PNO - “Việc xử lý thiếu kiên quyết đã để ô nhiễm tiếng ồn trở thành vấn nạn” - Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã nhận định như trên tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND các quận, huyện, sở, ngành sáng 9/3 về xử lý vi phạm tiếng ồn ở TPHCM.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết có hai nhóm tiếng ồn được quan tâm nhiều nhất là tiếng ồn từ loa di động công suất lớn ở quán nhậu vỉa hè và dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc từ hộ gia đình. Trong năm 2019-2020, có 17/22 quận, huyện tiếp nhận phản ánh về tiếng ồn, đã xử lý 141 trường hợp với số tiền phạt 818 triệu đồng nhưng trong số bị phạt, chỉ có 20 trường hợp vi phạm trong khu dân cư, với tiền phạt 2,6 triệu đồng.
Theo bà Mỹ, việc xử phạt không hiệu quả là do một số khó khăn khi vận dụng các nghị định liên quan. Đơn cử, Nghị định 155/2016 của Chính phủ quy định phải có kết quả đo độ ồn của đơn vị có chức năng, thẩm quyền xử phạt lại không bao gồm cấp phường, xã. Trong khi đó, Nghị định 167/2013 của Chính phủ chỉ quy định các khung phạt tiền từ 100.000-500.000 đồng, không đủ sức răn đe; hơn nữa, trường hợp bị xử lý nằm trong khoảng 22g hôm trước đến 6g sáng hôm sau nên khó áp dụng. Thêm nữa, khi bị phát hiện, người dân tạm ngưng hoặc giảm âm lượng nên không có chứng cứ. Theo bà Mỹ, để hoạt động xử phạt đạt hiệu quả, cần hoàn thiện các nghị định theo hướng tăng thẩm quyền, số tiền và nhóm hành vi bị xử phạt.
Ông Lê Trương Hải Hiếu - Chủ tịch UBND quận 12 - nhìn nhận: “Khó nhất chính là chứng cứ. Hơn nữa, chưa có đơn vị độc lập chuyên trách việc đo tiếng ồn”. Ông Hiếu cho biết, cảnh sát khu vực, cán bộ văn hóa có đến nơi nhắc nhở, nhưng quan trọng là “anh em” có biết để đến nhắc nhở hay không, có quy định phải đến hay không. Bên cạnh kiến nghị tăng thẩm quyền cho cán bộ, ông Hiếu còn đề xuất mở khóa ngắn hạn đào tạo về thẩm định tiếng ồn cho cán bộ địa phương.
Đại diện Sở Tư pháp TPHCM lại cho rằng, các đơn vị chưa vận dụng hết các văn bản quy định khi xử lý hành vi gây ồn. Khoản b, điều 6 của Nghị định 167 quy định, xử phạt 100.000-300.000 đồng đối với hành vi “không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung”.
Tương tự, Nghị định 38/2005 của Chính phủ cũng có những điều khoản quy định rõ trách nhiệm đảm bảo trật tự công cộng, với các hành vi bị nghiêm cấm cụ thể, bao gồm gây ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh công cộng.
“Cá nhân tôi chưa đồng tình với quan điểm cho rằng các nghị định chưa đủ để áp dụng. Chúng ta không thể đụng chuyện phát sinh là cho rằng luật chưa quy định tương xứng” - ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, nhận định.
Ông Thuận cho rằng, một số tỉnh, thành áp dụng các nghị định rất có hiệu quả. Theo ông, mức xử phạt 100.000-300.000 đồng không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ làm sao để phạt đúng người, đúng lúc.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đồng tình rằng, có tình trạng hiểu và áp dụng chưa hết các quy định của nghị định: “Lâu nay, chúng ta xử lý theo hướng áp dụng máy đo để xác định cường độ tiếng ồn, nhưng việc đo này chỉ hiệu quả trong một không gian cụ thể, còn thực hiện trong không gian cộng đồng thì lại không đúng”. Ông Hoan cho rằng, trong việc ngăn chặn ô nhiễm tiếng ồn, đừng bao giờ nhắc chuyện áp dụng thiết bị đo như một chứng cứ hiệu quả.
Vận động trước, xử phạt sau
Theo ông Võ Văn Hoan, khi xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, một trong những nội dung quan trọng là nhận diện được hành vi vi phạm, từ đó sẽ dễ dàng áp dụng các khung xử phạt. Quán nhậu tự ý mở karaoke, phát nhạc lớn khác với loa kẹo kéo di động; sự cạnh tranh quảng bá sản phẩm, thiết bị giữa các cửa hàng, việc tổ chức hát karaoke tự phát giữa cuộc nhậu khác với việc hát giải trí của một gia đình; cơ sở có đăng ký kinh doanh lĩnh vực karaoke khác với nhà hàng không đăng ký nhưng vẫn mở karaoke như một tiện ích đi kèm để thu hút khách.
Ông Hoan khẳng định: “Nhà nước tôn trọng quyền tự do kinh doanh, làm ăn hợp pháp nhưng dứt khoát không chấp nhận những hành vi, hoạt động gây ồn tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là quyết tâm xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn”.
Các tổ kiểm tra liên ngành ở TPHCM gặp không ít khó khăn khi kiểm tra, xử lý karaoke tự phát - Ảnh: Sơn Vinh
Ông Hoan cho biết, tới đây, TPHCM sẽ mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm tiếng ồn theo hai giai đoạn: từ nay đến cuối tháng 5/2021 và từ tháng Sáu đến cuối năm, mỗi giai đoạn đều có sơ kết, đánh giá hiệu quả.
Theo ông Hoan, trong giai đoạn một, sẽ chưa xử lý vi phạm hành chính mà chủ yếu tuyên truyền, vận động, đồng thời hoàn thiện các quy định pháp luật: “Quan điểm của tôi là vận động người dân, các cơ sở, đề nghị tổ chức ca hát, mở nhạc trong phạm vi gian hàng, cửa hiệu sao cho không ảnh hưởng người khác. Đối với karaoke, phải tuân thủ quy định về quản lý dịch vụ karaoke dù không kinh doanh”.
Ông đề nghị, việc kiểm tra karaoke tự phát sau này cũng dựa trên quy chuẩn quản lý kinh doanh karaoke để xử phạt.
Giai đoạn hai được thực hiện theo hướng triệt để xử lý vi phạm, với bốn nghị định có thể áp dụng, gồm Nghị định 100 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu việc ca hát đi kèm với để xe lấn chiếm lòng, lề đường; Nghị định 167 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó ngoài phạt tiền, có thể tịch thu phương tiện vi phạm; Nghị định 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó cán bộ có thể đóng vai thực khách để ghi lại hành vi vi phạm; Nghị định 98 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.
Ông Hoan động viên: “Không khó khăn lắm đâu. Đôi khi chỉ xử phạt 300.000-500.000 đồng, thấy nhỏ quá không đáng để làm, nhưng đây là việc chung phải làm”. Ông cho rằng, TP.HCM quan tâm chất lượng sống nên dứt khoát phải xử lý triệt để những vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và suy giảm chất lượng sống của người dân.
Cần thêm một chỉ thị?
Ông Trần Thế Thuận cho rằng, Thành ủy TPHCM từng ban hành các chỉ thị, từ đó huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, như Chỉ thị 11 về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, Chỉ thị 19 về vận động không xả rác ra đường và kênh rạch, Chỉ thị 23 về trật tự xây dựng. Do đó, nếu có thêm một chỉ thị liên quan, việc hạn chế ô nhiễm tiếng ồn chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cũng nhận định, TPHCM hiện có hệ thống camera an ninh được trang bị khắp nơi, rất hiệu quả trong giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm khi lực lượng chức năng chưa kịp xuống hiện trường để bắt “quả tang”. Thêm nữa, cần phát huy vai trò của các đoàn thể tại địa phương trong tuyên truyền, tác động đến ý thức người dân về bảo đảm độ ồn trong mức cho phép.
Ông Thuận cũng thừa nhận, sở đã quên đưa tiêu chuẩn “không gây ô nhiễm tiếng ồn” vào quy ước, hương ước khi xét công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Sở đã bổ sung tiêu chuẩn này từ tháng 3/2020 nhưng chưa ghi nhận hiệu quả. Tới đây, sở sẽ rà soát, đánh giá lại vấn đề này.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.