Nguồn thu từ nghệ thuật còn nhỏ
Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 kết thúc, chính thức khép lại một năm các hoạt động văn hóa - nghệ thuật diễn ra sôi nổi tại TPHCM. Theo thống kê từ ban tổ chức, sự kiện Hò dô năm nay chào đón 250 nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia, thu hút hơn 150.000 khán giả tham dự trực tiếp tại 2 địa điểm. Ngoài ra, chương trình đạt hơn 12 triệu lượt tiếp cận trên mạng xã hội, cao nhất đạt 68.500 khán giả xem livestream tại một thời điểm. Đây là những con số động viên ê kíp thực hiện, và cho thấy tiềm năng từ một sự kiện âm nhạc mang tầm quốc tế được tổ chức tại TPHCM, hoàn toàn có thể phát triển hơn nữa trong tương lai.
|
Ngôi sao âm nhạc quốc tế Babyface hát cùng Ngọc Mai tại Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2022 |
Hò dô được tổ chức sau 2 năm TPHCM bị dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ, nhiều hoạt động giải trí, nghệ thuật trên địa bàn thành phố gặp không ít khó khăn. Cho đến hiện tại, chưa thể nói những ảnh hưởng từ dịch bệnh đã chấm dứt hoàn toàn, nhưng bằng nhiều nỗ lực từ các tổ chức, cá nhân, các hoạt động nghệ thuật, giải trí, đặc biệt là âm nhạc của thành phố đã diễn ra. Năm nay, ngoài Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2022, Liên hoan Giai điệu mùa thu, chuỗi đêm nhạc gắn với di sản mang tên Thành phố tình yêu - Lively Sài Gòn... đã được tổ chức, thu hút đông đảo khán giả, nghệ sĩ tham dự.
Dù khép lại một năm với nhiều điểm sáng trong hoạt động, bức tranh nghệ thuật của thành phố vẫn chưa trọn vẹn. Tại hội thảo thuộc khuôn khổ lễ hội Hò dô, chia sẻ của NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - được chú ý. Bà nói nguồn thu từ lĩnh vực âm nhạc nói riêng và ngành nghệ thuật của thành phố nói chung chưa xứng tầm với tiềm năng hiện có.
Cụ thể, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết trong năm 2010, ngành nghệ thuật biểu diễn chỉ đóng góp 0,07% GDP của thành phố. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2018, tỉ lệ này tăng lên 0,08%, nhưng cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng GDP của TPHCM. Đến năm 2020, con số tăng lên 0,09%. Và sau 2 năm đại dịch, con số này gần như bị chững lại.
Lễ hội Hò Dô 2022:
“Ngành nghệ thuật của chúng ta được đánh giá có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Vậy thì, cần một chiến lược như thế nào, giải pháp thiết thực, hiệu quả ra sao để khai thác đúng tiềm năng thế mạnh, đóng góp vào tỉ lệ tăng trưởng chung của thành phố?”, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ. Điều mà bà Thúy trăn trở cũng đã được các cấp lãnh đạo quan tâm. Sắp tới, chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2030 với nhiều cơ chế, chính sách đi kèm sẽ được ban hành, kỳ vọng tạo ra những thay đổi sắc nét hơn cho bộ mặt các ngành nghệ thuật, trong đó có công nghiệp âm nhạc.
Âm nhạc là “mũi nhọn”
Ông Đinh Trung Cẩn - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - cho biết, trong những lần tham dự các cuộc hội thảo về âm nhạc tại nhiều quốc gia, ông thấy văn hóa đóng góp vào tỉ trọng GDP các nước rất lớn. Trong đó, âm nhạc chiếm phần chủ yếu. Ông Đinh Trung Cẩn cho rằng, các cấp lãnh đạo tại Việt Nam đã nhìn thấy nguồn thu lớn từ các ngành nghệ thuật và đã, đang tích cực thay đổi. Tuy nhiên, quá trình khai thác “sức mạnh mềm”, nguồn thu từ văn hóa cần được đẩy mạnh hơn, thực hiện nhanh hơn nữa.
Lấy ví dụ về việc nếu có sự chuẩn bị từ sớm, đón đầu xu hướng sẽ tạo ra những kết quả bất ngờ, ông Đinh Trung Cẩn dẫn chứng ngay doanh thu của VCPMC. Ông cho biết, trong 2 năm dịch bệnh, nguồn thu từ các hoạt động giải trí “rớt” thê thảm, nhưng doanh thu tác quyền của VCPMC vẫn tăng. Con số đó có được nhờ vào nhiều năm qua, VCPMC đầu tư cho công nghệ. Hệ thống đã và đang vận hành 9 phần mềm, có phần mềm sử dụng riêng cho khu vực Đông Nam Á, phần mềm khác dùng để “quét” thị trường châu Á, Thụy Sĩ và châu Âu, Ấn Độ... “Nếu không có công nghệ, chúng ta không thể làm gì được”, ông Đinh Trung Cẩn khẳng định.
|
Chương trình Thành phố tình yêu được tổ chức tại các công trình nghệ thuật, di sản tiêu biểu của thành phố |
VCPMC là đơn vị hoạt động 20 năm trong lĩnh vực bảo vệ tác quyền. Những năm đầu, nguồn thu mỗi năm chỉ vài chục triệu đồng. Đến năm 2021, đơn vị thu về 167 tỉ đồng, tốc độ tăng nhanh chóng. Trong 20 năm qua, VCPMC thu hơn 1.000 tỉ đồng, nộp thuế 100 tỉ đồng. Trong năm 2022, dự kiến thu được hơn 50% con số của 20 năm qua. Theo ông Đinh Trung Cẩn, khi bước chân vào sân chơi chuyên nghiệp với thế giới, vấn đề tác quyền phải được quan tâm hàng đầu, để đảm bảo lợi ích cũng như tạo sự công bằng, tính kỷ luật. Hiện Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ứng dụng công nghệ hiệu quả vào việc thu tiền tác quyền.
Doanh thu từ tác quyền âm nhạc chiếm một phần trong nguồn thu chung từ ngành âm nhạc. Nguồn thu đó muốn tăng lên thì không thể chỉ dừng lại ở việc bán vé nghe nhạc, mà là “bán trải nghiệm” thưởng thức âm nhạc. Nghĩa là, cùng với sự kiện ca nhạc, cần có thêm các hoạt động đi kèm như du lịch khám phá, trải nghiệm ẩm thực, thậm chí kết hợp cùng các dịch vụ y tế để tạo sự đa dạng trong lựa chọn.
Theo NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM kết hợp cùng các đơn vị, nỗ lực thực hiện các hoạt động nghệ thuật mang tính thương hiệu cho thành phố. Ngoài ra, sở còn hướng đến các hoạt động vì cộng đồng để tăng tính nhận diện cho các chương trình. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đối với nhóm ngành nghệ thuật là điều không dễ dàng, bởi trong nhiều năm qua, mục tiêu này đã được hướng đến.
Dù vậy, với nguồn lực hiện có, nguồn thu từ nhóm ngành nghệ thuật phải tăng lên mới tương xứng tiềm năng, cho thấy TPHCM không chỉ là địa phương phát triển kinh tế hàng đầu, mà còn là thành phố có nền công nghiệp âm nhạc, nghệ thuật đủ sức mang về nguồn thu đúng như kỳ vọng.
Diễm Mi