TPHCM làm gì để tăng trưởng kinh tế đạt 10% trong năm 2025?

02/01/2025 - 21:11

PNO - Chia sẻ tại tọa đàm khoa học “Giải pháp để TPHCM tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2025 -2030” do Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM tổ chức trong chiều ngày 2/1, các chuyên gia đều cho rằng đây là một mục tiêu đầy tham vọng của TPHCM.

Ông Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM: Phải cải thiện năng lực quản lý và thực thi dự án

Một trong những thách thức quan trọng là phải cải thiện năng lực quản lý và thực thi dự án, đặc biệt là những dự án có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD. Việc quản lý 10 dự án 100 triệu USD sẽ khác với 10 dự án 1 tỉ USD, chỉ cần những sai sót nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu tư hạ tầng là một yếu tố quan trọng. Hiện TPHCM đang triển khai các dự án hạ tầng quan trọng, ngoài tuyến metro số 1 còn có chính sách phát triển đồng bộ các tuyến metro trong 12 năm tới. Ngoài vành đai 3, thành phố đang triển khai vành đai 4 và kết nối vành đai 2, cùng với các tuyến đường mở rộng kết nối với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó cần phải đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ bao gồm trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây và các nền tảng công nghệ khác sẽ tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng (Cục Thống kê TPHCM): Cần xác định bất động sản là một động lực quan trọng

Việt Nam chưa bao giờ đạt được tốc độ tăng trưởng 2 con số kể từ sau đổi mới, với mức tăng trưởng cao nhất chỉ là 9,54% vào năm 1995.

Trong năm 2025, những biến động trên thị trường quốc tế, đặc biệt là chính sách thương mại của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam và TPHCM. Ngân hàng Standard Chartered vừa dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng khoảng 6,8%, với 6 tháng đầu năm tăng 7,5% và 6 tháng cuối năm chỉ tăng 6,1%. Đây là một dự báo trái chu kỳ, cho thấy những khó khăn tiềm ẩn trong nửa cuối năm.

Dự án xây nút giao An Phú, TP Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 3.400 tỉ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào năm 2025 - Ảnh: Vũ Quyền
Dự án xây nút giao An Phú, TP Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 3.400 tỉ đồng đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào năm 2025 - Ảnh: Vũ Quyền

Do đó để có thể đạt được con số đề ra, cần phải xác định bất động sản là một động lực quan trọng. Đồng thời phải tăng cường liên kết vùng bởi theo Tổng cục Thống kê, nếu các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ tăng trưởng 1% thì GRDP của TPHCM sẽ tăng khoảng 0,4%.

Việc điều chỉnh GDP định kỳ là cần thiết để phản ánh chính xác quy mô nền kinh tế và cập nhật các hoạt động kinh tế chưa được quan sát đầy đủ. Chuyển đổi sang kinh tế số là một xu hướng tất yếu, nhưng cần phải có lộ trình cụ thể cho từng ngành để tránh rơi vào "bẫy" của các nước phát triển. Việc chuyển đổi sang kinh tế xanh và số hóa quá nhanh có thể gây ra hệ lụy tiêu cực, ví dụ như nền kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm và suy giảm do các nước châu Âu áp dụng chính sách chuyển đổi cực đoan, trong khi các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực để thay đổi.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright: Phải kích cầu tiêu dùng nội địa

Triển vọng xuất khẩu năm 2025 được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, khó đạt được mức tăng trưởng như năm 2024. Tín hiệu suy giảm đã xuất hiện rõ nét trong những tháng cuối năm, với xu hướng xuất khẩu sang cả thị trường Mỹ và Trung Quốc đều chững lại.

Trong bối cảnh đó, thay vì quá kỳ vọng vào xuất khẩu, trọng tâm chính sách nên chuyển sang kích cầu tiêu dùng nội địa. Củng cố an sinh xã hội, tạo dựng niềm tin và ổn định cuộc sống cho người dân sẽ là chìa khóa then chốt để khơi thông dòng chảy chi tiêu. Hai năm qua, niềm tin tiêu dùng đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi những hệ lụy từ đại dịch COVID-19, khiến người lao động ưu tiên tái thiết khoản tiết kiệm đã hao hụt. Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu cũng chịu tác động tiêu cực từ những biến động trên thị trường trái phiếu. Do vậy, năm 2025, việc ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Khi người lao động được hỗ trợ bởi các chính sách an sinh xã hội thiết thực và tầng lớp trung lưu lấy lại được niềm tin vào thị trường tài chính, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, thì tâm lý tiêu dùng sẽ được cải thiện đáng kể. Đây chính là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, TP cũng đang chịu tác động không nhỏ từ sự trì trệ của đầu tư tư nhân do những lo ngại về rủi ro pháp lý trong 2 năm vừa qua. Do đó, việc tiếp cận, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án FDI đã đăng ký được giải ngân trong năm nay cần được ưu tiên hàng đầu.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh - Đại học Kinh tế TPHCM: Giảm thâm dụng lao động và chuyển sang ứng dụng công nghệ số

Có 3 cách tiếp cận được đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng. Cách thứ nhất tập trung vào tiếp tục kích cầu tiêu dùng.

Cách thứ hai, thay vì tiếp tục "bón phân" (kích cầu), cần "thay đất" bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm thâm dụng lao động và chuyển sang ứng dụng công nghệ số. Ví dụ, thay vì sử dụng nhiều lao động trong ngành dịch vụ nhà hàng, nên tập trung vào đào tạo lao động chất lượng cao có khả năng sử dụng các công cụ như ChatGPT. Đồng thời, cần giải quyết vấn đề mặt bằng và nhà ở xã hội để giảm chi phí sinh hoạt.

Cách thứ ba tập trung vào các yếu tố tác động trung hạn (2026-2030), đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng số và khuyến khích doanh nghiệp tận dụng hạ tầng này. Vấn đề chi phí cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải cao đang cản trở đầu tư FDI vào thành phố. Do đó, việc giải quyết vấn đề này, cùng với hạ tầng nhà ở, là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và giữ chân người lao động sau đào tạo.

Ông Hoàng Anh cho rằng tín hiệu năm 2025 không đáng lo ngại, nhưng việc đặt mục tiêu 10% là một thách thức.

Tiến sĩ Phạm Văn Đại - Đại học Fulbright: Phải có cam kết vững chắc từ chính quyền

Để tạo bước ngoặt thực sự, thành phố cần hành động mạnh mẽ trên 3 trụ cột. Đầu tiên, tập trung nguồn lực vào các khâu đột phá đã được định hình. Thứ hai, dứt điểm hơn 300 dự án còn tồn đọng, tránh tình trạng "treo" kéo dài. Và thứ ba, tạo động lực tăng trưởng bằng cải cách quản trị dự án công.

Cần phải triển khai phần mềm chuyên dụng quản lý dự án công. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao hiệu suất mà còn là bước đi tiên phong, thể hiện tầm nhìn cải cách thể chế. Liệu thành phố có thể giải quyết bài toán phát triển phức tạp này nếu thiếu công cụ quản lý hiện đại? Làm thế nào đạt được mức tăng trưởng 2 con số nếu không có hệ thống quản lý dự án hiệu quả. Rõ ràng, phần mềm quản lý dự án chính là chìa khóa then chốt.

Trao đổi với các nhà đầu tư bán dẫn, tôi nhận thấy họ không quá chú trọng các ưu đãi vật chất. Điều họ thực sự tìm kiếm là một môi trường đầu tư minh bạch, hiệu quả và hơn hết là một câu chuyện phát triển rõ ràng, một cam kết vững chắc từ chính quyền.

Tới đây sẽ có xu hướng dịch chuyển tài sản của các tỉ phú Đài Loan (Trung Quốc), trong đó TPHCM là điểm đến tiềm năng. Để nắm bắt cơ hội này, thành phố cần kiến tạo một "câu chuyện" đầu tư hấp dẫn và thể hiện cam kết mạnh mẽ, biến tiềm năng thành hiện thực.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI