TPHCM: Nhiều cơ sở lưu trú đóng cửa, rao bán

24/03/2023 - 06:15

PNO - Tại tọa đàm thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TPHCM do Sở Du lịch TPHCM tổ chức chiều 23/3, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận 1 - cho biết: kết quả khảo sát cho thấy các khách sạn, cơ sở lưu trú trên địa bàn quận đang có xu hướng trả mặt bằng, rao bán, sang nhượng.

Cụ thể năm 2019, quận 1 có 464 cơ sở lưu trú, năm 2021 chỉ còn 336. Năm 2022, số lượng cơ sở lưu trú vẫn tiếp tục giảm còn 308 cơ sở. Hiện số lượng cơ sở lưu trú tăng nhẹ, lên 339. Nguyên nhân chủ yếu là các chủ mặt bằng gặp khó khăn nên lấy lại mặt bằng để bán hoặc chuyển đổi loại hình kinh doanh khác, giá cho thuê mặt bằng cao, khách thuê không kham nổi nên trả mặt bằng. Một nguyên nhân khác là lượng khách du lịch đến lưu trú không đủ để các cơ sở vận hành kinh doanh. Trước tình hình này, quận 1 sẽ tiếp tục các công tác phát triển các sản phẩm du lịch, tổ chức các chương trình lễ hội, sự kiện… nhằm thu hút du khách, tiếp tục triển khai các đề án thu hút du khách được UBND TPHCM giao. 

nhiều đường trung tâm TPHCM quận 1, 3 rao bán, cho thuê mặt bằng. Điểm chung của những mặt bằng này là có vị trí đẹp ngay ngã ba, ngã tư, phù hợp để mở hàng quán, khách sạn, nhà hàng. Trong ảnh: trên trục đường Hai Bà Trưng (quận 1) từ đoạn Lê Duẩn đến Điện Biên Phủ có hơn 5 điểm rao cho thuê mặt bằng).
Nhiều đường trung tâm TPHCM quận 1, 3 rao bán, cho thuê mặt bằng. Điểm chung của những mặt bằng này là có vị trí đẹp ngay ngã ba, ngã tư, phù hợp để mở hàng quán, khách sạn, nhà hàng

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TPHCM - đến cuối năm 2022, toàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 65.000 phòng. Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng 1-5 sao với 17.613 phòng; 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu về cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ với hơn 48.000 phòng. So với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú xếp hạng 1-5 sao giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở. Nguyên nhân chính do từ ngày 1/1/2018, Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực, cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện xếp hạng sao, không bắt buộc xếp hạng như quy định trước đó, một số lượng lớn khách sạn không có nhu cầu xếp hạng sao, do đó số lượng khách sạn từ 1-2 sao giảm mạnh. 

Năm 2022, ngành du lịch thành phố đã khôi phục toàn diện các hoạt động trong điều kiện bình thường mới, Sở Du lịch TPHCM đã triển khai nhiều chương trình, sự kiện để hút khách. Việc thiếu các cơ sở lưu trú sẽ gây ra nhiều thách thức.

“Đến cuối năm 2022, số lượng khách sạn từ 1-5 sao giảm hơn 10% so với năm 2021, tập trung ở các khách sạn từ 1-3 sao; đối với nhóm khách sạn chưa được xếp hạng, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tổ chức rà soát” - bà Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Loan - đại diện khách sạn A25 ở quận 1 - cho biết ngành kinh doanh khách sạn đang gặp nhiều khó khăn nhưng phải chịu mức giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ cao nhất. “Chúng tôi kiến nghị giảm khung giá điện xuống bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm, để chúng tôi có thể vượt qua khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, cần giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú” - bà Thúy Loan đề xuất. Đại diện các cơ sở lưu trú cũng kiến nghị các sở, ngành… thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người lao động đang làm việc ở các khách sạn, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách khi đến TPHCM. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI