Sở GD-ĐT TPHCM vừa có báo cáo về số nhu cầu phòng học năm học 2023-2024.
Năm học mới toàn thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 36 dự án với tổng số 512 phòng học được xây mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 367 phòng. Số học sinh dự kiến toàn thành phố trong năm học là hơn 1,8 triệu.
Số phòng học tăng thêm chủ yếu tập trung ở TP Thủ Đức (5 dự án trường mầm non với 76 phòng), huyện Hóc Môn (3 dự án với 65 phòng), quận Bình Thạnh (5 dự án với 54 phòng học)…
|
Năm học 2023-2024, TPHCM dự kiến đưa vào sử dụng 512 phòng học, tăng thêm 367 phòng học mới |
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, thống kê từ các địa phương cho thấy trong giai đoạn đến năm học 2025-2026, toàn thành phố dự kiến sẽ đưa vào sử dụng 118 dự án trường học với 2.579 phòng học xây mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 1.750 phòng học.
Mặc dù vậy, nhu cầu phòng học ước tính cần bổ sung trong giai đoạn 2023-2025 toàn thành phố theo số học sinh là 9.037 phòng. Trong đó cấp tiểu học là 4.585 phòng, THCS là 4.452 phòng, tập trung ở các địa bàn TP Thủ Đức với 1.901 phòng học; quận 12 với 1.236 phòng; Bình Tân với 1.192 phòng học…
Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá khả năng đầu tư tăng thêm phòng học để đáp ứng nhu cầu chỗ học của con em trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2025 cho thấy tỷ lệ khá thấp, tập trung ở các địa bàn luôn trong tình trạng áp lực học sinh cao, như: Quận 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, TP.Thủ Đức…
Trăm bề… khó
Năm học 2023-2024, quận Bình Tân dự kiến đưa vào sử dụng mới chỉ 1 công trình Trường Mầm non Nguyệt Quế với 20 phòng. Tính toán trong 2 năm học tiếp theo, đến năm học 2025-2026, quận sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 9 công trình trường học với 274 phòng xây mới.
Trong khi đó, quận này ước tính tổng số phòng học cần có đến năm 2025 trên toàn quận là 4.149 phòng để đảm bảo đủ chỗ học cho 138.293 trẻ trong độ tuổi đi học (từ 3 - 18 tuổi). Thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học, Bình Tân ước tính cần thêm 498 phòng học. Như vậy, nếu theo tính toán này, đến năm học 2025-2026 Quận Bình Tân vẫn khó đạt được chỉ tiêu.
Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, hiện quận chịu áp lực sĩ số học sinh rất cao khi số học sinh trên địa bàn tăng nhanh, riêng năm 2023 tăng thêm hơn 8.000 học sinh. Mặc dù quận rất quan tâm, tập trung các dự án công trình trường lớp song việc xây dựng trường lớp còn khó khăn. Do trước đây, quản lý không tốt về dự án xây dựng, nhất là dự án trường học vì vậy giờ vấp phải phản ứng rất nhiều của người dân, việc khiếu kiện khiếu nại kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
“Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, hiện quận đạt 288 phòng, tính cả phòng học xã hội hóa. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh học sinh ngoài công lập vẫn muốn con em mình học trường công lập, đặt bài toán phải lo cho các trường hợp này. Thực tế Bình Tân là địa phương đô thị hóa, đất nông nghiệp hiện nay đền bù chênh lệch với đất ở quá lớn, người dân không đồng thuận, hầu hết các dự án đều vướng điều này. Hiện địa bàn quận có trường học tới 100 lớp, mỗi lớp có trên 50 học sinh…”.
|
Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) với trên 100 lớp học và hơn 5.000 học sinh là ngôi trường "khủng" nhất TPHCM |
Tương tự, theo tính toán nhu cầu phòng học cần bổ sung trong giai đoạn 2023-2025 của quận 12 để đảm bảo đạt 300 phòng học/10.000 dân là 1.113 phòng. Tuy nhiên, nhu cầu phòng học trong giai đoạn 2023-2025 thực tế lại ước tính cần thêm 817 phòng học cấp tiểu học và 419 phòng học cấp THCS.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 12 thông tin, dự kiến năm học 2023-2024, quận sẽ đưa vào sử dụng thêm 20 phòng học của công trình Trường tiểu học Thới An. Giai đoạn đến năm học 2025-2026 sẽ tiếp tục đưa thêm vào sử dụng 292 phòng học mới ở 10 dự án…
Vị này đánh giá, so với số phòng ước tính đưa vào sử dụng với số phòng học cần phải có thêm thì quận mới chỉ đạt được con số trên dưới ¼, rất khó khăn về trường lớp. Áp lực về tốc độ dân số tăng cơ học luôn cao nên hàng năm mới đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn quận, chưa đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Toàn quận, tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày mới đạt 28,3% bậc tiểu học và 28,7% bậc THCS.
Chia sẻ thêm, bà Võ Thị Chính - Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho hay, quy mô phát triển mạng lưới trường lớp luôn được quận đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu học tập do tốc độ dân số tăng cơ học quá nhanh, tác động lớn dến việc dạy và học, sĩ số bình quân trên lớp quá cao, trên 47 học sinh/lớp ở bậc tiểu học.
“Nguồn quỹ đất công xây dựng trường học tại địa bàn quận còn hạn chế, còn những dự án xây dựng trường học phải thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, sự thay đổi trong thủ tục pháp lý triển khai xây dựng trường lớp nên nhiều năm qua, quận gặp khó khăn trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp. Còn hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn quận thì chưa thực sự mạnh mẽ và chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia học, chính vì vậy chưa chia sẻ được lượng học sinh quá tải tham gia học…” - bà Võ Thị Chính nêu.
Quốc Trung