TPHCM kiến nghị Bộ Y tế sớm cung cấp vắc xin còn thiếu

06/11/2022 - 14:44

PNO - Sáng 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19; dịch sốt xuất huyết và công tác tiêm vắc xin trên địa bàn TPHCM, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, công tác phòng chống dịch COVID-19 và sốt xuất huyết được thành phố kiểm soát tốt trong thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại phiên họp trực tuyến ở điểm cầu TPHCM, sáng 6/11 - Ảnh: Cao Thăng
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại phiên họp trực tuyến ở điểm cầu TPHCM, sáng 6/11 - Ảnh: Cao Thăng

Tuy nhiên, do một bộ phận người dân lơ là, chủ quan, chưa đồng thuận cho con em mình tiêm vắc xin COVID-19, cùng với đó là thiếu một số loại vắc xin khác nên những trẻ béo phì, đặc biệt là trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.

Cụ thể, tính đến hết ngày 3/11, toàn thành phố đã tiêm được trên 23 triệu mũi (bao gồm 8.686.711 mũi 1; 7.737.819 mũi 2; 683.181 mũi bổ sung; 4.831.131 mũi nhắc lần 1; 1.533.928 mũi nhắc lần 2).

Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được 20.903.343 mũi, bao gồm 7.403.511 (đạt 100%) mũi 1; 6.717.001 mũi 2 (đạt 98,9%); 683.181 mũi bổ sung; 4.565.722 mũi nhắc lần 1 (67,2%); 1.533.928 mũi nhắc lần 2 (ước đạt tỷ lệ khoảng 53,2%).

Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, thành phố đã tiêm được 1.754.601 mũi (760.581 mũi 1, đạt 100%); 728.611 mũi 2 (99%); 265.409 mũi nhắc 1 (36,0%). Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm được 814.826 mũi (522.619 mũi 1, đạt 63,0% ; 292.207 mũi 2 (35,2%).

Về tiêm chủng mở rộng, tính đến hết tháng 9, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi (trẻ sinh 2021 là 86.557 trẻ); Số trẻ đã tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin là 66.418 trẻ.

Đối với tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ 18 tháng tuổi (sinh 2020) là 97.502 trẻ. Trong đó, mũi tiêm sởi 2 là 77.407 trẻ và đã tiêm DPT4 là 75.497 trẻ.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng nêu khó khăn về nguồn cung các loại vắc xin của thành phố đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo đó, từ tháng 5/2022 đến nay, tình hình cung ứng vắc xin tiêm chủng mở rộng (TCMR) từ Chương trình tiêm chủng Quốc gia bị gián đoạn. Cụ thể, vắc xin sởi và bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) đã ngừng cấp từ tháng 5 nên hiện nay, TPHCM không còn 2 loại vắc xin này; vắc xin sởi - rubella (MR) hết từ ngày 6-10; vắc xin viêm não Nhật Bản (VNNB) và bại liệt uống (bOPV) hết từ cuối tháng 10; vắc xin lao và DPT-VGB-Hib (SII) dự kiến hết từ giữa tháng 12/2022.

Sở Y tế TPHCM đã gửi văn bản về tình hình cung ứng vắc xin sởi và DPT gửi đến Bộ Y tế nhưng chưa nhận được văn bản phản hồi của bộ, Phó chủ tịch UBND TPHCM nhắc lại, đồng thời báo cáo thêm rằng Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị với Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, yêu cầu Bộ Y tế sớm cung ứng đầy đủ các vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

Trước việc gián đoạn nguồn cung vắc xin từ Bộ Y tế, theo ông Dương Anh Đức, thành phố phải triển khai nhiều giải pháp tạm thời nhằm khắc phục như: Chỉ đạo Sở Y tế TPHCM hướng dẫn các trạm y tế lập danh sách trẻ chưa được tiêm chủng để sẵn sàng mời tiêm ngay khi có vắc xin; Hướng dẫn chỉ định tiêm sởi - rubella (MR) của TCMR cho những trẻ đã đủ 12 tháng mà chưa được tiêm mũi sởi 1. Nhân viên y tế có thể tư vấn cho cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin dịch vụ (có trả phí) nếu gia đình có điều kiện...

Ông Dương Anh Đức cho rằng, nếu tình trạng gián đoạn cung ứng vắc xin vẫn tiếp diễn có thể xảy ra một số dịch bệnh nguy hiểm trên trẻ nhỏ như sởi, bạch hầu, ho gà... Trong đó, sởi là dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao nhất và sớm nhất, vì theo ghi nhận của ngành y tế, dịch sởi ở nước ta thường xảy ra mỗi 4 năm (dịch sởi gần nhất là từ tháng 10/2018 và kéo dài đến hết tháng 5/2019).

Bên cạnh đó, với sự xuất hiện những biến thể phụ mới của Omicron và dịch sốt xuất huyết, TPHCM tiếp tục đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nguy cơ dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế; biến động nguồn nhân lực y tế.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế sớm cung cấp vắc xin thiếu cho TPHCM và đề xuất với Bộ Y tế, thay vì báo cáo hàng ngày với bộ về tình hình phòng chống dịch bệnh thì TPHCM báo cáo theo tuần hoặc theo tháng.

An Sinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI