|
Điểm cầu TPHCM dự Hội nghị |
Thời gian qua TPHCM cũng đã chủ động và khẩn trương phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Nghị quyết 131 về tổ chức Chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết 111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM vừa được Quốc hội thông qua có vai trò quan trọng, là kết quả việc phát huy truyền thống năng động, sáng tạo và sự kiên trì đeo bám, mạnh dạn đề xuất vì sự phát triển chung của TP mang tên Bác.
Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 54 của Quốc hội, Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành trung ương sớm có hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi tiến hành cổ phần hóa để TP kịp thời triển khai công tác cổ phần hóa theo kế hoạch đã đề ra. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ kê khai, phê duyệt, phương án thực hiện sắp xếp lại xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước của các bộ ngành, các tập đoàn, tổng Công ty Nhà nước đóng trên địa bàn TPHCM để TP có thêm nguồn lực đầu tư cho phát triển.
|
Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội nghị |
Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TPHCM sẽ nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ những tháng đầu năm để tạo đà hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của năm 2021 mà Chính phủ đã khẳng định, TPHCM xác định Chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng Chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với mục tiêu đặt ra là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: tập trung kiểm soát tốt lây nhiễm COVID-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, các lĩnh vực.
Trong đó, huy động hiệu quả mọi nguồn lực không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh; nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội.
TP đã dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 với 20 chỉ tiêu và 9 nội dung trọng tâm. Trong đó, GRDP phấn đấu đạt từ 6% trở lên, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD/người; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP đạt trên 42%; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,7%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 5,7%/năm…
Điểm lại năm 2020, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp, sự đồng lòng của người dân đã góp phần đưa kinh tế TPHCM vượt qua giai đoạn khó khăn và có nhiều điểm sáng tích cực. Trong đó, việc phục hồi kinh tế đạt kết quả đáng ghi nhận khi tăng trưởng 1,39% so với cùng kỳ (không để tăng trưởng GRDP âm), cả 3 khu vực dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ; TP có 40.000 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 1 triệu tỷ đồng; có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21% so với cùng kỳ...
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng đã báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2020 với những điểm nhấn như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 3,98%, quy mô nền kinh tế trên 44 tỷ USD, thu ngân sách ước khoảng 280.000 tỷ đồng (tăng 3,9% so với năm 2019). Năm 2021. TP. Hà Nội đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về việc triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Điều 89, Luật Đầu tư công. Về Quy hoạch Hà Nội 10 năm 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 liên quan đến bố trí vốn, thẩm định dự toán, kiến nghị Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 97 của Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội…
Tam Bình