TPHCM: Làm gì để mỗi quận, huyện đều có sản phẩm du lịch?

07/06/2022 - 06:11

PNO - Để thu hút khách du lịch, TPHCM đặt mục tiêu mỗi quận, huyện đều có ít nhất một sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng còn nhiều việc phải làm để có thể đạt được điều này.

 

Du khách trải nghiệm tour thăm quan địa đạo Phú Thọ Hòa, một phiên bản thu nhỏ của địa đạo Củ Chi.
Du khách trải nghiệm tour thăm quan địa đạo Phú Thọ Hòa, một "phiên bản" thu nhỏ của địa đạo Củ Chi.

Xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch

Cuối tháng Năm vừa qua, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Q.Tân Phú khảo sát chương trình du lịch nửa ngày đến Tân Phú nhằm phát triển sản phẩm, điểm đến mới. Ông Nguyễn Công Chánh - Phó Chủ tịch UBND Q.Tân Phú - cho biết quận đã cùng các chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng tour. Theo đó các di tích như địa đạo Phú Thọ Hòa, đình Tân Thới, chùa Pháp Vân với nhiều kỷ lục quốc gia là tài nguyên du lịch được đưa vào khai thác. Một số địa điểm như chợ vải và đặc biệt là Bảo tàng sâm Ngọc Linh cũng được đánh giá đủ hấp dẫn để thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Cùng thời điểm, Q.8 cũng tổ chức tuần lễ trái cây “Trên bến, dưới thuyền”, tái hiện hoạt động giao thương một thời.

Huyện Củ Chi nổi tiếng với địa danh du lịch địa đạo cũng triển khai hàng loạt sản phẩm du lịch mới trong chương trình “Củ Chi vùng đất bình yên, thân thiện và nghĩa tình”. Theo ông Lê Đình Đức -Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - huyện hội tụ đủ điều kiện để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp kết hợp sinh thái. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM - cho hay theo chỉ đạo của UBND TPHCM, mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch. Song song đó, ngành du lịch thành phố xây dựng các sản phẩm du lịch “TPHCM - Thành phố tôi yêu” nhằm lan tỏa niềm tự hào và tình yêu thành phố (TP) đến với người dân, cũng như truyền cảm hứng du lịch và khám phá điểm đến TPHCM tới du khách trong nước và quốc tế. 
Nhiều việc cần làm
Trải nghiện tour nửa ngày tại Q.Tân Phú, ông Nguyễn Ngọc An - Phó Tổng giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour - cho biết dù là người làm du lịch nhưng đây là lần đầu ông trải nghiệm địa đạo Phú Thọ Hòa hay chùa Pháp Vân. Tuy nhiên, để phát triển thành sản phẩm du lịch thực sự sẽ cần thêm nhiều yếu tố. Và không phải điểm tham quan nào cũng có thể đưa được tất cả du khách đến. Chẳng hạn, địa đạo Phú Thọ Hòa khó có thể khai thác tour cho du khách nội địa, quốc tế mà chỉ phù hợp làm tour giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên. Địa danh này không đủ tạo sự trải nghiệm, là phiên bản rất nhỏ so với các di tích có nét tương đồng như ở Củ Chi. Hay chùa Pháp Vân là một cơ sở tôn giáo, nếu đường đi thuận tiện có thể khai thác thành một “tour hành hương”, khi liên kết với nhiều cơ sở tôn giáo khác của TP. Chứ một mình chùa Pháp Vân thôi sẽ rất khó để thu hút du khách.

Theo bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - mỗi quận, huyện TPHCM đều có đặc trưng riêng có thể khai thác du lịch. Như quận 1 và 7 có thể làm các tour đi bộ (walking tour), các khu quận 5, 6 có thế mạnh ẩm thực, quận 3 có thế mạnh lưu trú… “Vậy nên để xây dựng được một sản phẩm du lịch trọn gói, các đơn vị hiện nay đang phối hợp với Sở Du lịch và các quận, huyện phải tìm một hoặc vài nét đặt trưng nhất để đưa vào tour phù hợp. Đặc biệt phải liên kết giữa các quận, huyện, điểm đến với nhau thì mới thu hút được du khách”, bà Hoàng nói.

Theo các đơn vị du lịch, lữ hành, hiện nay đã có nhiều tour thiết kế theo hướng mỗi quận, huyện có một sản phẩm du lịch như các tour tham quan trung tâm TP, Củ Chi, Cần Giờ, TP.Thủ Đức… Tuy nhiên, có tour bán được, có tour không có khách, không hiệu quả. 
Theo ông Nguyễn Ngọc An các chương trình này chưa hiệu quả do việc đầu tư quảng bá chưa mạnh mẽ, người dân chưa biết đến nhiều. Các điểm đến, chương trình tour mới phải được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, chỉ ra các điểm đặc sắc, thu hút thì mới có du khách. Đồng thời, các tour hiện cũng chưa thể tạo nhiều trải nghiệm mới lạ, đặc sắc cho du khách.  
Đại diện các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng, TP cần xây dựng thêm các hoạt động, đa dạng phương tiện di chuyển hơn như: buýt đường sông, tàu, du thuyền, ca-nô, xe đạp… thay vì đi bằng ô tô. Các điểm đến cần được đầu tư mạnh khâu giới thiệu, thuyết minh. Có thể thiết kế QR CODE giới thiệu thông tin điểm đến để du khách tự quét bằng điện thoại thông minh. Cách làm này sẽ giúp những du khách tự đi cũng có thể tự khám phá cũng có thể tự tìm hiểu, hứng thú hơn với điểm đến thay vì chỉ đến, thay vì chỉ chụp ảnh xong rồi về. 

Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết TPHCM đang cố gắng tạo các điểm đến cho du lịch ở các quận, huyện, để làm sao TPHCM không chỉ là thị trường nguồn (đưa khách đi) mà còn thu hút khách đến. “Chúng tôi đề nghị các địa phương (quận, huyện) mỗi nơi có ít nhất một điểm đến, một điểm hấp dẫn. Các sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện khuyến khích người dân TP đi du lịch TP để tìm hiểu văn hóa, sản phẩm để từ đó chung tay phát huy thế mạnh về văn hóa, sản phẩm, để TP trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”, bà Phan Thị Thắng nói.

Quốc Thái

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI