TPHCM muốn xây dựng đề án mới thu hút, giữ chân giáo viên tiểu học

07/02/2023 - 14:02

PNO - Sở GD-ĐT TPHCM đang lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học, trình HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết hỗ trợ giáo viên tiểu học thành phố.

TPHCM đang lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học, trình HĐND TPHCM xây dựng Nghị quyết hỗ trợ giáo viên tiểu học, tương tự như các Nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non thành phố đã được thông qua
TPHCM đang lấy ý kiến xây dựng Đề án thu hút giáo viên tiểu học

Sáng 7/2, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức hội nghị Góp ý dự thảo đề án thu hút giáo viên tiểu học, nhằm tháo gỡ hàng loạt các khó khăn của giáo dục tiểu học thành phố nhiều năm qua, nhất là khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, dựa trên nhu cầu thực tế của ngành. Đề án sau khi hoàn thiện, sẽ được Sở GD-ĐT TPHCM trình HĐND TPHCM để thông qua Nghị quyết hỗ trợ giáo viên tiểu học thành phố. 

Ông Lê Hoài Nam nhấn mạnh điều quan trọng nhất để giữ chân, thu hút giáo viên tiểu học là sự hỗ trợ về tài chính. Hiện nay, Luật Giáo dục quy định không thu học phí bậc tiểu học, song khi cấp ngân sách thì bậc tiểu học lại ngang các bậc học khác, trong khi các bậc học khác lại được thu học phí. Đây là điều chưa hợp lý. Do vậy giải pháp cần thiết là cần thiết phải hỗ trợ cấp bù học phí ở bậc tiểu học. 

Ngoài ra, Chương trình GDPT 2018 quy định bắt buộc tiểu học học 2 buổi/ngày, như vậy không được thu phí buổi 2, gây khó khăn cho các nhà trường; thực trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc do đời sống khó khăn, vì thế cần thiết phải có các chế độ thu hút giáo viên. “Theo thống kê hiện nay thu nhập bình quân tại TPHCM là 6,2 triệu đồng/người. Thu nhập trong năm đầu tiên của giáo viên mới ra trường là 3,3 triệu đồng/người, trong khi chi phí tối thiểu bình quân mỗi người trên địa bàn thành phố là 3,9 triệu đồng/người, như vậy không đủ để đảm bảo đời sống tối thiểu của giáo viên, cần thiết phải có chính sách hỗ trợ giáo viên mới ra trường…”, ông Lê Hoài Nam phân tích.

Ông Nam khẳng định, với mục tiêu thu hút đội ngũ giáo viên tiểu học để cống hiến, đóng góp thì việc xây dựng chế độ chính sách thu hút đội ngũ là hết sức cần thiết song phải hợp lý. "Để xây dựng được chế độ cần có cơ sở pháp lý, nhu cầu thực tế, khó khăn thực tế mới xây dựng được chính sách phù hợp đảm bảo. Việc xây dựng được đề án sẽ bổ sung các chế độ chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, nhất là trong giai đoạn thực hiện Chương trình GDPT 2018”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, dự thảo đề án sẽ được lấy ý kiến nhiều lần, bám sát thực tế của ngành. Sau khi hoàn thiện sẽ được Sở GD-ĐT trình HĐND TPHCM để xin Nghị quyết hỗ trợ, tương tự như các nghị quyết hỗ trợ giáo viên mầm non đã được TPHCM thực hiện trong thời gian qua.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho rằng quan trọng nhất thu hút, giữ chân giáo viên tiểu học là hỗ trợ về tài chính
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho rằng quan trọng nhất để thu hút, giữ chân giáo viên tiểu học là hỗ trợ về tài chính

Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng - Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM báo cáo, tính đến ngày 22/12/2022, quy mô giáo dục tiểu học TPHCM trong năm học 2022-2023 là 663.426 học sinh. Số phòng học là 17.197, số giáo viên là 24.789.

Căn cứ điều lệ trường tiểu học 35 học sinh/lớp thì thành phố phải cấn đến 18.955 lớp học, tương đương với 18.955 phòng học; số lượng giáo viên tiểu học căn cứ theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp thì thành phố cần đến 28.432 giáo viên. Như vậy, hiện thành phố còn thiếu 1.758 lớp học, phòng học và thiếu 3.643 giáo viên. 

“Do số lượng giáo viên còn thiếu là 3.643 giáo viên, tương đương với 12,8% số lượng giáo viên cần có. Điều này có nghĩa là mỗi giáo viên hiện nay phải choàng gánh công việc nhiều hơn 12,8% so với số lượng công việc thực tế mà họ chỉ đảm nhiệm”, ông Hoàng nhận định.

Bên cạnh đó, trong 3 năm học gần đây từ năm học 2020-2021 đến nay, giáo dục tiểu học thành phố còn có 219 cán bộ quản lý và 2.483 giáo viên rời khỏi ngành giáo dục. Trong đó, một phần nghỉ do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng nặng nề, một phần khác rời khỏi ngành vì đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.

TPHCM thiếu rất nhiều giáo viên tiểu học, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018
TPHCM thiếu rất nhiều giáo viên tiểu học, đặc biệt khi thực hiện Chương trình GDPT 2018

Đại diện Phòng Giáo dục tiểu học thông tin, căn cứ vào dữ liệu, số lượng giáo viên nhiều môn trong ba năm qua được tuyển dụng gần đủ với nhu cầu tuyển dụng. Các giáo viên còn lại số lượng tuyển thiếu nhiều so với nhu cầu, đặc biệt là giáo viên mỹ thuật, tin học và tổng phụ trách hàng năm số lượng tuyển dụng được chỉ xấp xỉ bằng 10% so với nhu cầu cần tuyển.

Nhu cầu tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ rất cao, chỉ đứng sau nhu cầu tuyển dụng giáo viên nhiều môn, tuy nhiên số lượng giáo viên ngoại ngữ tuyển dụng được chỉ đạt được xấp xỉ 25% so với nhu cầu, do đó, tình trạng thiếu hụt giáo viên ngoại ngữ vẫn còn là một vấn đề cần lưu ý.

Trong khi đó, số liệu sinh viên được đào tạo và tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm TPHCM trong ba năm từ 2020- 2022, tổng số giáo viên tốt nghiệp là 1.231 giáo viên, trong đó có 400 giáo viên có nơi sinh tại TPHCM. Số liệu này cho thấy nguồn giáo viên đào tạo từ ĐH Sư phạm TPHCM là không đủ để cung cấp cho nhu cầu tuyển dụng hiện nay của thành phố. Chỉ riêng nhu cầu năm 2022-2023 đã là 1.166 giáo viên, chỉ tuyển được 662 giáo viên.

Quốc Trung 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI