Tăng trưởng khá nhưng khó đạt mục tiêu năm
Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Phạm Trung Kiên, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong 9 tháng qua, các lĩnh vực kinh tế của TPHCM có mức tăng trưởng khá.
|
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Nguồn ảnh: Trung tâm Báo chí |
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 4,57% so với cùng kỳ (riêng quý III tăng khoảng 6,71%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,2%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 8,6%; tổng doanh thu du lịch ước tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu ngân sách nhà nước 326.193 tỉ đồng, đạt 69,45% dự toán năm và bằng 93,65% so cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM - nhận xét, một trong những tín hiệu tích cực là mức tăng trưởng tăng qua từng quý (quý II là 5,8%, quý III là 6,7%). Trong đó, dịch vụ vẫn đóng vai trò trụ cột, mức tăng trưởng đạt 7,03%. Trong 9 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở mức thấp. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn ảm đạm, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5%/năm sẽ khiến áp lực tăng trưởng cho quý IV rất lớn, phải đạt 15%.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, năm 2023, có 271 dự án cần sử dụng hơn 26.800 tỉ đồng vốn đầu tư công nhưng đến nay, mới giải ngân vốn trên 11.600 tỉ đồng, đạt 43%. Trong đó, 155 dự án phát sinh trong năm 2023 với dự toán hơn 21.000 tỉ đồng nhưng mới giải ngân được 36%. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra đến cuối năm là giải ngân đạt 95%. Đây cũng là chỉ tiêu khó hoàn thành.
Vận dụng nghị quyết 98 để kiến tạo chu kỳ kinh tế mới
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cho biết, theo cuộc khảo sát nhanh trong cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc: một số doanh nghiệp dệt may, lương thực - thực phẩm bắt đầu nhận được đơn hàng do lượng hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu từ TPHCM đã giảm. Nhưng, đó chỉ là những đơn hàng ngắn hạn, những mặt hàng thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng cao điểm cuối năm. Các chính sách giảm thuế, kích cầu, khuyến mãi đã có tác động đến thị trường nội địa nhưng chưa thực sự mang tính căn cơ.
Theo khảo sát, hầu hết doanh nghiệp cho rằng, thủ tục về đất đai vẫn chưa được cải thiện nên môi trường kinh doanh vẫn chưa hấp dẫn. Ông Nguyễn Ngọc Hòa nói: “Doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội. Thời gian qua, HĐND TPHCM đã nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống nhưng cần có sự đồng bộ hơn nữa, bởi muốn đầu tư, mở rộng sản xuất, dự án nào cũng đụng tới đất đai, mà nguồn lực đất đai vẫn đang bị tắc nghẽn. Lãi suất ngân hàng đang thấp nhưng doanh nghiệp không hấp thụ được do chưa thể mở rộng sản xuất như thế nào. Do đó, cần kích hoạt nguồn lực đất đai, xác định giá đất để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn”.
Ông Trương Minh Huy Vũ - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - dẫn ra khái niệm “chu kỳ kinh tế” và “độ trễ chính sách” để lý giải cho những thách thức, khó khăn hiện nay của kinh tế TPHCM. Theo ông, năm 2022-2023 được giới ngân hàng đầu tư thế giới xem là “mùa đông kinh tế” và chu kỳ này đã tác động rất lớn đến xuất khẩu, chuỗi cung ứng. Khi được ban hành, bất kỳ chính sách nào cũng có “độ trễ”. Ví dụ, một chính sách được cấp trung ương ban hành trong quý I/2023 thì phải mất ít nhất 6 tháng, thậm chí 1 năm, mới thấy được kết quả. Ông dự đoán, đến cuối năm, TPHCM khó đạt được mức tăng trưởng kinh tế 7,5%/năm.
Theo ông Trương Minh Huy Vũ, để kinh tế TPHCM bứt phá, giải pháp là tập trung xoay xở, ứng biến để hoàn thành các dự án đầu tư công, kích thích tiêu dùng xã hội, kích thích sức mua của người dân. Để thực hiện những giải pháp này, cần triển khai thực hiện các nội dung quan trọng của Nghị quyết 98, xem đây là tiền đề quan trọng để có điểm đột phá, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án quan trọng của thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận định, mức tăng trưởng kinh tế tăng qua từng quý là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy chính quyền TPHCM đã tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết 98, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Ông đề nghị tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn về vốn. Ông cho biết, dự kiến trong tháng Mười tới, sẽ có hội nghị chuyên đề không chỉ bàn về đầu tư công mà còn bàn về đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đưa ra giải pháp cho 3 tháng cuối năm và cả năm sau để không lặp lại những trở ngại, vướng mắc.
Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị, thời gian tới, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai; quan tâm các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, tăng cường hợp tác đối ngoại; tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Số doanh nghiệp mới tăng nhưng vốn giảm Ông Lê Duy Minh - Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - cho biết, trong 9 tháng qua, TPHCM có 37.224 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký 342.516 tỉ đồng, tăng 13% về số lượng và giảm 9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong 9 tháng qua, có 2.787 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,6% so với cùng kỳ; có 23.595 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động tập trung chủ yếu ở ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. |
TP Thủ Đức phát triển quỹ đất, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - cho biết, vận dụng Nghị quyết 98, địa phương này đã thành lập thí điểm 3 trung tâm hành chính công, trong đó có trung tâm phát triển hạ tầng, đồng thời kiện toàn lại hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban. Theo ông, trước khi có Nghị quyết 98, UBND TP Thủ Đức gặp nhiều vướng mắc, khó khăn liên quan đến tổ chức bộ máy. Việc tháo gỡ các vướng mắc này sẽ giúp hoạt động phục vụ cho người dân, doanh nghiệp của chính quyền tốt hơn, tạo đà phát triển. Ông thông tin thêm, thời gian tới, UBND TP Thủ Đức sẽ cho thành lập thanh tra xây dựng, thành lập trung tâm phát triển quỹ đất, tiếp tục tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân đạt tỉ lệ 95% với 10.345 tỉ đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2022. Trong tháng Mười tới, UBND TP Thủ Đức sẽ thông qua bảng giá một số dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn theo ủy quyền của UBND TPHCM, đồng thời kêu gọi đầu tư theo mô hình đối tác công tư đối với một số công trình thể dục, thể thao, giáo dục, y tế… |
Tú Ngân - Thu Lê