PNO - TPHCM đang dần khống chế được đà lây lan dịch bệnh. Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã phỏng vấn nhiều chuyên gia kinh tế về cách thức “sống chung với dịch”, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc phục hồi kinh tế phải đặtdưới điều kiện kiểm soát được dịch bệnh, do đó cần tính đến bước mở cửa cho người dân trước, sau đó mới tới các doanh nghiệp (DN): “Không có dân thì không thể có nền kinh tế. Vì vậy, bên cạnh các tiêu chí cho người dân “vùng xanh”, “vùng vàng” được đi lại, Chính phủ phải hỗ trợ sinh kế cho họ để kích cầu, như hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong ít nhất sáu tháng tới cho người từ 18 tuổi trở lên. Nếu không, ít ra phải hỗ trợ cho những người thất nghiệp, người mất sức lao động, người tự kinh doanh bằng kinh tế vỉa hè. Đó là cách mở cửa nền kinh tế khả thi”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, bản chất gói an sinh xã hội cho người dân cũng là gói kích thích kinh tế để phục hồi hoạt động cơ bản cho xã hội chứ không đơn thuần chỉ là cứu trợ.
Các doanh nghiệp ngành may mặc đang đối mặt với khó khăn do thiếu hụt lao động sau khi khôi phục hoạt động trở lại (trong ảnh: Một dây chuyền của Công ty TNHH May mặc Dony - Q.Tân Bình, TPHCM) - Ảnh: Linh Linh
Với các DN, theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần có một số tiêu chí được định lượng và tỷ trọng hóa để phân loại và có chính sách phù hợp. Ví dụ, ưu tiên mở cửa trước đối với các DN đóng góp nhiều nhất cho ngân sách, cho sự phát triển của thành phố, có số lao động lớn nhất. Về các ngành nghề dịch vụ, cần chọn dịch vụ nào quan trọng nhất cho người dân, chẳng hạn như nhà hàng, quán ăn, quầy thực phẩm, tiệm cắt tóc... theo thứ tự ưu tiên. Việc phân loại như vậy giúp chúng ta có thể mở cửa từng phần, đặt dưới điều kiện là phải kiểm soát được dịch bệnh.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển đề xuất, cần quản lý, kiểm soát có trọng điểm, trọng tâm về phục hồi kinh tế lẫn kiểm soát dịch bệnh. Giải pháp đơn giản là nhanh chóng trở lại trạng thái kinh tế thị trường như trước. Ông cho rằng, các biện pháp chống dịch hiện nay đang khiến chi phí sản xuất tại chỗ và nhiều công đoạn khác - nhất là chi phí giao nhận, vận chuyển hàng hóa - tăng quá cao, buộc DN phải tăng giá bán trong khi người tiêu dùng lại giảm mua, dẫn tới hệ lụy là cả nền kinh tế ở trong trạng thái phòng thủ: “Đó là một vòng luẩn quẩn, suy thoái”.
Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, một số chính sách hỗ trợ DN đang được đề xuất có thể đi ngược lại quy luật thị trường. DN luôn thiếu vốn, thiếu thị trường, thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng chính DN phải tự giải quyết các vấn đề này, không ai làm thay được, kể cả lúc bình thường hay lúc có dịch bệnh. “Theo tôi, đây là cơ hội để Nhà nước mạnh mẽ bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng, quyết liệt chống gian thương, bảo đảm tuân thủ Luật DN và Luật Cạnh tranh. Việc giúp ngành này, DN này có thể tạo ra rào cản với ngành kia, DN kia và đi ngược lại cơ chế thị trường, có thể tạo ra một nhóm DN được ưu tiên, tạo ra cơ chế xin cho mới” - ông phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, vẫn cần xem xét hỗ trợ cụ thể về tài chính đối với một số lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, du lịch quốc tế vì đó là những ngành rơi vào khó khăn do chính sách chống dịch trong nước cũng như quốc tế.
“Đóng cửa” giúp hoàn thiện việc “mở cửa”
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa TPHCM - đề nghị kế hoạch mở cửa phục hồi kinh tế của TPHCM nên theo năm nguyên tắc: mở cửa theo mức độ rủi ro; không phân biệt đối xử; 100% người dân không đói; dựa trên cơ sở khoa học; minh bạch, công khai. Các nguyên tắc này rút ra từ bài học của việc “đóng cửa” phòng, chống dịch.
Cụ thể, mở cửa theo mức độ rủi ro nghĩa là phân theo mức độ rủi ro chấp nhận được và theo yếu tố con người (F0 đã lành bệnh, người đã tiêm hai mũi, một mũi vắc-xin) và theo không gian tiếp xúc (ngoài trời, trong nhà). Theo đó, các hoạt động diễn ra ngoài trời thông thoáng thì nên ưu tiên mở cửa, như chợ truyền thống ngoài trời, công viên, hoạt động thể thao ngoài trời. Không phân biệt đối xử bao gồm không phân biệt giữa tổ chức nhà nước và tư nhân, giữa các ngành nghề bởi chúng ta mở cửa theo mức độ rủi ro chứ không phải theo mức độ quan trọng của ngành nghề.
“Không nên nói chung chung là bảo đảm an sinh xã hội nữa mà nên xác định 100% dân không đói. Các quyết định, chính sách phải dựa trên khoa học chứ không phải tùy tiện, cảm tính, theo ý chí chính trị hay dư luận; các kế hoạch của UBND TPHCM cần có nền tảng thông tin khoa học khi trình bày cho công chúng. Cần công bố định kỳ mọi thông tin về an sinh xã hội, hiệu quả các giải pháp, các chính sách ưu tiên, các quỹ kêu gọi đóng góp mua vắc-xin, chăm lo cho người nghèo… Có công khai, minh bạch mới tạo được niềm tin, mới khai thông được nguồn lực chống dịch và phục hồi kinh tế” - tiến sĩ Vũ Thế Dũng phân tích về các nguyên tắc chống dịch mà ông đề xuất.
Dù thuộc nhóm sản xuất mặt hàng thiết yếu nhưng không phải công ty thực phẩm nào cũng có thể duy trì hoạt động trong dịch COVID-19 (trong ảnh: Sản xuất bánh bao tại Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Thọ Phát) - Ảnh: Linh Linh
Ngành bán lẻ đang bị tổn thương
Thạc sĩ kinh doanh quốc tế Lê Vũ Hoàng Nguyên cho biết, dịch bệnh khiến sức mua của thị trường giảm mạnh. Người dân không còn khoản dự trữ để chi tiêu, ảnh hưởng nặng nề đến các nhóm ngành bán lẻ có hệ thống cửa hàng đặt trong các trung tâm thương mại. Việc thương lượng điều chỉnh chi phí thuê mặt bằng đang là bài toán hóc búa với một số DN hoạt động theo mô hình chuỗi.
Ông kiến nghị: “Các thay đổi và chính sách hỗ trợ DN sau khi kết thúc biện pháp giãn cách xã hội cần được cụ thể hóa thành hành động và tạo thành một hệ sinh thái kết nối, bổ trợ nhau, như kiểm soát giá trần dịch vụ vận chuyển, giãn thời gian trả nợ và lãi suất cho DN, hỗ trợ chi phí thuê mướn mặt bằng, tạo điều kiện sản xuất… Mặc dù chính sách giảm lãi suất ngân hàng cho các nhóm nợ đang được đề cập đến nhưng DN không dễ tiếp cận chính sách bởi hệ thống giấy tờ và thẩm định khá phức tạp”.
Báo Phụ nữ TPHCM, ngân hàng BIDV phối hợp với Đảng ủy - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) trao quà tết cho các hoàn cảnh khó khăn.
Cầu Tân Kỳ Tân Quý, quận Bình Tân thông xe giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và từng bước hoàn thiện phát triển mạng lưới giao thông khu vực.