TPHCM kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng: Mục đích là gì?

06/11/2016 - 08:09

PNO - "Tôi không rõ mục đích là gì nhưng cũng có thể họ muốn huy động vàng làm nguồn lực bảo đảm để huy động vốn"

Ngày 2/11, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Ngoài ra, TP.HCM cũng đưa ra đề xuất thành lập sàn vàng, nhằm mục tiêu huy động 500 tấn vàng trong dân.

TPHCM kien nghi thanh lap san giao dich vang: Muc dich la gi?
TPHCM kiến nghị thành lập sàn giao dịch vàng

Về vấn đề này, TS Đinh Sơn Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, đề xuất này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà nó thể hiện một quan điểm chung, thống nhất giữa UBND thành phố HCM và Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam.

Ông Hùng cho rằng, có khả năng thành phố mới là đơn vị chủ động đề xuất và Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam chỉ như cơ quan phát ngôn, truyền đạt lại quan điểm của thành phố mà thôi. Điều ông quan tâm là mục đích khi đưa ra đề xuất trên là gì?

"Tôi không rõ mục đích là gì nhưng cũng có thể họ muốn huy động vàng làm nguồn lực bảo đảm để huy động vốn", ông Hùng nhận định.

Tuy nhiên, theo ông Hùng nếu vì mục tiêu thu hút vốn thì đề xuất trên đặt ra trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp và chắc chắn không mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng một vấn đề cũng khiến người dân e ngại khi gửi vàng là lãi suất vàng gửi và yêu cầu bảo đảm từ phía nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào.

"Ở vị trí của người dân, họ sẽ bán vàng rồi mang tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để hưởng lãi suất. Nếu bây giờ người dân gửi vàng thì nhà nước sẽ trả lãi cho họ như thế nào, nếu lãi suất gửi vàng mà thấp hơn lãi suất tiền gửi chắc chắn dân sẽ không gửi vàng đâu", ông Hùng dự báo.

Về phía Ngân hàng nhà nước, nếu đứng ra huy động vàng nhà nước sẽ phải trả lãi suất cho người gửi vàng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu không đủ bù chi mà nợ lại tăng cao, áp lực trả nợ đang rất lớn việc đảm bảo được nguồn trả lãi cho người dân là vô cùng khó khăn. Ngân sách khó có thể đảm đương nổi.

"Như vậy vô tình tự Ngân hàng nhà nước lại tăng thêm một khoản nợ nữa cho ngân sách", ông Hùng nói và lưu ý rằng, việc huy động vàng trong dân là rủi ro cho cả người dân và cho cả ngân sách quốc gia.

"Nhất là khi giá vàng lên xuống, trồi sụt, nhà nước huy động vàng của dân khi giá thấp bán lấy tiền Việt, đến khi giá vàng lên cao thì phải trả cho người dân thế nào?

Thêm nữa là huy động vàng rồi thì sẽ sử dụng nguồn lực đó thế nào? Làm sao để phát huy được giá trị nguồn lực ấy giúp tăng trưởng cho nền kinh tế?", vị chuyên gia đặt nghi vấn.

Lý giải về việc tại sao huy động vàng trong dân là rủi ro cho cả nhà nước và người dân, ông Hùng phân tích: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng chậm lại.

Thứ hai là rất nhiều khoản cân đối vi mô của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không đảm bảo. Thứ ba, là thị trường Việt Nam hiện nay chưa đủ tin cậy cho các nhà đầu tư.

"Trong một bối cảnh có quá nhiều yếu tố bất ổn như vậy người dân sẽ phải tính tới phương án "phòng thủ", tích trữ vàng để phòng rủi ro. Do đó, tôi không tin thành lập sàn giao dịch vàng thời điểm này sẽ thu hút được nguồn vàng trong dân. Tôi cũng không tin sàn vàng sẽ hoạt động hiệu quả như họ mong muốn", ông Hùng nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, TS Đinh Sơn Hùng cho rằng giải pháp tốt nhất để huy động được nguồn lực tài chính trong dân không cách nào khác là phải thực hiện cải cách thể chế, đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế, xử lý những DNNN mang vốn đầu tư ngoài ngành gây thất thoát, thua lỗ; kiểm soát chặt chẽ nợ công.

"Đó là việc bắt buộc phải làm. Chỉ khi nội lực của nền kinh tế được nâng lên, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế thì khi đó người dân mới tin và khi đó mới tính tới việc huy động vàng", ông Hùng nhấn mạnh.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI