TPHCM: Một số nơi chậm trễ chi hỗ trợ đợt 3

21/10/2021 - 17:27

PNO - Hiện tại, TPHCM có 17 quận, huyện chi trả trên 80%, còn 1 số địa phương chậm chi trả do địa bàn cư dân đông, nhỏ lẻ, phong tỏa,...

Các địa phương phải rà soát lại không bỏ sót người dân ảnh hưởng dịch COVID-19
Các địa phương phải rà soát lại không bỏ sót người dân ảnh hưởng dịch COVID-19

Chiều 21/10, tại cuộc họp báo thông tin về phòng, chống COVID-19 TPHCM, nói về gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội (LĐ-TBXH) TPHCM cho biết hiện có 17 quận, huyện chi trả trên 80%, chỉ còn một số địa phương chậm chi trả do địa bàn cư dân đông, nhỏ lẻ, phong tỏa, một số người vẫn đang điều trị tại các bệnh viện... 

"Tuy nhiên, với tiến độ này, các địa phương cam kết sẽ hoàn thành hỗ trợ theo chỉ đạo của UBND TPHCM", ông Lâm nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên trước tình trạng vẫn còn có người dân phản ánh chưa nhận được tiền hỗ trợ đợt 1 mặc dù đến nay TPHCM đang sắp kết thúc gói hỗ trợ đợt 3, Sở LĐ-TBXH TPHCM cho biết mặc dù đã rất cố gắng nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự chậm trễ, cũng có thể các địa phương sót tên người dân. Về vấn đề này, các đơn vị liên quan sẽ rà soát lại để không bỏ sót người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Về việc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do COVID-19, ông Lâm cho biết, TPHCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 8 cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ. Bên cạnh đó, ngoài cộng đồng có 56 cơ sở nuôi dạy trẻ và 35 mái ấm nhà mở có thể hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ không may mồ côi cha mẹ, người thân do COVID-19.

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết đến nay lượng hàng hóa đưa về TPHCM, các điểm tập kết trung chuyển tăng lên mỗi ngày. "Trước đó ngày 1/10, có gần 1.000 tấn/ngày hiện tăng lên 1.800 tấn/ngày", ông Tú nói.

Ông Tú cho biết thêm, hiện tại TPHCM có 96/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Tuy nhiên vẫn còn 4 quận, huyện chưa mở chợ truyền thống nào vì lý do an toàn trong phòng, chống COVID-19. Ông Tú chia sẻ: "4 quận huyện này cần phải đánh giá và phải đảm bảo an toàn từng bước khi mở lại. Trong điều kiện chưa mở lại chợ truyền thống, các địa phương tuyệt đối không để phát sinh chợ tự phát vì sẽ ảnh hưởng đến an toàn phòng, chống dịch cũng như an toàn thực phẩm".

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI