Hết cảnh lội nước cấp cứu
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn vốn có cơ sở vật chất xuống cấp đã trở thành bệnh viện có hạ tầng chuẩn quốc tế. Đây là một trong những công trình chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là một trong những dự án trọng điểm của ngành y tế TPHCM, đáp ứng kỳ vọng của người dân.
 |
Lễ khánh thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn được tổ chức vào sáng 19/4 - Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Bước vào bệnh viện khang trang, rộng rãi, thoáng mát, bà Nguyễn Thị Năm (69 tuổi, ở huyện Hóc Môn) vô cùng vui mừng. Bà bị đái tháo đường, tim mạch, huyết áp cao gần 10 năm nay. Đó cũng là khoảng thời gian bà thường xuyên vào, ra bệnh viện lấy thuốc. Không ít lần bà cảm thấy như muốn… bệnh thêm bởi cơ sở bệnh viện xuống cấp, chật hẹp lại quá đông bệnh nhân.
Bà kể: “Trời nắng thì bệnh viện quá nóng, khi mưa lại rất ẩm ướt. Có lần tôi bị mệt, khó thở phải đi cấp cứu. Đến nơi, thì nước đã ngập cao ngang đầu gối bác sĩ. Nhìn nhân viên y tế lội bì bõm, thương lắm. Bây giờ, bệnh viện không chỉ đẹp, mà còn mát mẻ nữa”.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn Đặng Quốc Quân cho biết trước đây cơ sở vật chất, hạ tầng tại bệnh viện xuống cấp, trang thiết bị thiếu thốn trầm trọng. Vào mùa mưa, nhân viên y tế phải mang ủng để lội nước, khám, điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại, bệnh viện có quy mô 12 tầng nổi, 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn hơn 72.293m². Từ 550 giường nội trú đã được nâng cấp hơn 1.000 giường, cùng nhiều thiết bị chuyên khoa đồng bộ, hiện đại.
“Đặc biệt, bệnh viện có bãi đáp trực thăng đáp ứng nhu cầu cấp cứu. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao rất nhiều, người dân Hóc Môn và khu vực lân cận yên tâm hơn khi đến chữa bệnh” - bác sĩ Đặng Quốc Quân cho biết.
Sáng 24/4, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng đã đi vào hoạt động với quy mô 1.000 giường chất lượng cao, có chuyên khoa sâu với thiết bị y khoa đồng bộ, hiện đại. Đây là dự án nhóm A, công trình cấp 1 có tổng mức đầu tư 1.915 tỉ đồng, diện tích sử dụng đất hơn 58.000m2.
Tiến sĩ, bác sĩ Cao Tấn Phước - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám chữa bệnh cho khoảng 3.500 lượt bệnh nhân. Trong đó, 50% lượng bệnh nhân nội trú, ngoại trú và phẫu thuật từ các tỉnh lân cận. Bệnh viện được đầu tư hoàn chỉnh các hạng mục hạ tầng kỹ thuật hiện đại, giúp người bệnh cảm thấy tin tưởng, người nuôi bệnh thoải mái và đội ngũ y tế an tâm công tác.
Theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, từ bệnh viện khó khăn nhất thành phố, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn đã trở thành bệnh viện hiện đại nhất. Ở giai đoạn này, bệnh viện tăng cường năng lực, đội ngũ y bác sĩ để sử dụng trang thiết bị hiện đại, trở thành bệnh viện chủ lực cửa ngõ phía Tây Bắc của TPHCM.
Còn với Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, sở sẽ tiếp tục phối hợp với bệnh viện và chủ đầu tư dự án trong việc đấu thầu mua sắm, sớm được trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại phục vụ chăm sóc người bệnh. Kỳ vọng đây sẽ là một trong những bệnh viện chủ lực trong cụm y tế chuyên sâu thứ ba của thành phố.
Hướng đến tầm khu vực ASEAN
Hiện nay, các bệnh viện tại TPHCM đã làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu, ngang tầm thế giới. Như Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã phối hợp kỹ thuật can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng mẹ. Đây là kỹ thuật chuyên sâu lần đầu tiên được thực hiện thành công ở Đông Nam Á.
 |
Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức khang trang, hiện đại, điều trị và chăm sóc tốt sức khỏe của bệnh nhân - ẢNH: H.L. |
Bệnh viện Bình Dân luôn phát huy thế mạnh sử dụng phẫu thuật robot. Bác sĩ bệnh viện không chỉ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật sử dụng robot cho y bác sĩ trong nước mà còn được các nước bạn mời sang huấn luyện…
Không ít bệnh viện luôn cố gắng phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong khám chữa bệnh. Năm 2024, Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện công lập đầu tiên tại TPHCM đạt chứng nhận chất lượng quốc tế ACHS. Bệnh viện Truyền máu Huyết học đạt chứng nhận Joint Commission International (JCI)… tạo nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe hàng đầu ASEAN.
Để làm được điều này, theo Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng, ngành y tế sẽ tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng các bệnh viện hiện đại, mở rộng dịch vụ y tế theo mô hình cụm chuyên sâu. Phát triển nhân lực y tế chất lượng cao, chuẩn hóa đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, phát triển các chuyên ngành y học mũi nhọn thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên, hợp tác quốc tế, đánh giá và kiểm định chất lượng theo các tiêu chí quốc tế…
“Đặc biệt, để nâng cao vị thế trên bản đồ y tế ASEAN, TPHCM đang hướng đến xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành y - dược, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất thuốc, thiết bị y tế và sinh phẩm chất lượng cao” - ông Tăng Chí Thượng nói.
Ông cũng cho biết, ngành y tế thành phố đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và y tế thông minh; phát triển du lịch y tế gắn liền với phát triển y học chuyên sâu và y học cổ truyền. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút chuyên gia y tế hàng đầu thế giới đến làm việc và chuyển giao công nghệ. Các cơ sở y tế hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển mô hình bệnh viện thông minh.
Ngành y tế triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ trọng tâm Theo ông Tăng Chí Thượng, thời gian tới ngành y tế thành phố sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm là: nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; củng cố y tế cơ sở và phát triển y tế cộng đồng; chuyên nghiệp hóa hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện; phát triển y tế chuyên sâu hướng đến mục tiêu đưa thành phố trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN. Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, giải pháp đầu tiên là đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại. Cụ thể là cải thiện và mở rộng hệ thống bệnh viện, phòng khám cùng trang thiết bị y tế hiện đại để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư các cụm y tế chuyên sâu theo quy hoạch phát triển của TPHCM gồm cụm y tế trung tâm hiện hữu và các cụm mới. TPHCM không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại cho các cơ sở điều trị, mà còn cả cơ sở dự phòng, trung tâm tầm soát bệnh bằng công nghệ cao. Thứ hai là đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. TPHCM không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước. Hiện Sở Y tế xây dựng dự thảo về chính sách đặc thù nhằm tham mưu UBND TPHCM, và trình HĐND để thu hút tài năng trẻ và thế hệ lãnh đạo tương lai của ngành y tế. Trong đó chú trọng lực lượng bác sĩ nội trú và điều dưỡng. Thứ ba là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng hệ thống y tế thông minh, áp dụng các công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị. Tích hợp dữ liệu y tế trên nền tảng số, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, theo dõi sức khỏe người dân và hỗ trợ ra quyết định y tế. Triển khai hệ thống hồ sơ bệnh án điện tử để quản lý thông tin bệnh nhân một cách hiệu quả, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID và hồ sơ sức khỏe điện tử tích hợp trên app Công dân số của TPHCM. |
Phạm An