TPHCM - Người dân sẽ bớt "chạy tới chạy lui" với thủ tục hành chính

31/10/2024 - 06:11

PNO - Tại kỳ họp ngày 27/9, HĐND TPHCM đã thông qua việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công TPHCM (HCMC PASC) với mục tiêu số hóa các quy trình thủ tục, giải quyết nhanh các hồ sơ, thủ tục hành chính cho dân. Người dân, doanh nghiệp hy vọng, trung tâm sẽ giúp họ bớt “chạy tới chạy lui” mỗi khi cần làm giấy tờ.

Nghĩ đến thủ tục hành chính là... sợ

Từng phải tới lui 6 lần trong hơn 1 tháng chỉ để làm thủ tục gia hạn tạm trú, chị Thanh Hằng (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) vô cùng ngao ngán, thậm chí sợ mỗi khi nhắc đến cụm từ “thủ tục hành chính”.

Chị cho biết, dù chính quyền TPHCM đã triển khai việc giải quyết thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), nhưng sự “cải cách” này thậm chí làm mất thời gian và gây phiền hà cho dân hơn so với trước. Để gia hạn tạm trú, trước đây, chị chỉ cần đến gặp công an ấp, kê khai thông tin và trở lại lấy kết quả. Còn hiện nay, cũng với thủ tục trên, chị phải gặp công an ấp xin tờ khai, điền thông tin rồi mang tờ khai đó về nhà khai trên DVCTT. Khi DVCTT từ chối hồ sơ, chị gặp công an ấp để hỏi lý do thì được chỉ lên công an xã, công an xã lại chỉ qua UBND xã để làm một số thủ tục bổ sung.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính - ẢNH: VŨ QUYỀN
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Thủ Đức hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính - Ảnh: Vũ Quyền

Là người trẻ, khá rành công nghệ thông tin, chị Thanh Hằng vẫn lúng túng với giao diện DVCTT. Chị cho rằng, người lớn tuổi, người ít tiếp cận công nghệ thông tin sẽ càng lúng túng hơn: “Tôi cảm thấy DVCTT rối rắm, không tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi làm các loại thủ tục”. Khi nghe tin thí điểm thành lập HCMC PASC, chị hy vọng, việc giải quyết thủ tục sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn cách truyền thống hay qua DVCTT. Khi cần bổ sung hồ sơ, người dân cũng chỉ cần liên hệ với HCMC PASC chứ không cần trực tiếp gặp công an hay cán bộ UBND xã, phường. Chị mong muốn HCMC PASC bố trí nhân sự chuyên nghiệp để sẵn sàng hỗ trợ người dân khi cần, đồng thời đồng bộ dữ liệu với DVCTT quốc gia để người các tỉnh đang sinh sống, học tập ở TPHCM cũng được giải quyết hồ sơ nhanh gọn.

Chị Diêm Thị Thùy (quận 4) thì cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà dù đã có công nghệ hỗ trợ. Hiện nay, mọi thông tin cá nhân đã được tích hợp đầy đủ trên căn cước công dân, chỉ cần quét mã là có, nhưng các loại thủ tục vẫn yêu cầu “điền thông tin vào phiếu”. Thêm vào đó, vẫn còn tình trạng hồ sơ bị đẩy qua đẩy lại giữa các cơ quan, phòng, ban.

Theo ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TPHCM (PCI) bị tụt từ vị trí thứ 14 (năm 2021) xuống thứ 27 (năm 2022, 2023); xếp hạng chỉ số hài lòng của người dân về cung ứng dịch vụ công (SIPAS) của TPHCM vẫn ở mức trung bình so với cả nước (hạng 36/63). HCMC PASC sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình “một cửa” truyền thống, giải quyết tốt tình trạng ách tắc trong giải quyết thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực như đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, giúp cải thiện PCI, SIPAS.

Giám đốc HCMC PASC cần có thẩm quyền trực tiếp

Tiến sĩ Phan Hải Hồ - Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TPHCM - đánh giá, đề án thí điểm thành lập HCMC PASC được xây dựng bài bản nên HCMC PASC sẽ rất hữu ích trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công cũng như sự quản lý nhà nước. Vấn đề quan trọng nằm ở tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, năng lực của người có thẩm quyền, đặc biệt là giám đốc trung tâm.

Theo ông, các luật, nghị định về quản lý nhà nước chuyên ngành hành chính công chưa có quy định về những thẩm quyền cụ thể của trung tâm phục vụ hành chính công, nên giám đốc trung tâm vẫn không có thẩm quyền trực tiếp mà được ủy quyền. Trung tâm hoạt động theo cơ chế thí điểm nên thiếu hành lang pháp lý hoặc hành lang pháp lý có tính chắp vá. HCMC PASC là cơ quan hành chính nhà nước, không phải đơn vị sự nghiệp công lập, nên có 2 chức năng là quản lý hành chính nhà nước và cung ứng dịch vụ công. Thế nhưng, chức năng quản lý nhà nước là nhiệm vụ của UBND và các sở, phòng, ban (cơ quan chuyên môn, tham mưu). Như vậy, chức năng chính của HCMC PASC là phục vụ, cung ứng dịch vụ công. Do vậy, để hoạt động hiệu quả, trung tâm này cần có đủ thẩm quyền cung ứng dịch vụ thông qua việc trao quyền, ủy quyền, đồng thời giám đốc trung tâm phải có quyền trực tiếp. Nghĩa là, cần bổ sung thẩm quyền trực tiếp cho giám đốc trung tâm vào luật, nghị định.

Ngoài ra, khi hướng đến xây dựng chính phủ số thì trung tâm phục vụ hành chính công chỉ nên là nơi tiếp nhận thông tin yêu cầu cung ứng DVCTT. Do đó, để trung tâm hoạt động hiệu quả, trong giai đoạn 3, ngoài việc giảm bớt số lượng chi nhánh, đại diện về cơ học, cần phải số hóa triệt để, đồng thời sửa các luật có liên quan đến thẩm quyền địa hạt như Luật Đất đai, Luật Công chứng và HCMC PASC sẽ trở thành chi nhánh của trung tâm phục vụ hành chính công của Văn phòng Chính phủ.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức - ẢNH: NHÃ CHÂN
Người dân làm thủ tục hành chính tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thủ Đức - Ảnh: Nhã Chân

Ông Vũ Tuấn Hưng - Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ - cho rằng, việc thành lập một tổ chức mới với phương thức vận hành và quản trị mới sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu, những khó khăn, thách thức. Chẳng hạn, cần có thời gian xác minh, chuẩn hóa và đồng bộ hóa thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia; cần có thời gian để vận hành, hoàn thiện, đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng công nghệ bởi không phải người dân nào cũng có các phương tiện, công cụ tương thích với dịch vụ trực tuyến. Bên cạnh đó, HCMC PASC cũng sẽ gặp sức ép về công tác nhân sự. Chế độ lương, thưởng, phụ cấp thiếu hấp dẫn sẽ khó tuyển được nhân sự tốt, đặc biệt là nhân sự có khả năng, có kinh nghiệm về chuyển đổi số.

Ông nhận định: “Sự gia tăng tội phạm công nghệ cao khiến một bộ phận dân cư e ngại môi trường số. Do vậy, cần đảm bảo an ninh số song song với hoạt động tuyên truyền. Nhận thức và sự hiểu biết, khả năng tiếp cận công nghệ số và dịch vụ trực tuyến của người dân không đồng đều nhau cũng là thách thức cần được giải quyết”.

HCMC PASC dự kiến được vận hành theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 10 đến hết tháng 12/2024) hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân sự, sửa chữa trụ sở, trang thiết bị, ban hành quy trình; giai đoạn 2 (từ tháng 1 - 12/2025) vận hành thí điểm; giai đoạn 3 (từ tháng 1 - 12/2026) hoàn thiện mô hình, tinh gọn bộ máy các chi nhánh trực thuộc, điểm tiếp nhận.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chú trọng bảo mật dữ liệu

HCMC PASC phải hướng đến phục vụ người dân mọi lúc, mọi nơi chứ không giới hạn địa giới và thời gian hành chính như hiện nay. Trung tâm phải xác định, cam kết thời gian hoàn thành thủ tục để dân biết, đồng thời cán bộ thực thi phải có tinh thần chủ động, tinh thần phục vụ. Nếu 2 yếu tố này chưa đạt thì dù đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại cũng khó mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng triệt để trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động hành chính công bởi, AI có thể làm thay con người ở một số công đoạn. Cùng với việc chuyển đổi số và tăng cường giải quyết thủ tục trực tuyến, cần đặc biệt chú trọng vấn đề bảo mật thông tin. Những vụ việc từng xảy ra cho thấy tình trạng rò rỉ dữ liệu, mua bán dữ liệu cá nhân rất đáng lo ngại. Do đó, cần chú trọng đào tạo, tập huấn cán bộ trong bộ máy hành chính, có chính sách thu hút được nhân sự công nghệ cao.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế Athena

Mọi thủ tục phải hoàn toàn trực tuyến

Cổng dịch vụ công có hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT nhưng các hướng dẫn vẫn còn dài dòng, khó theo dõi, nhiều người vẫn không biết cách lập tài khoản, nộp hồ sơ hoặc phải thao tác nhiều lần.

Mới đây, tôi đăng ký cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công TPHCM. Là người được tiếp xúc nhiều với công nghệ nhưng tôi vẫn lúng túng vì trên trang web này, có quá nhiều thư mục. Tôi phải hỏi nhiều bạn bè, mới biết thư mục tiếp nhận thủ tục cấp hộ chiếu nằm ở đâu. Khi tải hình ảnh giấy tờ thì hệ thống gặp trục trặc. Tôi gọi vào số hotline để nhờ hướng dẫn thì không ai bắt máy, sau đó phải nhờ mối quan hệ để kết nối với một nhân viên phụ trách thì người này cũng không hiểu, tiếp tục hỏi một người khác và trả lời rằng “đợi mở mục này lên kiểm tra xem lỗi ở đâu”. Cổng cũng xây dựng nhiều biểu mẫu tờ khai điện tử để người dân khai trực tiếp trên đó nhưng khi xuất thành file word thì gặp nhiều lỗi về ngôn ngữ, kỹ thuật trình bày.

Thời gian qua, UBND các quận, huyện ở TPHCM đã tích cực chuyển đổi số, các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, tự động hóa, hạn chế việc gặp trực tiếp cán bộ quản lý. Tuy nhiên, các thủ tục vẫn còn bán tự động, tức là một nửa công nghệ, một nửa nhân sự. Khi người dân, doanh nghiệp gửi hồ sơ thì có nhân sự tiếp nhận, sau đó mới đưa hồ sơ này lên hệ thống trực tuyến để xử lý. Các thủ tục về lao động, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan đã tốt hơn nhưng các thủ tục về đất đai, xây dựng vẫn còn phức tạp, kéo dài thời gian.

Việc chính quyền TPHCM xây dựng trung tâm hành chính công một cấp là tốt nhưng cần xây dựng trung tâm sao cho mọi thủ tục đều trực tuyến; cung cấp thông tin đơn giản, trực quan, dễ hiểu, dễ làm; đường dây nóng cần bổ sung phần mềm hướng dẫn tự động và có bộ phận nhân sự thực sự am hiểu để tư vấn 24 giờ/ngày.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - kiều bào Úc, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI