TPHCM kiên định dạy tích hợp, khó ở đâu gỡ ở đó

08/08/2023 - 19:32

PNO - Với phương châm “thắt ở đâu cởi ở đó”, không cứng nhắc mà giao quyền cho tổ chuyên môn - TPHCM khẳng định kiên định trong dạy học tích hợp THCS dù khó khăn.

“Thắt ở đâu, cởi ở đó”

Tại quận Bình Thạnh, ngay khi triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS, quận này xác định theo mục tiêu dạy học tích hợp. Do vậy, từ năm học 2021-2022 đến nay, liên tục trong quá trình giảng dạy, giáo viên đảm nhiệm các môn học tích hợp trong mạng lưới quận được thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng thông qua chuỗi sinh hoạt chuyên môn. 

“Khó ở đâu, thầy cô sẽ được gỡ ở đó. Giáo viên chính môn nào sẽ cùng ngồi lại để nghiên cứu, xây dựng kế hoạch bài giảng đối với nội dung đó, các giáo viên khác sẽ cùng góp ý để hoàn thiện. Sau đó sẽ có các tiết dạy mẫu để thầy cô cùng nghiên cứu, học hỏi, góp ý cho tiết dạy của mình. Chính quá trình tự học và học hỏi lẫn nhau như thế này đã giúp giáo viên nâng cao được năng lực chuyên môn và tự tin hơn rất nhiều khi đứng lớp với môn học tích hợp khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý”- lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Thạnh chia sẻ.

Hầu hết các trường THCS ở TPHCM chọn 1 giáo viên đứng lớp dạy tích hợp
Hầu hết các trường THCS ở TPHCM chọn 1 giáo viên đứng lớp dạy tích hợp

Sau 2 năm triển khai theo hình thức tích hợp ở khối 6, 7, thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh) - đánh giá, giáo viên đã chủ động hơn rất nhiều trong nắm bắt kiến thức, chủ động nghiên cứu tài liệu, xây dựng kế hoạch bài giảng. 

Đối với học sinh, Chương trình GDPT 2006 trước kia, học sinh sẽ học theo hướng tiếp cận kiến thức, việc đổi mới môn học chỉ dừng ở việc cho học sinh làm việc theo nhóm để phát huy khả năng học sinh. Tuy nhiên, hiện nay với Chương trình GDPT 2018, giáo viên có nhiều thuận lợi để tiếp cận học sinh theo hướng cá nhân hoá, năng lực, chứ không còn chỉ dừng ở kiến thức…

“Điều này thể hiện rõ nét nhất trong việc đánh giá học sinh khi chương trình mới đề cao đánh giá quá trình, các em phải hiểu, phải nỗ lực ở trong từng mạch kiến thức thì mới có thể vận dụng cho ra kết quả. Đồng nghĩa với việc giáo viên phải tạo cho học sinh phải tăng cường trải nghiệm trong mỗi tiết học để tiếp cận kiến thức chứ không còn hên xui trong tiếp cận kiến thức như trước kia…” - thầy Nguyễn Anh Tuấn phân tích. 

Bám sát mục tiêu đổi mới, Trường THCS Minh Đức (quận 1) triển khai giảng dạy tích hợp trong chương trình mới suốt 2 năm qua và tiếp tục áp dụng trong năm học 2023-2024. Cô Trần Thuý An - Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận, quá trình giảng dạy, giáo viên cũng gặp không ít khó khăn, bối rối nhưng chính sự cởi mở, cầu thị, bám sát mục tiêu đổi mới đã giúp thầy cô tự tin hơn khi đứng lớp.

“Những ngày đầu, không ít giáo viên than khó, rằng sợ không truyền đạt hết kiến thức cho học sinh do chỉ được tập huấn liên môn trong thời gian ngắn. Thực tế đặt cho nhà trường phải tăng cường bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên trong tổ phải tự bồi dưỡng lẫn nhau, thắt ở đâu, gỡ ở đó. Giáo án giảng dạy môn học được thống nhất trong cả tổ, được góp ý với ý kiến của giáo viên chính đảm nhiệm từng phân môn…”- cô An nói. 

Dạy học tích hợp là tất yếu 

Hiện đang là giảng viên đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo chương trình dạy học phát triển năng lực học sinh, bà Hoàng Thị Hiền- Chuyên gia giáo dục toàn cầu Microsolf năm 2016 - đánh giá dạy học tích hợp môn khoa học tự nhiên là xu thế tất yếu. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều không tách riêng môn mà được sắp xếp theo các chủ đề để học ở các phân môn: Khoa học Trái Đất; Khoa học Vật Lý; Khoa học về Sự sống.

“Kiến thức khoa học tự nhiên không tồn tại độc lập, riêng biệt theo từng môn mà luôn có sự tích hợp, không tách rời. Điều này rất phù hợp với định hướng học tập để vận dụng vào thực tế và tạo tiền đề học sinh có kiến thức nền tốt cho việc hướng nghiệp và lựa chọn tổ hợp môn ở cấp THPT”- bà Hiền phân tích.

Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là sách giáo khoa môn tích hợp chưa sắp xếp theo chủ đề phù hợp mà vẫn rời rạc, các chủ đề chưa có sự liên kết thực sự của kiến thức liên môn, gây khó cho thầy cô khi soạn giảng. Với giáo viên, khó khăn là chưa được đào tạo bài bản.

Nhiều khoá tập huấn chuyên môn online thiếu sự giám sát thực chất; giáo viên chưa được trang bị thêm nhiều kỹ năng tự học ngoài sách giáo khoa trong nước… Chính vì thế, giáo viên có thể dạy qua loa ở phân môn tích hợp hoặc thích dạy theo thói quen cũ… 

Dạy tích hợp ở bậc THCS là nền tảng để học sinh chọn môn học lựa chọn, hướng nghiệp bậc THPT
Dạy tích hợp ở bậc THCS là nền tảng để học sinh chọn môn học lựa chọn, hướng nghiệp bậc THPT

“Xuất thân từ 1 giáo viên phổ thông, tôi nhận thấy khi giáo viên gặp khó khăn trong quá trình đổi mới thì sự động viên, tin tưởng, đồng hành - tiếng nói khích lệ của cán bộ quản lý ở các cấp là cực kỳ quan trọng. Đó sẽ là động lực, sẽ “đẩy” giáo viên tiến đi rất xa, thậm chí có thể phát triển vượt xa năng lực mà giáo viên đang có”- bà Hoàng Thị Hiền nhấn mạnh. 

"TPHCM sẽ kiên định dạy học tích hợp THCS"

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho biết, từ năm 2018 khi chương trình mới ban hành, TPHCM đã có sự chuẩn bị từ sớm, kỹ càng, chủ động phối hợp với Đại học Sài Gòn, xác định nội dung bồi dưỡng các môn tích hợp. Năm 2020 bắt tay bồi dưỡng đội ngũ các môn lịch sử - địa lý; khoa học tự nhiên.

“Do thời gian bồi dưỡng ngắn, trong năm đầu triển khai, nhiều thầy cô vẫn chưa tự tin đứng lớp. Trong suốt 2 năm qua thực hiện Chương trình mới ở bậc THCS, Sở đã tổ chức nhiều hội nghị hội thảo về chuyên môn, làm việc trực tiếp với ĐH Sài Gòn, lắng nghe thầy cô khó khăn để tháo gỡ”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, TPHCM sẽ kiên trì, quyết tâm dạy học tích hợp khoa học tự nhiên. Sở sẽ tiếp tục tổ chức các chuyên đề để thiên về mạch kiến thức chủ đề nào thì giáo viên có thế mạnh sẽ phụ trách chủ đề đó, không cứng nhắc. Các phòng giáo dục phải tạo điều kiện cho các trường chủ động trong phân công giáo viên linh hoạt; Hiệu trưởng, hiệu phó các trường THCS phải giao quyền chủ động cho các tổ chuyên môn, có kiểm tra, giám sát, chứ không can thiệp sâu vào quá trình giảng dạy của giáo viên.

Quốc Trung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI