TPHCM muốn dùng “60 ngày vàng” để kéo người dân mua sắm trở lại

28/06/2020 - 13:19

PNO - Cho phép doanh nghiệp khuyến mãi 100% trong tháng 6 và 7/2020 để giải phóng hàng tồn, được Sở Công thương TPHCM xem là cách để các nhà sản xuất, bán lẻ phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, đã có những nghi ngại về chất lượng của chương trình khuyến mãi.

Cuối tuần qua, Sở Công thương TPHCM công bố chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi năm 2020” diễn ra từ ngày 1/6 đến 30/7/2020. Đây là năm đầu tiên TPHCM cho phép doanh nghiệp khuyến mãi (KM) 100% và kéo dài 60 ngày, thay vì 30 ngày như trước. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết,  tùy mỗi doanh nghiệp có thể chọn thời điểm và thời gian KM phù hợp, miễn là đáp ứng các tiêu chí chương trình yêu cầu. Doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; có đầy đủ giấy tờ theo quy định…

Rất nhiều doanh nghiệp dù mạnh tay khuyến mãi nhưng vẫn không thu hút được khách
Rất nhiều doanh nghiệp dù mạnh tay khuyến mãi nhưng vẫn không thu hút được khách

Tuy nhiên, dù hôm nay (1/6) bắt đầu chương trình nhưng vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó phòng Xuất nhập khẩu Sở Công thương TPHCM, cho hay, sở đã làm việc với hơn 20 đơn vị (siêu thị, trung tâm thương mại, trang thương mại điện tử), hầu như các đơn vị đều cam kết tham gia, có thể có độ trễ 5-7 ngày để chuẩn bị.

Ghi nhận thực tế cho thấy, từ sau Tết đến nay, các đơn vị kinh doanh buôn bán ế ẩm, sức mua giảm mạnh. Để thu hút khách, đẩy hàng tồn, hầu hết trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, các trang thương mại điện tử đều đã áp dụng mức KM “khủng”, vượt cả quy định (giảm giá không quá 50%) nhưng khách vẫn đìu hiu, nhất là lĩnh vực quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm…

Chẳng hạn, tại hệ thống cửa hàng thời trang Labella, sau khi triển khai chương trình “mua 2 tặng 2” đã tiếp tục giảm giá sâu hơn “mua 1 tặng 3”. Thế nhưng, ghi nhận tại chi nhánh của hệ thống trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), lượng khách vẫn thưa thớt. Một trong những lý do là phần lớn sản phẩm được KM là hàng tồn kho, mẫu cũ từ năm ngoái; chưa kể không ít sản phẩm bị bung khuy, rớt nút, mặt vải bị xù lông… Bên cạnh đó, giá một chiếc đầm không dưới 1 triệu đồng, sau khi giảm, giá trung bình là 400.000 đồng/sản phẩm. Đây không phải là mức giá rẻ để thu hút người mua. 

Tương tự, hệ thống cửa hàng thời trang Elise cũng áp dụng “mua 1 tặng 1”, hay hãng thời trang Ivy Moda “giảm giá 50% cho hóa đơn khi mua hai sản phẩm trở lên”, nhưng giá một sản phẩm trung bình cũng trên 1 triệu đồng. Tại các trung tâm thương mại lớn cũng thường xuyên giảm giá 50%, “mua 1 tặng 1” nhưng vẫn vắng khách… 

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TPHCM, dù Nhà nước cho phép doanh nghiệp KM tới 100% nhưng nếu doanh nghiệp áp dụng đúng mức giảm giá này thì họ lấy gì để cứu mình? Người tiêu dùng sẽ hoài nghi về KM, về giá thật của sản phẩm khi đã từng có tình trạng cửa hàng nâng giá lên rồi giảm giá bị phát hiện. “Để kích cầu tiêu dùng hiệu quả, doanh nghiệp phải thực hiện KM đúng, nói sao làm vậy và tập trung vào các sản phẩm đang có nhu cầu. Đồng thời, cơ quan quản lý phải giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng KM gian dối”, luật gia Thu 
nhấn mạnh. 
Đặt vấn đề trên với Sở Công thương TPHCM, ông Hiếu thừa nhận “đây là căn bệnh kinh niên, từ lúc có KM đến giờ đều xảy ra tình trạng gian dối, cửa hàng nâng giá lên rồi giảm giá”. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, sở đã gửi văn bản đến quản lý thị trường, cục thuế, UBND quận, huyện để triển khai phối hợp hỗ trợ giám sát tình trạng này và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI