Theo UBND TPHCM, từ năm 2013, lực lượng Thanh tra xây dựng quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã sáp nhập về Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM, nhìn chung khi sáp nhập, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực.
Nhìn chung, các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đã được kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn thấp (năm 2013-2017, tỷ lệ chấp hành trên 55%; năm 2018-2019, tỷ lệ chấp hành dưới 50%).
Đồng thời, tình hình vi phạm trật tự xây dựng một số địa phương còn phức tạp, do công tác phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND quận, huyện còn hạn chế; quan điểm xử lý công trình vi phạm chưa thống nhất, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Công tác phối hợp chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin (có trường hợp 1 công trình vi phạm nhưng có đến 2 đơn vị lập biên bản cho cùng 1 hành vi).
|
Hàng trăm căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp đã bán cho người dân nhiều năm qua tại huyện Bình Chánh |
Hiện nay, vẫn còn trường hợp công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu; không kịp thời ban hành quyết định xử phạt hoặc được xử phạt nhưng chưa tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ, không có biện pháp ngăn chặn dẫn đến công trình vi phạm hoàn thành và đưa vào sử dụng gây khó khăn trong công tác xử lý.
Số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP có được kéo giảm trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định để phân lô, bán nền nhằm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp dẫn đến tình hình xây dựng không phép diễn biến phức tạp, phá vỡ quy hoạch, hình thành các khu dân cư tự phát, không có cơ sở hạ tầng đồng bộ, không có dịch vụ, tiện ích… gây mất an ninh trật tự.
Tại UBND các phường, xã, việc kiểm tra, xử lý công trình xây dựng không phép chỉ có 1 cán bộ địa chính đảm nhiệm nhưng khối lượng công việc khá lớn. Do không đủ nhân sự phụ trách về công tác quản lý trật tự xây dựng tại điạ phương nên tính chủ động trong công tác quản lý trật tự xây dựng của UBND các quận, huyện chưa cao. Từ năm 2014 -2019 tổng số công trình xây dựng không phép trên địa bàn TP là 8.551 công trình, chiếm 71% số công trình vi phạm toàn TP.
Từ các quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý cho thấy, chính quyền địa phương là cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, nên cần thiết có một lực lượng chuyên môn, chuyên trách để giúp chính quyền địa phương thực hiện công tác này.
Do đó, việc thành lập thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện quản lý là cần thiết, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hoạt động công vụ hiện nay. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị gồm: Đội trưởng, không quá 2 phó đội trưởng và các công chức. Thời gian thí điểm là 2 năm, tổng kết báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bích Trần