TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54

10/05/2022 - 10:25

PNO - Việc này là hết sức cần thiết để thành phố được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù cho công cuộc phát triển.

Sáng 10/5, HĐND TPHCM đã có buổi giám sát UBND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết số 25/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14.

HĐND TPHCM giám sát UBND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sáng 10/5. Ảnh: Quốc Ngọc
HĐND TPHCM giám sát UBND TPHCM về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sáng 10/5 - Ảnh: Quốc Ngọc

Báo cáo tại buổi giám sát, UBND TPHCM cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của bộ, ngành Trung ương, của Thành ủy và HĐND Thành phố, công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết 54, Nghị quyết 25 được thực hiện có hiệu quả, các đề án đã cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.

Một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu, xây dựng (đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; quy chế thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người tài năng đặc biệt, các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức...) tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong hệ thống chính trị thành phố…

Tuy nhiên, thực tế một số nội dung triển khai Nghị quyết 54, Nghị quyết 25 còn chậm so với kế hoạch dự kiến do có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.

Ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 trong hai năm 2020-2021 đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai các nghị quyết đối với việc ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Ngoài ra, cơ chế tài chính cho thành phố chưa được phát huy như mong đợi. TPHCM chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng. Hơn 4 năm qua, không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở thành phố, nên chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Nguyên nhân do các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương chưa thực hiện các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch.

Thành phố cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp vướng mắc vì thiếu quy định hướng dẫn về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên việc xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Từ những hạn chế nêu trên, UBND TPHCM cho rằng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của các cơ quan Trung ương, công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 được thực hiện có hiệu quả, đạt được một số kết quả tích cực, tạo sự chủ động nhiều hơn cho thành phố.

Và để đảm bảo tính liên tục của các chính sách thành phố đã và đang thực hiện, tiếp tục phát huy thành quả đạt được, UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 để thành phố được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. Việc tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp TPHCM phát huy tốt hơn lợi thế tiềm năng của mình, phát triển nhanh, bền vững.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI