TPHCM "mù trời" do ô nhiễm khí thải xe máy?

18/12/2020 - 08:10

PNO - Những ngày qua, hiện tượng “mù trời” lại tái diễn ở TPHCM, cho thấy chất lượng không khí có vấn đề. Theo các chuyên gia, phương tiện giao thông là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị.

Sở Giao thông Vận tải (GT-VT) TPHCM vừa hoàn tất dự thảo “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”, trong đó nêu chỉ tiêu giảm 60.000 tấn khí thải độc hại/năm.

Xe cũ vẫn đua nhau xả khói trên đường

Chiều 16/12, trong vai công nhân cần tìm xe máy cũ đi làm, chúng tôi đến “phố xe cũ” ở ngã tư Phú Nhuận. Nơi đây từ lâu được biết đến là chợ xe máy cũ, giá rất phù hợp với túi tiền của người có thu nhập thấp. Khi biết chúng tôi chỉ có 3 triệu đồng, người bán hàng tên Đức nói: “Tầm tiền đó chỉ mua được xe “phế” thôi. Anh có con Wave Trung Quốc, giá ba triệu. Chiếc xe này anh làm lại hết rồi, em chỉ mua rồi chạy thôi”.

Những chiếc xe hết “đát” lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông - Ảnh: Sơn Vinh
Những chiếc xe hết “đát” lưu thông trên đường gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông - Ảnh: Sơn Vinh

Thuật ngữ xe “phế” mà ông Đức nhắc đến là những chiếc xe đã rất cũ, được bán với giá rẻ. Những người buôn xe máy cũ thường “săn” những chiếc xe này, tân trang lại, bán với “giá công nhân”. Như chiếc xe ông Đức dự định bán cho chúng tôi, “dàn áo” đã cũ, có nhiều vết nứt, đồng hồ hiển thị các chỉ số cũng không còn hoạt động. Khi thử xe, khói thải ra có mùi khét rất khó chịu. Ông Đức trấn an: “Do để lâu chưa thay nhớt mới nên khói thải ra có mùi khét vậy đó. Vô bình nhớt mới là êm ru liền hà”.

Tại một số khu vực bán xe máy cũ khác như ngã tư An Sương (huyện Hóc Môn), đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân), có rất nhiều xe máy đã cũ, giá chỉ 2-4 triệu đồng/chiếc. Hằng ngày, có rất đông người đến xem hàng. Những chiếc xe này thường theo kiểu “đưa cà vẹt, sang tay”. Ông Hồ Văn Trung (quận Bình Tân) phân trần: “Tôi đi làm thợ hồ, ở trọ, đâu cần sắm xe tốt làm gì. Chiếc Honda Dream tôi mua hai triệu, chạy ba năm rồi mà vẫn còn cày được”.

Có cầu ắt sẽ có cung. Những chiếc xe máy hết “đát” được bán với giá rẻ bèo hằng ngày vẫn hiên ngang lưu thông trên đường, bức hại môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Tại TPHCM, khu vực “chứa chấp” nhiều xe hết “đát” nhất có lẽ là khu Chợ Lớn (quận 5, quận 6). Ở đây, xe cũ thường được “độ” lại với kích thước dài hơn, phuộc nhún chắc chắn hơn để tiện chở hàng cồng kềnh.

Chạy một đoạn ngắn trên đường Phan Văn Khỏe, quận 5, chúng tôi bắt gặp hơn 30 chiếc xe hết “đát” được dựng la liệt dọc đường để chuẩn bị chở hàng. Có những chiếc xe được “độ” lại bằng phụ tùng của bốn, năm chiếc xe, phần pô xe bị “móc” để xe mạnh hơn, có thể chở được nhiều tạ hàng.

Một sáng giữa tháng 12/2020, khi bầu trời bị màn “sương” mờ đục bao phủ, giao thông tại ngã tư Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp đang ùn tắc, mọi người phải ná thở hứng làn khói mù mịt từ một chiếc xe Honda Cub 78 cũ bốc ra. Có vẻ như sợ chiếc xe tắt máy, người đàn ông cứ giữ chặt tay ga khiến tiếng máy nổ lạch bạch, khói từ ống pô tỏa ra khét lẹt. Nhiều người hứng khói phải quay mặt, tỏ vẻ khó chịu. Phải mất khoảng năm phút, khi hết ùn tắc, những người bị mắc kẹt gần chiếc xe máy cũ mới thoát khỏi đám khói mù, khét lẹt.

Xe máy xả 90% lượng khí độc hại khi lưu thông 

Đến tháng 9/2020, TPHCM có hơn 7,4 triệu xe máy (chiếm 93% tổng lượng xe tại TPHCM), chưa kể xe vãng lai. Khí CO (cacbon monoxit) và HC (hydrocarbon) có hại cho sức khỏe phát ra từ xe máy hiện chiếm 90% tổng lượng khí CO và HC do các loại xe cơ giới thải ra tại TPHCM. “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” tính toán khi áp dụng kiểm soát, mỗi năm thành phố giảm hơn 56.000 tấn khí CO, 4.400 tấn HC thải ra môi trường.

Nhiều chuyên gia cho biết, trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa phát triển tương xứng với số dân tập trung, mạng lưới xe buýt công cộng còn nhiều bất cập và hạn chế, xe máy vẫn là phương tiện đi lại chính của 85% cư dân đô thị. Chị Hà Thị Minh Thư (quận Bình Tân) cho biết, nhà chị có năm người, ở trong nhà trọ rộng chừng 25m2 nhưng có đến bốn chiếc xe máy. Đêm đến, cả bốn chiếc xe máy đều được dắt vào phòng, toàn bộ người nhà ngủ trên gác. Nhà trọ đóng kín cửa, mùi xăng, mùi khói thải bốc lên rất khó chịu nhưng gia đình chị không còn cách nào khác, vì ai cũng cần xe riêng để đi học, đi làm thuận tiện.

Tại nhiều bến xe ở TPHCM, tình trạng quá tải bãi giữ xe máy vẫn diễn ra thường ngày. Vào dịp cuối năm, tình trạng xe hết “đát” không có người nhận luôn là bài toán đau đầu cơ quan chức năng. Để xử lý, đơn vị quản lý bãi xe phải ghi lại số khung, số máy để nhờ cơ quan chức năng xem có liên quan đến vụ án trộm cắp hay không, sau đó mới đăng thông tin tìm kiếm chủ phương tiện trên truyền thông. Sau một năm đăng tải thông tin, nếu không có người đến nhận, mới tính đến thủ tục thanh lý xe.

Xe máy cũ thường xả khói mù mị t khi tham gia lưu thông ẢNH: H.N.
Xe máy cũ thường xả khói mù mịt khi tham gia lưu thông - Ảnh: H.N.

Một cán bộ cảnh sát giao thông chia sẻ: “Đa phần những xe bị bỏ lại ở các bãi xe đều đã quá cũ, có xe không thể xài được. Có nhiều phương tiện không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, nếu có đóng phạt, lấy xe ra, tham gia giao thông thì cũng bị phạt tiếp nên thông thường người vi phạm sẽ bỏ. Với loại xe chở hàng mà người ta thường gọi là xe “mù”, kết cấu còn không đảm bảo, huống hồ là quy chuẩn về khí thải”.

Kiểm soát khí thải xe máy ra sao?

Liên quan đến khí thải xe máy, Sở GT-VT TPHCM vừa đưa ra dự thảo “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”. Để có cơ sở xây dựng đề án, sở đã phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam kiểm tra, đo khí thải xe máy ở các quận 1, 3, Phú Nhuận và Tân Bình. Sau 6 tháng, hơn 10.600 xe được kiểm tra, phần lớn xe sau 5 năm sử dụng không đạt chuẩn khí thải.
Theo dự thảo đề án, năm 2021, TPHCM sẽ ban hành quy định kiểm định khí thải xe máy, xây dựng 88 trạm kiểm định; giai đoạn thử nghiệm (2022-2023), sẽ kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy để xây dựng cơ sở dữ liệu và thu phí kiểm định mỗi xe 50.000 đồng/năm, người nghèo, cận nghèo được xem xét miễn phí kiểm định.
Trong giai đoạn 2024-2025, TPHCM đầu tư thêm 78 trạm kiểm định, mở rộng khu vực cần đạt chuẩn khí thải gồm các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình. Từ năm 2026 trở đi, mức chuẩn được nâng lên và mở rộng kiểm soát ở 13 quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp.

Về kinh phí, ban đầu, TPHCM chi khoảng 200 tỷ đồng đầu tư, sau đó thu 50.000 đồng mỗi xe thì đến năm 2023, sẽ thu hồi vốn. Từ năm 2024 trở đi, TPHCM sẽ dùng nguồn thu từ kiểm định để duy trì việc kiểm soát khí thải.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách Khoa TPHCM) cho biết, việc kiểm soát khí thải xe máy là rất cần thiết. Tuy nhiên, số liệu trong đề án của Sở GT-VT chưa thể hiện tính khả thi trong thực hiện, như: số mẫu kiểm tra còn quá thấp (1.000 chiếc) và tỷ lệ qua kiểm tra chỉ vượt mức khí thải theo quy định 3%. Nếu đây là số liệu đúng thì không có gì băn khoăn, người dân duy tu, bảo dưỡng, sẽ đạt yêu cầu nên không cần yêu cầu các nhà sản xuất xe máy phải thực hiện các biện pháp giảm khí thải và không cần phải lập đề án này. 

“Nếu thực hiện đề án của Sở GT-VT TPHCM, nhóm nghiên cứu cần khảo sát và đánh giá lại số liệu, cần tiệm cận với thực tế, mới khả thi. Việc kiểm soát khí thải rất tốn kém nhưng sở chỉ mới tính toán sử dụng kinh phí của Nhà nước và người dân là không khả thi; cần tính đến giải pháp yêu cầu nhà sản xuất, kinh doanh xe máy, ô tô cùng thực hiện” - ông Phạm Xuân Mai đề xuất.

Kỹ sư Trần Thiện Tứ - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TPHCM nhận định, việc kiểm soát khí thải xe máy để kiểm soát ô nhiễm môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần đưa cả số lượng xe quân đội vào đề án. Ngoài ra, đề án nêu yêu cầu xe dùng 5 năm phải đăng kiểm là chưa khoa học vì mỗi bộ máy có cách vận hành riêng, thậm chí mua xe xong thì không sử dụng. 

TP.HCM có hơn 7,4 triệu xe máy, là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn - Ảnh: Đỗ Minh
TPHCM có hơn 7,4 triệu xe máy, là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn - Ảnh: Đỗ Minh

Ông Đỗ Văn Chung - Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân - cho rằng khi kiểm soát khí thải xe máy, người nghèo sẽ chịu tác động lớn do chủ yếu sử dụng xe cũ. Việc đóng phí kiểm định tạo thêm gánh nặng, gây xáo trộn đời sống của họ. Ông cũng cho rằng, với hàng triệu xe máy như hiện nay, việc lập vài trăm cơ sở kiểm định như dự thảo đề án là chưa hợp lý.

Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch thường trực Hội Cầu Đường Cảng TPHCM, Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM - cho biết về chủ trương, kiểm soát khí thải xe máy là cần thiết. Tuy nhiên, Sở GT-VT TPHCM cần nghiên cứu cả đề án tổng thể về hạn chế phương tiện cá nhân và tăng cường phương tiện vận tải công cộng để hoàn chỉnh đề án này, cũng như phù hợp thực tế.

“Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, đến năm 2030 khu trung tâm TPHCM sẽ không còn xe máy nữa. Khi hết xe máy rồi thì việc phát khí thải sẽ như thế nào? Vì vậy, phải nghiên cứu các đề án tổng thể đó để đề xuất đề án kiểm soát khí thải cho phù hợp với thời gian, tránh lãng phí và tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân” - ông Hà Ngọc Trường nói. 

Nhiều điểm cần bổ sung vào đề án kiểm soát khí thải

Sau hội nghị phản biện ngày 8/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM vừa có văn bản tổng hợp các góp ý, phản biện liên quan đến “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố” gửi UBND TPHCM và Sở GT-VT TPHCM. Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị cơ quan chức năng quan tâm một số nội dung sau:
- Cần bổ sung các số liệu mang tính cơ sở khoa học thực tiễn, pháp lý theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật hiện hành trong quá trình thực hiện, để làm tăng độ tin cậy của đề án cũng như triển khai thực hiện hiệu quả.
- Cần làm rõ mục tiêu, tác hại về ô nhiễm môi trường của xe máy đối với sức khỏe của người dân. Cần quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của người dân, của doanh nghiệp có liên quan trong đề án, mức thu phí và việc sử dụng đội ngũ nhân viên để thực hiện đề án.
- Cần đánh giá tác động đến văn hóa xã hội, đời sống của người dân như: việc kiểm định xe máy, kinh phí kiểm định, bảo hành bảo dưỡng xe, tính hợp lý khi thu phí với từng loại đối tượng.
- Việc sử dụng các nguồn thu phù hợp, bổ trợ cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông công cộng, tiến tới sử dụng phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch và thân thiện với môi trường. 

Hoàng Lâm


 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • dân quê 18-12-2020 08:34:54

    Ngày xưa đi xe gắn máy chỉ 50cc nhưng bắt buộc: 1/ Xe phải gắn ống hãm thanh và xã khói. 2/ 1/3 đèn xe phải sơn màu vàng để chống lóa cho xe chạy ngược chiều. Những quy định giản đơn nhưng bảo vệ môi trường hữu hiệu nhưng không hiểu sao không sử dụng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI