|
Nữ đạo diễn Anne Fontaine và diễn viên người Pháp Raphael Personnaz trên thảm đỏ của Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần thứ nhất năm 2024 - Ảnh: Diễm Mi |
“Đầu tàu” phim ảnh của cả nước
Trong hơn 1 tháng nữa, khi 3 bộ phim Linh miêu - quỷ nhập tràng, Công tử Bạc Liêu, Kính vạn hoa được phát hành, ngành điện ảnh Việt có thể lần đầu đạt mốc doanh thu 2.000 tỉ đồng/năm. Vẫn như mọi năm, từ đầu năm đến nay, số bộ phim truyện do các đơn vị phía Nam sản xuất vẫn thống lĩnh rạp chiếu, với 22/24 phim. Các phim ăn khách nhất làng điện ảnh Việt, đạt doanh thu 100 tỉ đồng trở lên cũng đều do các nhà làm phim ở TPHCM thực hiện.
TPHCM chưa chính thức được UNESCO công nhận là thành phố điện ảnh nhưng từ lâu đã là trung tâm điện ảnh của cả nước. Đây là thị trường lớn về sản xuất và phát hành phim với hơn 800 doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp sản xuất và phát hành phim.
Trấn Thành Town, Galaxy Studio, Production Q, Lý Hải Production, MAR6, 89S Group cùng Trấn Thành, Lý Hải, Victor Vũ, Võ Thanh Hòa là vài ví dụ về doanh nghiệp, đạo diễn, nhà sản xuất tên tuổi ở TPHCM.
Không chỉ là “đầu não” sản xuất, phát hành, TPHCM còn là thị trường chiếu bóng quan trọng, tác động lớn đến “số phận” của mỗi bộ phim ra rạp. Năm ngoái, TPHCM là nơi có lượng khán giả đến rạp đông nhất cả nước, với 56 cụm rạp, chiếm khoảng 40% thị phần điện ảnh của cả nước, góp phần quan trọng giúp Việt Nam có tổng doanh thu phòng vé đứng thứ hai Đông Nam Á.
Theo định nghĩa của UNESCO, một thành phố điện ảnh (film city) là một thành phố được công nhận trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vì có những đóng góp nổi bật trong ngành công nghiệp điện ảnh, cả về mặt sáng tạo và sản xuất. Ở thành phố này, điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật mà còn là một phương tiện quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Los Angeles (Mỹ), Mumbai (Ấn Độ), Rome (Ý)... là những “thành phố điện ảnh” nổi tiếng của thế giới. |
TPHCM còn là nơi có hoạt động phim ảnh sôi nổi với những sự kiện điện ảnh lớn hằng năm, như liên hoan phim ngắn, liên hoan phim quốc tế TPHCM, những tuần phim và liên hoan phim của các nước. Đây cũng là nơi bắt nguồn các sân chơi phim ảnh dành cho người trẻ như các cuộc thi Dự án phim ngắn CJ, Tìm kiếm nhà biên kịch tài năng... Từ các cuộc thi này, nhiều nhà làm phim trẻ tạo ra những tác phẩm gặt hái thành tích tốt ở các liên hoan phim quốc tế.
Đặc biệt, TPHCM là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong đó xác định điện ảnh là 1 trong 8 ngành mũi nhọn.
Năm 2021, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM giai đoạn 2020-2035. Và năm 2023, tiếp tục phê duyệt đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030.
Năm 2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Thực tiễn hoạt động điện ảnh sôi động và hiệu quả cộng với những định hướng, điều kiện pháp lý đầy đủ, rõ ràng là cơ sở để TPHCM tự tin sớm trở thành “thành phố điện ảnh”.
Chặng đường cam go
|
Ra mắt phim Hai Muối tại TPHCM. Thị trường TPHCM đóng góp rất lớn vào doanh thu của mỗi bộ phim ra rạp - Ảnh do Khang Media cung cấp |
TPHCM có những yếu tố thuận lợi để có thể trở thành “thành phố điện ảnh” của UNESCO nhưng để được công nhận, lại là cả một quá trình cam go. Công bằng mà nói, hệ sinh thái cho điện ảnh TPHCM còn thiếu và yếu. Về cơ sở hạ tầng, TPHCM chưa có phim trường quy mô, đúng chuẩn mà chỉ có các phim trường tư nhân nhỏ lẻ, được cải tạo từ nhà kho, nhà xưởng, chỉ phục vụ việc quay nội cảnh.
“Chúng ta đang thiếu phim trường” - đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất Mai Thế Hiệp nói. Ông cho biết, từng đến Thượng Hải quay phim: “Bên đó, phim trường có sẵn bối cảnh để quay cả nội lẫn ngoại cảnh, xung quanh còn có nơi ở của các diễn viên phụ, diễn viên quần chúng để khi cần quay với lượng lớn người là có ngay, còn ở Việt Nam thì phải chạy lòng vòng kiếm diễn viên, tốn thêm chi phí đi lại, ăn ở. Phim trường của họ có bối cảnh là cả thành phố với hệ thống nhà cửa, trường học, bệnh viện nên đoàn phim đỡ mất công di chuyển hay tốn tiền lưu trú”.
Kinh phí đầu tư cũng là mối lo của các nhà làm phim. Đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa nhận định: “Vốn là yếu tố quan trọng để phát triển điện ảnh. Muốn phim có chất lượng tốt, cần đầu tư vốn lớn cho nhiều khâu, từ viết kịch bản đến nội, ngoại cảnh, diễn xuất, hậu kỳ. Nếu được, nên cho các công ty đang hoạt động tốt vay vốn làm phim với lãi suất ưu đãi”.
|
Hoạt động chiếu phim ngoài trời thu hút nhiều khán giả ở TPHCM - Ảnh do ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế TPHCM năm 2024 cung cấp |
Ở góc độ “đầu ra” của phim, hầu hết các chủ rạp đều phải thuê mặt bằng với chi phí cao, chưa ai dám đầu tư tiền mua đất, xây rạp. Ngoài mặt bằng, chi phí điện, nước cũng là gánh nặng, ngốn hết 5 - 10% doanh thu của mỗi cụm rạp.
Việc thu hút đầu tư từ nước ngoài vào điện ảnh còn hạn chế cũng là trở ngại cho TPHCM trên con đường tiến tới danh hiệu “thành phố điện ảnh”. TPHCM sở hữu hệ thống di tích, kiến trúc độc đáo, đa dạng, là một đô thị đặc biệt của cả nước nhưng thời gian qua, số đoàn phim nước ngoài đến đây ghi hình rất ít.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị UBND TPHCM nhanh chóng xây dựng đề án thành phố sáng tạo để TPHCM hòa vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với định hướng trở thành “thành phố điện ảnh”. Năm 2019, TP Hà Nội đã trở thành “Thành phố thiết kế sáng tạo”; năm 2023, TP Đà Lạt trở thành “Thành phố sáng tạo âm nhạc” và TP Hội An trở thành “Thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian” của UNESCO. |
Gần đây, một số địa danh của Việt Nam xuất hiện trong các phim “bom tấn” của nước ngoài nhưng TPHCM thì không, chỉ vài phim hợp tác do Netflix đầu tư mới có bối cảnh ở TPHCM nhưng mức độ quảng bá TPHCM ra nước ngoài không thể bằng các phim “bom tấn” chiếu rạp.
Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đang nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc quản lý các hoạt động tổ chức đoàn quay phim nơi công cộng để tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính và tạo sự liên thông giữa các địa phương, sở, ngành, giúp thu hút các đoàn phim quốc tế đến nhiều hơn, nhằm dùng điện ảnh quảng bá du lịch, phát triển kinh tế.
TPHCM có những yếu tố thuận lợi để trở thành “thành phố điện ảnh” nhưng lộ trình vẫn còn phía trước, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, vẫn trong tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Lộ trình này được hoàn thành sớm hay muộn phụ thuộc nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo ngành văn hóa và chính quyền thành phố.
Điện ảnh khó phát triển nếu thêm gánh nặng thuế Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cho biết, họ đang có thêm nỗi lo mới vì trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng do Chính phủ trình Quốc hội có đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% (thay vì 5% như hiện nay) đối với dịch vụ điện ảnh. Có gần 40 doanh nghiệp đã gửi văn bản “kêu cứu” vì theo họ, nếu đề xuất này được thông qua vào ngày 26/11 tới đây sẽ tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, tạo rào cản để điện ảnh phát triển. |
Mong giảm bớt thủ tục hành chính TPHCM có lợi thế là có số lượng rạp nhiều, dân cư đông đúc, là nơi tập trung phần lớn các nhà làm phim, đơn vị sản xuất phim của cả nước. TPHCM có không khí làm phim và kinh doanh phim ảnh sôi động nhất nước. Năm nay, Việt Nam là cái tên rất “hot” trong giới sản xuất phim quốc tế; nhiều nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tới Việt Nam để đầu tư và sản xuất phim. Tuy nhiên, thủ tục hành chính vẫn là rào cản rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ phải mất nhiều tháng mới xong thủ tục đầu tư vào một dự án phim, rồi phải đợi khi bộ phim kết thúc toàn bộ việc khai thác mới có thể thu hồi lại vốn, có nghĩa là phải đợi 4-8 năm. Điều này khiến họ e dè, nhụt chí dù rất muốn tham gia đầu tư và cũng khiến các nhà sản xuất, nhà làm phim Việt Nam mất đi cơ hội tiếp cận một lượng vốn lớn cũng như cơ hội thực hiện những bộ phim lớn, những thử nghiệm mới mẻ, đa dạng ở thể loại. Các nhà làm phim đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước và chính quyền TPHCM thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào điện ảnh, giảm bớt các thủ tục hành chính để không bị lỡ mất cơ hội vàng. Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Công ty V Pictures |
Nên thành lập các hiệp hội Để trở thành “thành phố điện ảnh”, TPHCM nên có những chương trình thường niên nhằm tạo không gian điện ảnh xứng tầm cho các nhà làm phim, từ đó hình thành tư duy làm phim sáng tạo, thú vị hơn. Cần có môi trường giao lưu để tạo không khí làm phim sôi động, đó có thể là các liên hoan phim, các sự kiện về ngành, các hiệp hội nghề nghiệp. Có nhiều tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào phim ảnh nhưng họ chưa có nhiều thông tin, kiến thức về lĩnh vực này. Nếu TPHCM có nhiều chương trình hơn, họ sẽ hiểu thêm về ngành và mạnh dạn tham gia. Các hiệp hội có thể tổ chức những chương trình như vậy, nhưng tiếc là thành phố chưa có các hiệp hội chuyên ngành, như hiệp hội đạo diễn, diễn viên, biên kịch (hiện mới có hiệp hội kỹ xảo). Các hiệp hội sẽ là nơi để những người làm phim chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và bảo vệ người trong ngành. Tổ chức liên hoan phim là cần thiết nhưng cần quan tâm đến chất lượng nhiều hơn bởi số phim Việt được sản xuất hằng năm chưa nhiều, dễ bị thiếu nguồn phim dự thi. Nên tổ chức liên hoan phim theo thể loại để tạo màu sắc riêng. Nhà sản xuất Hoàng Quân (Production Q) |
Nhân lực ngành điện ảnh quá thiếu TPHCM hội tụ đủ các yếu tố để thành trung tâm điện ảnh vì nơi này tạo ra doanh thu phòng vé lớn nhất, có quỹ đất để xây phim trường, có những liên hoan phim lớn. Năm nay, phim Việt có thể đạt doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng. Con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so với các ngành khác của Việt Nam. Do đó, ngoài việc làm phim để đạt doanh thu cao, còn cần làm ra thật nhiều phim nữa. Nhưng chúng ta chưa làm được nhiều phim do thiếu nhân sự, từ đạo diễn, biên kịch đến diễn viên. Mỗi lần thực hiện dự án mới, chúng tôi đều đau đầu với câu hỏi “ai làm đạo diễn” bởi trên thị trường chỉ có khoảng chục đạo diễn. Dòng phim thương mại thiếu những gương mặt nổi trội. Muốn điện ảnh phát triển đúng hướng, muốn trở thành “thành phố điện ảnh”, rất cần đầu tư cho khâu đào tạo để có đội ngũ nhân lực làm điện ảnh dồi dào. Điện ảnh phát triển phụ thuộc vào người trẻ nhưng hiện tại môi trường cho các bạn phát triển rất hạn chế. Đạo diễn, nhà sản xuất Võ Thanh Hòa Nguyễn Ngọc (ghi) |
Hương Nhu