Dưới cái nắng như đổ lửa cuối tháng 2/2023, nhiều nơi ở TPHCM vẫn phải chịu cảnh bị ngập nước. Theo các chuyên gia, để chống ngập hiệu quả do mưa và triều cường, TPHCM cần có bản quy hoạch tổng thể chống ngập mới.
Đầu đội nắng, chân lội nước
Trong 3 ngày 22, 23 và 24/2/2023, người dân ở khu tái định cư cảng Phú Định (phường 16, quận 8) phải bì bõm lội nước khi ra vào nhà mình. Do triều cường, cả hai con đường dẫn vào khu tái định cư này đều bị ngập gần nửa mét.
Người dân cho biết, mỗi khi có mưa hay triều cường, khu vực này đều bị ngập. Vào mùa mưa, có khi, cả khu bị ngập cả tuần. Đáng nói là, trong khu tái định cư này, có 2 trường mầm non và việc đưa đón trẻ trong những ngày có mưa hoặc triều cường là vô cùng khổ sở.
Chị Thái Thị Hằng (phường 16, quận 8) ngao ngán: “Ngày nào nước ngập sâu, xe máy không thể ra vào được, các trường phải dùng ô tô đưa trẻ ra đường lớn. Những phụ huynh đến trễ giờ phải lội bộ vào trường, cõng con lội qua vùng ngập”.
|
Sau khi nâng đường Hồ Học Lãm, chợ khu phố 2 (phường An Lạc, quận Bình Tân) ế ẩm do thường xuyên bị ngập (ảnh chụp ngày 20/9/2022) - Ảnh: S.V |
Ngày 24/2, giữa trời nắng chang chang, đường Trần Xuân Soạn đoạn dưới cầu Tân Thuận 1, quận 7 cũng lênh láng nước, xe chết máy la liệt. Anh Nguyễn Văn Xuân (quận 7) nói: “Trước đây, đường chỉ ngập trong mùa mưa, nay ngập cả trong mùa nắng. Bên này là cảnh người dân đầu đội nắng, chân lội nước, bên kia là công trình ngăn triều ì ạch mấy năm nay”.
Cũng trong những ngày nắng gắt cuối tháng Hai, trước căn nhà số 327 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, khoảng 30 bao cát vẫn được chủ nhà đặt ở ngay trước cổng để ngăn nước tràn vào. Do đường Hồ Học Lãm “cứ mưa là ngập” nên chủ nhà vẫn để dãy bao cát trong mùa nắng nóng bởi không biết trời đổ mưa lúc nào. Theo người dân địa phương, đường Hồ Học Lãm thường xuyên bị ngập nước do mưa và triều cường dù đã được sửa chữa, nâng độ cao nhiều lần.
Khi mặt đường cao lên, nền nhà dân bị thấp hơn mặt đường nên đường chưa ngập thì nhà đã ngập, đường bị ngập thì nhà bị ngập sâu. Từ ngày nâng mặt đường Hồ Học Lãm, chợ khu phố 2 trở thành “rốn ngập”, việc buôn bán trở nên ế ẩm sau mỗi trận mưa to.
Quy hoạch thoát nước đã lỗi thời
Kỹ sư cao cấp Vũ Hải - nguyên Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nước và Môi trường TPHCM - nói: “Chống ngập là vấn đề nhức nhối, cấp bách của TPHCM trong suốt 20 năm qua. Chính quyền thành phố đã tiêu tốn rất nhiều tiền, các nhà khoa học cũng dày công nghiên cứu các giải pháp nhưng đến năm 2023, tình trạng ngập vẫn chưa được xử lý. Nguyên nhân là do quy hoạch chống ngập đã không còn phù hợp”.
Theo ông, TPHCM đang thoát nước theo bản quy hoạch số 752 đã được lập cách đây 20 năm. Đây là quy hoạch tổng thể về tiêu thoát nước và giải quyết ô nhiễm nội thành, được Tổ chức JICA (Nhật Bản) lập một cách rất bài bản nhưng nay đã hết niên hạn sử dụng (niên hạn sử dụng đến năm 2020). Đồng thời, sự phát triển đô thị ở TPHCM diễn ra nhanh chóng và tác động của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua cũng diễn biến rất khác nên các thông số tính toán (trong bản quy hoạch trên) đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, TPHCM còn có bản quy hoạch số 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập. Đây là quy hoạch thủy lợi chống ngập úng do triều cho vùng TPHCM. Tuy nhiên, quy hoạch này mang tính tình thế, bị động, liên tục thay đổi và có nhiều nhược điểm như kinh phí quá lớn, thời gian kéo dài, việc xây dựng tuyến đê bao quanh thành phố ảnh hưởng đến nguồn cấp nước của thành phố.
“Theo tôi biết, có nhiều đơn vị trong và ngoài nước đang bắt tay vào nghiên cứu quy hoạch tổng thể thoát nước cho TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Quy hoạch tổng thể thoát nước là một tài liệu rất quan trọng, là kim chỉ nam cho công tác thoát nước của TPHCM trong tương lai. Do đó, trong bản quy hoạch mới, cần tính toán kỹ, khắc phục những bất cập của cái cũ” - kỹ sư Vũ Hải nói.
|
Đường Trần Xuân Soạn lênh láng nước trong ngày 24/2 - Ảnh: CTV |
Theo Sở Xây dựng TPHCM, bản quy hoạch thoát nước đang được áp dụng chỉ đáp ứng hơn 28% diện tích của thành phố. Đó là bản quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM được ban hành theo Quyết định số 752 của Thủ tướng Chính phủ năm 2001. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống thoát nước.
Bản quy hoạch này chia TPHCM thành 6 vùng thoát nước mưa và 9 lưu vực thoát nước thải. Từ quy hoạch này, ngành chức năng TPHCM đã tập trung cải tạo các kênh rạch, trục thoát nước chính, triển khai một số dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước.
Sở Xây dựng TPHCM nhận định, bản quy hoạch trên nay không còn phù hợp. Các thông số đầu vào để tính toán hệ thống thoát nước chưa lường trước được các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện nay. Phạm vi quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM chỉ chiếm 28,38% tổng diện tích toàn thành phố, bao gồm khu vực nội thành hiện hữu (106,41km2) và khu vực lân cận (457,11km2). Sở Xây dựng cho rằng, cần phải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể thoát nước TPHCM trong thời gian tới.
Nên quy hoạch theo hướng nào?
Kỹ sư Vũ Hải lưu ý, khi lập bản quy hoạch tổng thể mới về thoát nước cho TPHCM, cần đánh giá đầy đủ ưu, nhược điểm của 2 bản quy hoạch đang áp dụng.
Theo ông, những năm gần đây, tình trạng sụt lún đất ở TPHCM là khá nghiêm trọng. Do đó, khi lập quy hoạch tổng thể thoát nước, cần lập lại bản đồ hiện trạng cao độ nền chính xác. Đặc biệt, cần chú ý đến các kết quả đo đạc cao độ nền thực tế trên các tuyến cống thoát nước chính và bản đồ không ảnh về địa hình TPHCM.
“Ngành chức năng của TPHCM cũng cần sớm hoàn thành bản đồ số hóa hệ thống cống thoát nước. Đây là tài liệu rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác thiết kế, quản lý mạng lưới thoát nước. Đồng thời, phải tăng cường áp dụng thiết bị công nghệ mới, cơ giới hóa việc khảo sát cống, nạo vét bùn cặn trong lòng cống” - kỹ sư Vũ Hải nói.
Kỹ sư Vũ Hải cũng cho rằng, có thể xây dựng đập ngăn triều thông minh kiểu mới ở cửa sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu để chống ngập do triều cho toàn thành phố. Con đập này khác với các con đập mà ngành thủy lợi đã thiết kế trước đây ở chỗ có chiều rộng khoảng 3.000m nhưng không xây kín mà để cửa mở ở giữa sông chừng 200m cho tàu bè qua lại và giảm được lượng nước triều vào sông cũng như làm giảm mực nước triều trên sông.
|
Khu tái định cư cảng Phú Định bị ngập trong 3 ngày 22, 23, 24/2 - Ảnh: S.V |
Kỹ sư Vũ Hải phân tích: “Để bảo đảm thành phố khỏi bị ngập do triều thì phải khống chế mực nước triều ở trạm Phú An không vượt quá 0,2 - 0,3m để thoát nước khi mưa to. Như vậy, tại cửa mở giữa sông, cần xây dựng cống ngăn triều tự động đóng mở khi triều lên xuống ở cốt 0,0m.
Do chế độ thủy triều Biển Đông là bán nhật triều và biên độ triều là 5m nên tốc độ dâng triều là 0,83m/h. Do đỉnh triều chỉ xuất hiện vào các ngày giữa và cuối tháng âm lịch nên số lần đóng các cống ngăn triều không nhiều trong 1 năm và thời gian đóng tối đa cũng chỉ từ 4-5 giờ/lần. Khi cần thiết, có thể dùng biện pháp âu thuyền để không gây trở ngại cho giao thông đường thủy”.
Ông cũng cho biết, ngoài bản quy hoạch số 1547, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn lập “Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công” để chống ngập do triều cho TPHCM. Nhiều chuyên gia đã phản đối dự án này, UBND TPHCM cũng đã ít nhất 2 lần có công văn không tán thành nên dự án chưa được Chính phủ phê duyệt.
Theo ông, khi lập quy hoạch tổng thể thoát nước mới, cần bỏ dự án này ra. Đồng thời, quy hoạch tổng thể thoát nước mới của TPHCM cần có tên gọi đúng theo Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng. Cơ quan chức năng TPHCM có thể chia làm 2 bản quy hoạch, gồm “Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa cho TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060” và “Quy hoạch thoát nước thải cho TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060”.
Cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp
Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng, để việc chống ngập đạt hiệu quả, cần tận dụng lợi thế về kênh, rạch. Hệ thống kênh rạch của TPHCM vốn chằng chịt, có vai trò như hồ điều tiết nước. Nhưng hiện nay, kênh rạch đang bị lấn chiếm, ô nhiễm, rác thải ùn ứ nên không làm được vai trò tiêu thoát nước.
“Để kịp thời bảo vệ diện tích ao hồ tự nhiên ít ỏi còn lại, đầu năm 2023, UBND TPHCM đã công bố danh mục 8 ao hồ không được san lấp. Tôi cho rằng, đây là việc làm hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, không chỉ ao hồ mà kênh rạch cũng đang bị lấn chiếm vô tội vạ. Hậu quả là mỗi khi triều cường hay mưa lớn, thành phố lại bị ngập nặng. Để chống ngập hiệu quả, ngành chức năng cần cải tạo kênh rạch và mạnh tay xử lý tình trạng san lấp, lấn chiếm kênh rạch” - ông Lê Huy Bá nói.
|
Con đường dẫn vào 2 trường mầm non ở khu tái định cư cảng Phú Định (quận 8) bị ngập sâu trong sáng 22/2/2023 - Ảnh: S.V |
Ông Hoàng Việt - Quản lý Chương trình nước, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) - cho hay, tình trạng đô thị hóa, lấn chiếm sông ngòi khiến nước mưa không có lối thoát, gây ngập. Ngành chức năng TPHCM cần tính đến các giải pháp làm giảm lượng mưa xuống cống. Có thể khuyến khích việc xây dựng bể chứa nước mưa trong từng hộ, yêu cầu xây bể chứa nước mưa ngầm ở các công trình công cộng, hồ chứa nước mưa lớn cho từng vùng đô thị, đồng thời tăng cường việc thấm nước qua vỉa hè, tăng diện tích cây xanh trong nội thành.
Kỹ sư Vũ Hải đề nghị, ngoài những giải pháp trên, ngành chức năng cần thay thế các hố ga thu nước mưa hiện có bằng các hố ga ngăn rác ngăn mùi; thực hiện nhanh kế hoạch giải tỏa, di dời 20.000 căn nhà ổ chuột ven sông, kênh rạch; xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu đô thị mới chưa có cống thoát nước; nhanh chóng khảo sát hiện trạng và có kế hoạch, lộ trình thay thế các tuyến cống đã có từ thời Pháp (trên 150 năm)…
Chống ngập cần đi đôi với xử lý nước thải Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế, Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho rằng, việc xử lý nước thải và chống ngập có liên quan mật thiết với nhau. Để việc chống ngập đạt hiệu quả, cần phải tính đến việc xử lý nước thải. Ngành chức năng TPHCM nên thu gom nước thải theo từng vùng. Nếu xây các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thì cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để việc xử lý đạt hiệu quả. |
Nhóm phóng viên
Kiểm tra dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng Ngày 11/3, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã có buổi kiểm tra thực địa công trình thuộc dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Dự án này có kinh phí đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, khi hoàn thành sẽ kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM với tổng diện tích 750km2 - nơi có khoảng 6,5 triệu dân sinh sống. Dự án được khởi công từ năm 2016 nhưng đã phải tạm ngưng khoảng 2 năm qua do một số vướng mắc về mặt pháp lý, về giải ngân và quy trình vận hành. Hiện các hạng mục của dự án đã hoàn thành từ 85 - 97%. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (đơn vị thực hiện dự án) mong muốn các đơn vị chức năng của TPHCM tháo gỡ khó khăn để dự án này sớm hoàn thành. Ông Bùi Xuân Cường cho biết, sau chuyến khảo sát, UBND TPHCM sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể các vướng mắc để có hướng giải quyết. Thiên Ân |