Dài cổ chờ hóa giá nhà
Có nhà nhưng không thể sữa chữa, chuyển nhượng, mua bán là tình cảnh của 17 hộ dân đang sống tại khu nhà số 443 đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3, TPHCM.
Theo các hộ dân, nguyên nhân, dù họ đã sống ở đây từ rất lâu nhưng TPHCM không xác lập quyền sở hữu nhà nước để bán hóa giá nhà ở cho họ theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất rộng khoảng hơn 400 m2. Từ trước năm 1990 được Công ty chế biến hạt điều Lạc Long Quân trực thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) mua lại của một hộ dân và bố trí cho 17 hộ dân là cán bộ công nhân viên công ty này.
|
Sinh sống rất lâu nhưng 17 hộ dân ở số 443 Hai Bà Trưng, quận 3 vẫn không thể chuyển nhượng, mua bán vì UBND TPHCM chưa xác lập quyền sở hữu nhà nước |
Đến năm 2003, do cổ phần hóa, công ty đã có văn bản chuyển giao khu nhà đất này từ cơ quan chủ quản là Bộ NNPTNT sang cho UBND TPHCM quản lý và xác lập quyền sở hữu nhà nước.
Nhưng sau đó khu nhà đất đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa Công ty chế biến hạt điều Lạc Long Quân và chủ đất cũ. Đến năm 2017, tòa đưa ra xét xử, ra quyết định với phần thắng thuộc về Công ty chế biến hạt điều Lạc Long Quân.
Lúc này, Bộ NNPTNT, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM xem xét, hoàn tất thủ tục xác lập sở hữu nhà nước đối với khu đất trên để làm cơ sở cho việc quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Thế nhưng đến nay, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ. Hệ quả, Nhà nước thất thu, còn “chủ quyền” người dân vẫn “treo” lơ lửng.
Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TPHCM, hồ sơ khu đất trên đã được Sở Xây dựng, Ban Chỉ đạo 09 (nay là Ban Chỉ đạo 167) lấy ý kiến các bộ ngành và trình đi trình lại nhiều lần. Tất cả đều đồng ý phương án giao cho UBND TP xác lập quyền sở hữu nhà nước, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa xong.
Doanh nghiệp có vôn nhà nước lãng phí “khủng”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, còn rất nhiều trường hợp đang gây lãng phí nhà đất. Tại phường Long Phước, quận 9 có khu đất rộng 23.043 m2 để trống nhiều năm. Dù từ năm 2017 UBND TPHCM đã có quyết định giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất TP tiếp nhận, quản lý và lập thủ tục đấu giá, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Hiện giá đất nông nghiệp ở khu vực này khoảng trên dưới 10 triệu đồng/m2. Như vậy, tính ra Nhà nước đang thất thu hàng trăm tỉ đồng.
|
Khu đất của Công ty Sadeco bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí |
Ở số 270 - C30 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10 có khu đất rộng 13.610 m2 cũng đang trong tình trạng tương tự. Dù từ năm 2013 UBND TPHCM đã có văn bản giao Trung tâm phát triển quỹ đất TPHCM tiếp nhận, quản lý và lập thủ tục bán đấu giá theo quy định, thu tiền nộp ngân sách nhưng đến nay chỉ là 1 bãi đất trống.
Tại dự án khu dân cư Phước Kiển 2 của Công ty Sadeco, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè có tổng diện tích lên đến khoảng 60 ha, dù đã có quyết định giao đất hàng chục năm nay nhưng vẫn đang bỏ hoang. Tại đây đất nông nghiệp đang giao dịch khoảng 10 triệu đồng/m2. Như vậy, dự án này đang gây lãng phí trên dưới 6.000 tỉ đồng.
Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV cũng đang giữ nhiều quỹ đất công trong tay nhưng sử dụng khá lãng phí. Điển hình, tại khu đất số 200 Võ Văn Tần, quận 3 rộng hơn 1.700 m2 bỏ hoang từ nhiều năm nay và vừa qua mới được đưa về Ban Điều hành dự án đường bộ 3 sử dụng tạm.
Một khu đất khác ở số 181 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) rộng khoảng 4.769 m2, tháng 11/2013 TPHCM có văn bản chấp thuận cho công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để làm dự án, trong đó nêu rõ “nếu quá 6 tháng không làm gì thành phố sẽ thu hồi”. Thế nhưng đến nay vẫn là một bãi đất hoang.
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất TP, hiện nay các tổng công ty, công ty có 50 - 100% vốn nhà nước đang quản lý, sử dụng một diện tích đất rất lớn nhưng lãng phí. Qua khảo sát hiện trạng của 987/1.176 khu đất do 17 tổng công ty, công ty vốn nhà nước đang quản lý thì có đến 178 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở và có đến 98 khu đất bỏ trống.
Quang Danh