TPHCM: Lên phương án tiêm 800.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19

18/06/2021 - 17:17

PNO - Ngày 17/6, vắc xin ngừa COVID-19 AstraZeneca với 800.000 liều từ Hà Nội đã vào TPHCM.

Đây là lượng vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất từ trước đến nay mà TPHCM nhận được từ Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Số liều vắc xin này là từ gần 1 triệu liều Nhật Bản tặng cho Việt Nam. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thành phố đã xây dựng sẵn các kế hoạch tiêm chủng, trong đó có các kịch bản khi số lượng vắc xin được phân bổ từ 500.000 đến 10 triệu liều. 

Thời hạn sử dụng của lô 800.000 liều vắc xin này đến 21/10/2021 - Ảnh: Hiếu Nguyễn
Thời hạn sử dụng của lô 800.000 liều vắc xin này đến 21/10/2021 - Ảnh: Hiếu Nguyễn

Trong đợt phân bổ vắc xin thứ tư này, ngoài các đối tượng được ưu tiên theo Nghị quyết 21, TPHCM dự kiến sẽ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho những người như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại cơ quan, đơn vị hành chính, người trên 65 tuổi, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp… Thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng cùng lúc tại 1.000 điểm. Mỗi điểm tiêm chủng có thể tiêm đến 200 người/ngày. Những điểm tiêm chủng này được tổ chức tại các trung tâm y tế quận, huyện; trạm y tế; các điểm tiêm lưu động…

Để thực hiện được kế hoạch này, thành phố sẽ huy động tổng lực từ các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đến các bệnh viện đa khoa, bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế, trạm y tế của thành phố. Việc đảm bảo an toàn tiêm chủng được thực hiện nhằm đảm bảo các điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định; đảm bảo yêu cầu về giãn cách, an toàn phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện sàng lọc đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tư vấn đầy đủ cho người được tiêm chủng; thu gom và xử lý rác thải y tế tại điểm tiêm chủng.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng, nhân viên các điểm tiêm chủng phải hướng dẫn gia đình hoặc người tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất bảy ngày sau tiêm chủng; cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.

Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, thành phố nên có một số hotline để người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể liên hệ khi cần thiết. Hệ thống hotline phải đảm bảo khả năng tiếp nhận từ hàng chục, hàng trăm  thậm chí hàng ngàn cuộc điện thoại gọi đến cùng lúc. TPHCM phải sẵn sàng cấp cứu với các trường hợp phản ứng sau tiêm ở mức độ nặng. 

Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân ngày 17/6 cho biết: “Chúng tôi đề xuất giải pháp đột phá để dập dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ tư hiện nay là lộ trình tiêm vắc xin tối ưu: tiêm vắc xin không dàn trải mà dứt điểm từng tỉnh, thành phố theo thứ tự mức độ dịch hiện nay”. 

Theo đó, TPHCM (dân số 9,227 triệu người) và Hà Nội (dân số 8,28 triệu người) có tổng dân số chiếm 17,9% dân số cả nước và chiếm 15,3% tổng số người đang điều trị của cả nước. Nếu tiêm vắc xin cho 70% dân số của Hà Nội và TPHCM thì loại trừ được sự lây nhiễm của 15,3% nguồn lây nhiễm cả nước. Số người cần tiêm vắc xin là 12,25 triệu người, bằng 12,55% dân số cả nước.

Với lượng vắc xin huy động được tiếp theo, cần ưu tiên để tiêm cho 12,25 triệu người dân Hà Nội và TPHCM, sẽ vô hiệu hóa 15,3% nguồn lây nhiễm của cả nước, đang ảnh hưởng trực tiếp đến hai trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế lớn nhất nước. Việc này cần phấn đấu làm trong tháng 7 - 8/2021.

Hiếu Nguyễn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI