Đó là thông tin được Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi nêu tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình diễn biến dịch COVID -19 tại TPHCM chiều ngày 5/8.
Đánh giá về tình hình chống dịch trong mấy ngày qua, Phó Bí thư thường trực Phan Văn Mãi cho biết, TP nhận thấy ý thức tự chấp hành thực hiện của bà con nhân dân rất tốt, tinh thần trách nhiệm của cơ quan, các lực lượng phòng chống dịch, có sự chuyển biến tích cực.
Đến chiều ngày 4/8, thông tin từ phía Bộ Thông tin - Truyền thông, qua theo dõi việc quan sát di chuyển trên địa bàn TP từ 6g đến 18g, cơ quan chức năng đánh giá việc hạn chế ra đường được chấp hành tốt.
Bên cạnh việc chấp hành hạn chế ra đường, ý thức người dân, tinh thần tự quản của cộng đồng, nhiều nơi các chốt tự quản, các cộng đồng tự quản và nỗ lực xây dựng các “vùng xanh” ở các địa bàn rất tập trung và có kết quả. Khi người dân đã ý thức, tự thực hiện các biện pháp nhắc nhau, phân công trực chốt… Chính nỗ lực của người dân đã mang lại kết quả tốt đẹp cộng đồng nơi mình sinh sống. TP cũng đang theo dõi thúc đẩy để người dân tham gia mở rộng các địa bàn an toàn, mở rộng “vùng xanh”.
Ngoài ra, các hoạt động điều trị, hoạt động chăm lo đời sống cho người dân đã đi vào nền nếp, vận hành khá bài bản, giải quyết được nhiều vướng mắc, hạn chế.
|
Song song với công tác nâng năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân có triệu chứng, có triệu chứng nặng, TP sẽ đẩy nhanh tốc độ tiêm Vacxin cho người dân |
Về công tác phòng chống dịch trong thời gian sắp tới, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, có hai việc mà Ban chỉ đạo TP và các cấp đang rất lưu tâm, tập trung. Đó là công tác tiếp nhận và điều trị.
Càng ngày càng có đông người điều trị, càng ngày số chuyển nặng nhiều hơn, trong khi năng lực tiếp nhận, đội ngũ, cơ sở vật chất và trang thiết bị có giới hạn, tạo áp lực rất lớn. Ở đây, TP không chỉ tăng cơ học về nhân lực, cơ sở vật chất và thiết bị, mà TP đang tổ chức, phối hợp cho tốt hơn. Thậm chí, có những quy trình phải cải tiến, rút ngắn thời gian hơn... TP sẽ tiếp tục năng cao năng lực tiếp nhận và điều trị.
Thứ hai, do một thời gian dài thực hiện giãn cách, các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ dừng lại, nên nhiều người hai tháng nay không đi làm, không có thu nhập, tích lũy cạn dần nên tạo ra sức ép lên đời sống bà con. Việc này, TP huy động các nguồn lực và có thể thấy, TP chưa thiếu nguồn lực, làm sao phát hiện đầy đủ bà con ở khắp các nơi trên địa bàn TP có nhu cầu giúp đỡ chúng ta mang nguồn lực đến. Nhu cầu này càng ngày càng lớn, phải cập nhật, biết bà con ở đâu khó khăn để kịp thời giúp đỡ cho bà con.
Khi được hỏi TP giải thích gì về việc “đếm ca dương tính COVID -19 không còn ý nghĩa”, ông Phan Văn Mãi, Phó bí thư thường trực Thành ủy, khẳng định điều này không có nghĩa TP không quan tâm đến ca dương tính, không quan tâm đến ca mắc mới, không quan tâm đến biện pháp ngăn ngừa các ca mắc mới, mà càng triệt để hơn việc giãn cách để ngăn vùng lây. TP đặt vấn đề quan tâm nhiều hơn đến số ca cần điều trị, số ca nhiễm nặng, số ca có nguy cơ tử vong để tập trung nguồn lực, tập trung giải pháp để thực hiện mục tiêu điều trị, cứu người và đồng thời quan tâm đến số ca điều trị khỏi, xuất viện.
“Từ đây đến 15/8 và hết tháng 8 này, thì câu chuyện giãn cách, câu chuyện đảm bảo an toàn mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19 là những vấn đề TP tập trung làm quyết liệt, tập trung cao độ để đạt được kết quả cao nhất”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
Vẫn theo Phó bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi, chiều ngày 4/8, TP đã làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong 5 tầng điều trị COVID -19 của TP, thì tầng 3, tầng 4 đang chịu áp lực rất nhiều. Chuyển 3 bệnh viện từ tầng thu dung điều trị lên tầng điều trị, nâng tổng công suất tầng 3 lên 1000 giường. Song song đó, bên cạnh 4 bệnh viện tầng 5 đang triển khai, Bệnh viện điều trị COVID -19 Ung bướu 2 đã đạt 500 giường, đang khẩn trương nâng cấp thành 1000 giường để điều trị. Đây là tầng đòi hỏi nhân lực chất lượng cao, các dịch vụ điều trị đòi hỏi rất cao, TP vẫn đang huy động nhân lực và cả về thiết bị, bên cạnh việc Trung ương đang chỉ đạo thành lập 4 trung tâm hồi sức.
Các bệnh viện trên đang khẩn trương để cuối tuần này có thể nhận những bệnh nhân đầu tiên với quy mô 2000 giường bệnh, cộng thêm việc mở rộng quy mô ở Bệnh viện điều trị COVID -19 Ung bướu 2 lên 1000 giường, TP sẽ nâng năng lực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân ở tầng 5, bên cạnh mở rộng năng lực điều trị, tiếp nhận bệnh nhân ở tầng 3 và tầng 4.
Liên quan đến tình hình tiêm vắc xin, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ đầu đợt 5 đến nay, đã tiêm được 1.301.663 người, riêng ngày 4/8, đã có 84.526 người được tiêm, có 501 trường hợp có phản ứng nhẹ, không có trường hợp phản ứng nặng. Riêng đối với đối tượng trên 65 tuổi và bị bệnh nền, đã tiêm 207.297 người. Tốc độ tiêm trong các ngày gần đây luôn tăng dần. TP hiện có gần 700.000 liều vắc xin sẽ thực hiện tiêm cho người dân.
Về công tác chăm lo cho đối tượng nghèo, sau khi đã hoàn thành chi trả đợt 1, TP tiếp tục gói chi trả hỗ trợ đợt 2 cho người lao động tự do bị khó khăn do COVID -19. Đợt 2 này sẽ thực hiện trong 30 ngày với hỗ trợ như sau: hỗ trợ 1 lần mức 1,5 triệu/người với số lao động tự do thống kê 334.192 người, kinh phí hỗ trợ hơn 501 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách TP.
Thứ hai hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ đang sinh sống ở trọ, khu lao động nghèo… mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ (hỗ trợ 1 lần). Trong đó, ngân sách TP hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ, nguồn kinh phí hoạt động xã hội hóa của MTTQ VN TP là 500.000 đồng/hộ. Dự kiến sẽ có 90.585 hộ được hưởng chính sách này. Số lượng hộ gia đình trong khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong tỏa dự kiến có 170.000 hộ, dự toán kinh phí hỗ trợ hơn 390 tỉ đồng.
Hoài An