lại. Doanh nghiệp tổ chức xe đưa đón, cam kết những người này chỉ đi từ chỗ ở đến nơi làm việc. Các nhà máy gửi danh sách lao động cho các trạm kiểm soát, trong đó phải có thông tin về kết quả xét nghiệm COVID-19, các liều tiêm vaccine...

TPHCM hiện có 1,6 triệu công nhân làm việc trong các nhà máy. Thông tin từ Liên đoàn Lao động TPHCM, đến ngày 7/7 có hơn 1.800 công nhân, lao động mắc COVID-19. Dịch đã xâm nhập hầu hết khu công nghiệp ở thành phố. 

Đỗ Thành Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI