|
Hiện chưa tới 50% tuyến đường ở TPHCM có tuyến xe buýt - Ảnh: Sơn Vinh |
“Lơ” xe buýt vì ngại đi bộ xa
Những ngày đầu năm âm lịch, trên xe buýt của anh Nguyễn Thạnh (P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức) chỉ có lưa thưa vài vị khách lớn tuổi. Anh Thạnh buồn bã phân trần: “Học sinh đi học thì còn vớt vát được chứ chạy mùa này thì khó mà đủ vốn. Khách đi xe buýt ngày càng ít, gặp mùa dịch bệnh lại càng bết bát”.
Hơn mười năm sống chết với nghề xe buýt, anh Thạnh cho rằng, bây giờ, lượng khách chủ yếu của xe buýt là học sinh, sinh viên. Người dân không mấy mặn mà với xe buýt vì không thuận tiện. “Tôi là dân kinh doanh xe buýt nhưng không đi xe buýt vì đường qua nhà tôi rộng chỉ có mấy mét, không có xe buýt chạy qua; muốn đi xe buýt, phải lội bộ ra đường lớn khá xa” - anh chia sẻ.
Khi được hỏi về loại xe buýt mini (xe buýt từ 12-17 chỗ ngồi), anh Thạnh cho rằng, nếu đưa loại xe buýt này vào hoạt động, chắc chắn sẽ thu hút được thêm rất nhiều hành khách, nhất là trong bối cảnh tuyến metro số 1 đang chuẩn bị đi vào hoạt động. Tuy nhiên, phải có chính sách rõ ràng, mới thu hút người dân đầu tư vào loại hình xe buýt này.
Trên thực tế, xe buýt 12 chỗ đã từng xuất hiện ở TPHCM khoảng 20 năm trước. Khi đó, được chính quyền “bật đèn xanh”, một số hợp tác xã vận tải đã mua xe tải nhỏ cải tạo thành xe buýt 12 chỗ. Lúc đỉnh điểm, có hàng trăm chiếc xe buýt loại này hoạt động. Tuy nhiên, loại hình xe buýt này sau đó đã bị khai tử bởi quy định xe buýt phải từ 17 chỗ trở lên.
Làm việc văn phòng theo giờ cố định, anh Trần Văn Thành (40 tuổi, trú P.Thạnh Lộc, Q.12) rất muốn đi làm bằng xe buýt nhưng không thể do nhà cách trạm xe buýt hơn 10 phút đi bộ. Anh Thành nói: “Trời nắng, mình có thể đi bộ ra trạm xe buýt, xem như là tập thể dục. Nhưng gặp trời mưa thì thua, vì giày lấm lem bùn đất, không thể đến chỗ làm. Tôi nghĩ, thành phố cần đầu tư xe buýt lớn ở đường lớn, xe buýt nhỏ luồn vào hẻm, mới mong kéo được hành khách”.
Hiện TPHCM đang có 2.322 xe buýt tham gia hoạt động trên 137 tuyến. Có thể phân chia xe buýt ở TPHCM thành hai loại: cỡ nhỏ có sức chứa từ 17-40 hành khách, cỡ lớn từ 41-60 hành khách. Hầu hết các tuyến xe buýt được bố trí ở các đường lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm thành phố (chiếm khoảng 67%). Mật độ mạng lưới tuyến xe buýt có trợ giá khoảng 1km/km2, vẫn còn rất thấp so với trị số chuẩn (2-2,5km/km2). Điều này cho thấy, khả năng tiếp cận cư dân của xe buýt chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu.
Xe buýt hiện nay chủ yếu hoạt động trên các tuyến đường rộng tối thiểu 10m. Nhưng, số tuyến đường có kích thước như trên chỉ chiếm chưa đầy 50% mạng lưới đường bộ của TPHCM, dẫn đến việc người dân không lựa chọn đi xe buýt do quá bất tiện.
Thêm vào đó, TPHCM hình thành khá nhiều khu dân cư mới, có quy mô dân số rất lớn, có khu lên đến hàng chục ngàn người nhưng không thấy bóng dáng phương tiện giao thông công cộng (GTCC). Chị Trần Thị Hằng - ở chung cư Ehome 3, P.An Lạc, Q.Bình Tân - cho biết, từ chung cư, muốn ra đường lớn (Hồ Học Lãm) để bắt xe buýt, phải đi bộ hơn 10 phút nên hầu như không ai đi xe buýt. Trong khi đó, toàn khu chung cư của chị có hơn 10.000 người. Nếu phát triển tuyến xe buýt 12 chỗ từ khu chung cư này ra Bến xe Miền Tây, chắc chắn sẽ kéo được người dân đến với xe buýt.
Theo UBND TPHCM, việc mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nhỏ kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông… sẽ giúp tăng cường an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông và xây dựng văn minh đô thị.
|
Người dân chưa mặn mà với xe buýt do việc tiếp cận chưa thuận lợi - Ảnh: Sơn Vinh |
Cần xe buýt mini để kết nối metro
Liên quan đến việc phát triển xe buýt mini, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình vừa ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa phù hợp với hạ tầng giao thông và nhu cầu đi lại ở TPHCM.
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc triển khai xe buýt mini hiện đang vướng quy định. Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/1/2020 quy định, phương tiện vận tải hành khách công cộng phải có sức chứa từ 17 chỗ trở lên; vị trí, số chỗ ngồi, chỗ đứng cho hành khách phải theo đúng quy chuẩn do Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo UBND TPHCM, hiện đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển loại hình xe buýt từ 12-17 chỗ. Đặc biệt, Quyết định 318 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ: định hướng đến năm 2030, các đô thị loại I trở lên phải hoàn thiện hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức với mạng lưới đường sắt đô thị làm chủ đạo, trên các trục giao thông chính; các đô thị từ loại II trở lên hoàn thiện mạng lưới xe buýt, phương tiện vận tải công cộng sức chứa nhỏ và xe taxi đảm bảo gom khách cho dịch vụ xe buýt và đường sắt đô thị.
Theo quy định, các tuyến đường có hành trình bắt buộc phải qua cầu có trọng tải từ 5 tấn trở xuống hoặc trên 50% lộ trình tuyến là đường cấp IV trở xuống (hoặc đường bộ đô thị có mặt cắt ngang từ 7m trở xuống) được sử dụng ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách.
TPHCM có tổng cộng 4.938 tuyến đường với tổng chiều dài đường và cầu hơn 4.583km. Trong đó, có khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường dưới 7m với chiều dài hơn 2.544km (chiếm 55,52%). Như vậy, TPHCM cần phải áp dụng xe buýt mini cho các tuyến đường này.
Ông Hà Ngọc Trường - Phó chủ tịch Hội Cầu Đường Cảng TPHCM - nhận định, việc phát triển xe buýt mini tại TPHCM vừa hợp lý, vừa hợp tình. Về lý, bất cứ loại phương tiện nào cũng phải được tổ chức phù hợp với mạng lưới đô thị của địa phương, đồng thời phải có sự điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với tổ chức giao thông và hệ thống hạ tầng trong từng giai đoạn. Ông nói: “Cần đa dạng hóa phương tiện di chuyển, bao gồm loại xe buýt nhỏ như tuk tuk của Bangkok (Thái Lan) hay jeeney của Manila (Philippines) để có thể luồn lách trong các hẻm, thu gom khách từ các điểm dân cư đến các ga metro”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Trường đại học Bách Khoa TPHCM - cho rằng, đến năm 2030, xe buýt vẫn là phương tiện chở khách chủ lực của TPHCM. Do đó, ngoài những giải pháp như thay mới, tăng số lượng và chất lượng phương tiện, cần giảm khoảng cách từ nhà đến trạm xe buýt dưới 200m (khoảng cách mà người dân chấp nhận đi xe buýt, theo một nghiên cứu của Trường đại học Bách Khoa TPHCM).
“Kinh nghiệm tại Jakarta (Indonesia) cho thấy tính phù hợp của hệ thống minibus trong vai trò trung chuyển. Để đảm bảo hầu hết người dân ở các đường hẻm tiếp cận xe buýt và xe buýt nhanh (BRT) lẫn metro sau này, TPHCM cần 3.600-4.500 xe buýt nhỏ” - ông Mai nói.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn mong muốn, TPHCM sẽ có quy hoạch bài bản, có sự phối hợp giữa các sở Giao thông Vận tải, Quy hoạch và Kiến trúc, Xây dựng… để phủ kín mạng lưới GTCC ở nội thành. Song song đó, thành phố sẽ tăng giá giữ xe ở nội thành, khuyến khích người dân gửi xe ở ngoại vi, đi xe công cộng vào nội thành. Hiện lượng xe máy từ ngoại thành chạy vào rất nhiều, vừa gây kẹt xe, vừa gây ô nhiễm.
“Trong khi TPHCM cứ nói phấn đấu hoàn thành metro, nhưng hiện giờ, chúng ta chưa có mạng lưới xe buýt để kết nối khách cho metro. Ta phải có xe buýt mini để kết nối khách cho metro và từ metro đi các nơi. Đây là phương pháp GTCC mà các nước tiên tiến áp dụng. Không lập được mạng lưới kết nối khách cho metro là một thiếu sót rất lớn” - ông Nam Sơn nói.
Theo ông Nam Sơn, TPHCM không nên chỉ triển khai xe buýt mini ở một số tuyến mà cần triển khai nhiều hơn nữa: “Việc tổ chức GTCC ở TPHCM lâu nay có phần lúng túng. TPHCM có quan tâm đến GTCC nhưng chưa thực hiện được một hệ thống GTCC hiệu quả do chưa chọn được giải pháp phù hợp”.
|
Xe buýt điện chạy tuyến D1 từ công viên 23/9 đến Thảo Cầm Viên - Ảnh: Mai Linh |
Lợi cho giao thông lẫn du lịch, môi trường
Theo ông Nam Sơn, TPHCM là một đô thị có trên 300 năm lịch sử, bao gồm các khu đô thị hiện hữu, đô thị lịch sử và khu đô thị mới. Trong đó, các khu đô thị mới như Nam Sài Gòn, Thủ Thiêm sẽ dễ dàng phát triển GTCC, còn khu đô thị cũ có đường nhỏ, nhà thấp tầng, cơ cấu đô thị được thiết kế phù hợp với giao thông xe máy, xe đạp hơn là xe hơi hay xe buýt. Do đó, khi phát triển GTCC, TPHCM phải chọn giải pháp hiệu quả cho mỗi hình thái.
Ông phân tích: “Với đô thị hiện hữu có đường nhỏ, nhà thấp tầng thì xe buýt lớn sẽ hoạt động kém hiệu quả do phải len lỏi, chạy chung xe máy, xe hơi, không có đường để chạy. Nhà thấp tầng, cư dân rải rác nên việc gom hành khách của xe buýt lớn không hiệu quả. Lâu nay, chúng ta lúng túng là do cứ cố đưa hình thái GTCC của đô thị mới áp dụng cho đô thị cũ”.
Kiến trúc sư Nam Sơn khẳng định: “Cần triển khai xe buýt mini ở nhiều tuyến hơn nữa. Xe buýt cho khu đô thị hiện hữu nên là xe buýt nhỏ và phải chằng chịt, phục vụ thuận tiện cho người dân. Hiện giờ, chúng ta chưa làm được chuyện đó mà chỉ có xe buýt ở các tuyến đường lớn. Tóm lại, đường lớn thì cần xe buýt lớn, đường nhỏ thì cần xe buýt nhỏ. Chẳng những xe buýt nhỏ, mà có thể dùng xe lam chạy bằng điện chẳng hạn”.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường đại học Giao thông Hà Nội - cho rằng, TPHCM có các khu đô thị cũ mới đan xen, không có quy hoạch tổng thể thống nhất; những trục đường chính vào các khu vực dân cư đều có hẻm, ngõ, ô tô con còn khó tiếp cận, huống hồ là xe buýt lớn. Với đặc thù đô thị như vậy, phải kết hợp các loại hình, không thể tuyệt đối hóa một loại phương tiện giao thông nào.
“Trên những tuyến đường chính, cần phát triển các tuyến GTCC với năng lực vận chuyển cao, chất lượng phục vụ an toàn, được tiêu chuẩn hóa. Trên những tuyến đường nhỏ hoặc hẻm lớn, có thể phát triển loại hình xe buýt mini. Tiềm năng bố trí các tuyến xe buýt mini ở TPHCM là có, nhưng để thành công, phải có sự phối hợp tổng thể hài hòa. Tuy nhiên, xe buýt mini không thể thay thế các phương tiện cá nhân truyền thống như xe máy để tiếp vào các hẻm sâu. Chúng ta chỉ phát triển xe buýt mini để thay thế một phần và nâng cao, mở rộng vùng phục vụ của vận tải hành khách công cộng” - ông Vũ Anh Tuấn phân tích.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, xe buýt mini không chỉ góp phần cải thiện GTCC mà còn góp phần thay đổi ngành du lịch, môi trường của TPHCM: “Khi GTCC hiệu quả, người dân sẽ thích dùng phương tiện GTCC hơn; người sống ở ngoại thành có thể gửi xe ở ngoại vi và leo lên xe buýt vào nội thành làm việc. Nội thành sẽ ưu tiên phục vụ cho người đi bộ. Chắc chắn về mặt du lịch sẽ rất tốt, sẽ có những khu phố sầm uất nhưng không kẹt xe và thân thiện với môi trường”.
Chờ ngày xe buýt mini lăn bánh
Bên cạnh hiệu quả giao thông mà xe buýt mini mang đến, thạc sĩ Vũ Anh Tuấn cũng băn khoăn về giá vé, sức cạnh tranh… Theo ông Tuấn, giá vé hợp lý phải dựa trên phạm vi và cự ly phục vụ, cân đối giữa bài toán hiệu quả kinh tế và khả năng chi trả hay sự sẵn sàng chi trả của người sử dụng. Khi đưa một tuyến xe, một loại phương tiện vào hoạt động, cần phải xem xét vai trò, vùng phục vụ, đối tượng phục vụ, từ đó mới tính toán được về mặt vận hành và giá vé. Nếu chỉ đưa vào hoạt động mà thiếu sự tính toán, khả năng thất bại sẽ rất cao.
“Ngoài ra, cũng cần phân tích yếu tố cạnh tranh. Xe ôm “công nghệ”, các phương tiện khác không chỉ có các ưu điểm mà còn có những nhược điểm nhất định. Chúng ta phải nghiên cứu, đánh giá chắc chắn trước khi áp dụng xe buýt mini vào mạng lưới giao thông, cũng như đưa ra các giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân và các phương tiện khác” - ông Tuấn góp ý.
Ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và Du lịch TPHCM - cho rằng, đề xuất triển khai xe buýt mini của UBND TPHCM là đáng hoan nghênh. Điểm nổi bật của đề xuất lần này bao gồm: chủng loại phương tiện mới do một công ty tự đầu tư; các tuyến xe buýt mini là tuyến mới, được thiết lập trên cơ sở nối kết các khu dân cư mới, giữa các quận nội thành chưa có tuyến xe buýt trực tiếp.
Cùng với đó, nhà đầu tư không yêu cầu Nhà nước trợ giá mà chỉ xin thu giá cước theo cơ chế cung cầu của thị trường; nhà đầu tư ứng dụng công nghệ đặt xe GoDee nhằm kết nối với khách hàng một cách thuận lợi nhất (báo trước biển số xe và lộ trình, thời gian di chuyển, không để khách hàng chờ đợi lâu); không sử dụng tiền mặt mà thanh toán qua các phương thức mới như thẻ tín dụng, thẻ ATM, ví điện tử Momo, Payoo…
“Đề xuất này rất phù hợp với hệ thống đường sá ở TPHCM. Hiện nay, TPHCM có đến 70% con đường có chiều rộng dưới 8m, tức chỉ phù hợp với những phương tiện có sức chứa dưới 17 chỗ. Thế nên, chúng tôi rất mong Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chỉ thị cho Bộ Giao thông Vận tải, ít nhất là cho phép thí điểm trong vòng vài năm, theo hướng như dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2020 đã nêu: xe buýt là loại xe có số ghế từ 10 chỗ trở lên” - ông Tính nói.
Dự kiến mở 20 tuyến xe buýt kết nối tuyến metro số 1
Từ năm 2021 đến 2022, TPHCM dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt sử dụng phương tiện nhỏ kết nối dọc tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), 10 tuyến xe buýt kết nối với tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 (Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ) và một số tuyến xe buýt kết nối các khu đô thị mới.
Để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vận tải hành khách công cộng trong đô thị, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND TPHCM được sử dụng phương tiện có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ.
|
Lâm Ngọc - Sơn Vinh