Nơm nớp nỗi lo sập cầu
Giờ tan tầm, cầu tạm trước nhà 311/10 Nguyễn Xí (khu phố 1, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) có rất nhiều phương tiện qua lại. Mặt cầu gồ ghề, nhiều đoạn bong tróc, nứt vỡ, lộ cốt thép. Một lỗ thủng lớn trên mặt cầu được người dân che chắn để cảnh báo, khiến một nửa mặt cầu hiện không thể sử dụng, giao thông trở nên khó khăn, dễ ùn tắc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ông H.V.Đ. sống cạnh cầu cho biết, cầu xuống cấp đã hơn 4 năm, đặc biệt nghiêm trọng hơn vào 2 năm gần đây, khiến người qua cầu cảm thấy bất an. Những người dân sống gần cầu nhắc nhở con em hạn chế qua cầu hoặc lại gần, vì sợ cầu sập bất tử. Theo ông Đ., nhiều người đã bị ngã khi qua cầu.
|
Cầu Rạch Tôm trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) được xây dựng trước năm 1975, đến nay đã xuống cấp - Ảnh: Vũ Quyền |
Đặc biệt, cách đây 3 năm, một người điều khiển phương tiện đã rơi xuống kênh thiệt mạng. “Lan can cầu đã mục nát, rơi xuống kênh, 2 bên cầu không có vật cản nên nhiều trường hợp không làm chủ được tay lái, lao cả người lẫn xe xuống kênh. Tôi và hàng xóm đã nhiều lần phải hỗ trợ đưa người lên bờ, bảo toàn tính mạng” - ông Đ. kể.
Sống gần đó, ông H.N.M. cho hay: “Cầu yếu đến mức đi bộ cũng thấy rung, xe máy chạy qua cảm giác muốn sụp xuống. Chúng tôi rất lo lắng, không biết sự cố sẽ xảy ra lúc nào” - ông M. nói và mong một cây cầu mới sớm được xây để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại.
Được xây cầu mới cũng là mong mỏi của nhiều người dân sống trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè, TPHCM trong nhiều năm qua. Trước đây, trên tuyến đường này có 4 cây cầu sắt rất yếu, không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, là Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi. Trong 2 năm 2023 và 2024, cầu Long Kiểng và Rạch Đỉa mới lần lượt hoàn thành, thông xe. Trong khi 2 cầu còn lại hằng ngày vẫn phải oằn mình gánh một lượng lớn phương tiện qua lại.
Theo ghi nhận, cầu Rạch Dơi và Rạch Tôm hiện đều xuống cấp, nhiều bộ phận trên cầu đã hoen gỉ, phải dùng dây thép để cố định. Khi các phương tiện đi qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra tiếng kêu lớn. Cả 2 cầu đều có bề ngang nhỏ hẹp, chỉ đủ cho 1 ô tô và xe máy chạy song song, nếu 2 xe ô tô đi ngược chiều thì 1 xe phải nhường đường.
Trong khi lượng xe qua cầu rất đông, nhiều xe trọng tải lớn, vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc. Bà Nguyễn Thị Liên (huyện Nhà Bè) cho biết, mỗi khi qua cầu bà phải chờ cho các xe lớn qua trước rồi mới dám qua. “Chỉ mong chính quyền sớm làm mới 2 cầu này để an toàn và giảm kẹt xe” - bà Liên nói.
Hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều cây cầu sắt cũ, xây dựng trước năm 1975. Cụ thể như cầu Móng, cầu Tân Thuận 1, cầu Rạch Cát, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi... Tháng 9/2024, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã yêu cầu các đơn vị thực hiện kiểm tra, khảo sát hiện trạng và có ngay biện pháp đảm bảo an toàn khai thác đối với các cầu yếu, cầu không đồng bộ tải trọng, cầu bắc qua các tuyến giao thông thủy trọng yếu, cầu vượt trên cạn và hầm đường bộ trên địa bàn, nhất là các cầu sắt cũ.
Xây dựng, kiên cố hóa những cây cầu dân sinh
Liên quan đến việc cầu tạm trên đường Nguyễn Xí, UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn liên quan phối hợp UBND phường kiểm tra, đánh giá và nhận thấy hiện cầu không đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.
Để tăng cường cảnh báo cho người dân và các phương tiện qua lại, UBND quận Bình Thạnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương treo băng rôn, lắp đặt biển cảnh báo phản quang, biển báo hạn chế xe 3 bánh và ô tô qua cầu; các phòng, ban chuyên môn phối hợp nghiên cứu, đề xuất phương án, quy mô công trình sửa chữa cầu bằng nguồn vốn ngân sách và thực hiện trong quý I/2025.
Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết, cầu Rạch Tôm dự kiến sẽ khởi công vào 30/4/2025 và phấn đấu khởi công cầu Rạch Dơi vào cuối năm 2025.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X diễn ra cuối năm 2024, bà Trương Lê Mỹ Ngọc - Phó trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố - cũng đã đề xuất UBND thành phố nghiên cứu, dành nguồn ngân sách, nguồn đầu tư công để xây dựng, kiên cố hóa các cây cầu dân sinh phục vụ nhân dân, nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Việc xây dựng, kiên cố hóa các cây cầu dân sinh nhằm đảm bảo phát triển bền vững cho các địa phương, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với đời sống, lợi ích của người dân; giúp vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; đi lại dễ dàng, người dân dễ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống...
Vũ Quyền - Thanh Tâm