TPHCM luôn là điểm rất sáng về văn hóa đọc

23/04/2024 - 07:29

PNO - Bên lề ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - 2024, Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - xung quanh sự kiện này.

Phóng viên: Tham gia ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tổ chức tại TPHCM, ông cảm nhận không khí tại sự kiện thế nào?

Ông Nguyễn Nguyên: Trong vài năm trở lại đây, TPHCM luôn là điểm rất sáng về văn hóa đọc và các sự kiện liên quan đến sách. Đặc biệt, các hoạt động thuộc khuôn khổ ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam luôn được TPHCM tổ chức quy mô, tạo được sự thu hút rất lớn với bạn đọc tại thành phố và nhiều tỉnh, thành lân cận. Phong trào phát triển văn hóa đọc của TPHCM có thể trở thành hình mẫu để các địa phương khác học tập.

* Ông đánh giá thế nào về những sáng kiến của TPHCM trong việc phát triển văn hóa đọc?

- Mỗi năm, tôi đều thấy TPHCM có những sáng kiến rất hay trong phát triển văn hóa đọc. Trong 2 năm trở lại đây, việc lựa chọn các đại sứ văn hóa đọc, thành lập Câu lạc bộ Đại sứ văn hóa đọc TPHCM có thể xem là sáng kiến thú vị, mang lại nhiều ý nghĩa cho sự phát triển của văn hóa đọc nói chung. Việc lựa chọn các đại sứ từ nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ góp phần lan tỏa văn hóa đọc sâu rộng hơn và từ đó ngành xuất bản cũng có cơ hội được mở rộng, phát triển.

* TPHCM đang phấn đấu trở thành Thủ đô sách thế giới. Theo ông, mục tiêu này có cơ sở?

- Trở thành Thủ đô sách thế giới là một trong những mục tiêu mà Hà Nội hay TPHCM đều mong muốn hướng tới. Tôi cho rằng thành phố nào đại diện Việt Nam trở thành Thủ đô sách thế giới cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là thành phố đó phải đạt được các tiêu chí do UNESCO quy định.

Có 5 tiêu chí cụ thể, nhưng nổi bật là các tiêu chí liên quan đến sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tham gia sâu rộng của người dân thành phố và các hoạt động có tính chất góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Nhìn trên cả 3 tiêu chí đặc biệt quan trọng này thì hiện TPHCM là thành phố có khả năng, cơ hội trở thành Thủ đô sách thế giới. Tôi tin là TPHCM sẽ sớm đạt được.

* Ông còn điều gì trăn trở về việc phát triển văn hóa đọc và ngành xuất bản trong nước?

- Tôi vẫn luôn trăn trở vì xuất bản là ngành trung tâm của công nghiệp nội dung số mà hiện nay, ngành nội dung số đang có cơ hội phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức liên quan đến phát triển văn hóa đọc. Rõ ràng, với những nỗ lực hiện hữu, việc phát triển văn hóa đọc đã có bước phát triển, nhưng mọi thứ vẫn chưa như kỳ vọng, trong khi văn hóa đọc là nền tảng cho xuất bản phát triển.

Thứ hai, chúng ta đang đối mặt với những thách thức liên quan đến hoạt động trên không gian mạng, đặc biệt là nạn vi phạm bản quyền đang ngày càng tinh vi. Thứ ba là thiếu hụt nhân lực của ngành xuất bản. Ngành này đòi hỏi nhân sự phải có chất lượng rất cao, nhưng vì nguồn thu của ngành không cao, dẫn đến tình trạng những người làm việc trong ngành chưa phải là lực lượng ưu tú nhất. Tất nhiên trong thời gian tới, với những giải pháp được đề ra cụ thể hơn, những bài toán này sẽ được tháo gỡ.

* Xin cảm ơn ông.

An Trịnh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI