TPHCM kiến nghị bổ sung chế tài xử lý trên lĩnh vực không gian mạng

18/12/2020 - 15:31

PNO - Ra đời trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, đất nước mở cửa đón cả “gió lành” và “gió độc”, Chỉ thị 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” ngày 27/7/2010 kịp thời tăng sức đề kháng cho nền văn hóa dân tộc.

Ngày 18/12, Thành ủy TPHCM tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW.
Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW

Báo cáo tổng kết cho biết để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 46-CT/TW, Thành ủy TPHCM đã xây dựng Chương trình hành động số 15-CTr/TU, trong đó "xây" là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, "chống" là nhiệm vụ quan trọng.

Công tác thanh tra liên ngành, phối hợp giữa các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường, ngành văn hóa, thông tin - truyền thông… trong quản lý việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa, đảm bảo an toàn thông tin, đấu tranh ngăn chặn, vô hiệu hóa các thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng… được chú trọng và phát huy hiệu quả.

10 năm qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, thu giữ khoảng 3.400 sản phẩm có chứa nội dung văn hóa độc hại (920 sách - tạp chí, hơn 1.500 đĩa các loại có nội dung xuyên tạc lịch sử, gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nhân dân; nhiều sách giáo khoa, lịch treo tường, bản đồ, hình ảnh có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam…).

Theo ông Bùi Lê Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các tổ chức, cá nhân chống đối luôn tìm mọi cách đưa văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta với nhiều hình thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi, như trà trộn các ấn phẩm vi phạm vào các ấn phẩm đủ điều kiện nhập khẩu.

“Cụ thể như việc để lẫn các ấn phẩm in hình đường lưỡi bò trong các quyển sách dạy tiếng Hoa thông thường - vụ việc xảy ra năm 2012 đã được phát hiện và xử lý kịp thời - đòi hỏi tinh thần cảnh giác cao độ, nhạy bén và cẩn trọng trong mọi trường hợp”, ông Bùi Lê Hùng chia sẻ.

Báo chí chính thống của thành phố phải là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm đồi trụy.
Báo chí chính thống của thành phố phải là lực lượng đi đầu trong công tác phòng, chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm đồi trụy
 

Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Từ Lương cho biết, TPHCM hiện có hơn 21,5 triệu tài khoản sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Instagram…), trong đó số người sử dụng Facebook khoảng 13 triệu tài khoản (đứng hàng thứ 6 trong số các thành phố đông người dùng nhất thế giới). Việc giao thoa, xâm nhập, tiếp thu nhiều nền văn hóa với nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có văn hóa phẩm như một sự tất yếu.

Từ năm 2014 đến nay, thành phố đã phát hiện và ngăn chặn 342.104 trường hợp văn hóa phẩm độc, hại trên không gian mạng và mạng xã hội.

Để đấu tranh, phòng ngừa hành vi vi phạm trên không gian mạng, mạng xã hội một cách hiệu quả, ông Từ Lương cho rằng, báo chí chính thống phải là binh chủng quan trọng trên mặt trận văn hóa tư tưởng; đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tin tức giả, các loại thông tin xấu độc khác; đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác (nhất là đối với các sự kiện, sự việc “nóng” đang được dư luận đặc biệt quan tâm).

Ở ngành văn hóa, hành vi vi phạm phổ biến gần đây là phổ biến các bản phim, ghi hình sân khấu, chương trình không được cấp phép, chưa qua kiểm duyệt, chưa được phép phổ biến. Tuy nhiên biện pháp xử lý còn khá lúng túng vì chưa có luật chế tài rõ ràng…

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 46, TPHCM kiến nghị Trung ương sớm ban hành chỉ thị mới với các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình mới; điều chỉnh, bổ sung mức chế tài trong xử lý vi phạm lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, nhất là trên lĩnh vực không gian mạng, có thể khởi tố hình sự với những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhằm tạo sự răn đe các hành vi vi phạm về truyền bá, tàng trữ, kinh doanh các sản phẩm văn hóa độc hại.

Đồng thời, TPHCM cần có cơ chế đặc thù trong việc triển khai nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương hàng năm hoặc theo giai đoạn để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích, bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố; tạo điều kiện cho thành phố xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hóa và thể thao, các công trình trọng điểm như Rạp Xiếc TPHCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM…

Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả trước mắt và lâu dài của sản phẩm văn hóa độc hại. Trong đó, ngành văn hóa chủ động phối hợp các hội văn học nghệ thuật khuyến khích, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tiếp tục nắm bắt tình hình đời sống xã hội thành phố để có những tác phẩm văn học nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, nhân văn cao, góp phần bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho thế hệ trẻ.

“Các cơ quan báo chí, truyền thông thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, hướng đến xây dựng giá trị văn hóa chân - thiện - mỹ…”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Dịp này, UBND TPHCM tặng bằng khen cho 34 tập thể và 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW 10 năm qua.

Lãnh đạo TPHCM trao bằng khen của UBND TPHCM cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW.
Lãnh đạo TPHCM trao bằng khen của UBND TPHCM cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW

Tam Bình

 
TIN MỚI