TPHCM: Không vì xử phạt, nhiều người dân vẫn ý thức phân loại rác

11/08/2022 - 05:29

PNO - Ngày 25/8 tới Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực. Theo nghị định này, các hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải sinh hoạt sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Hiện, nhiều địa phương vẫn chưa biết áp dụng quy định này ra sao. Tại TPHCM, nhiều khu vực người dân đã tự phân loại rác, không cần chờ hướng dẫn.

Thời điểm xử phạt tùy tình hình mỗi địa phương

Từ ngày 12/7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đã có công văn gửi UBND các quận huyện, TP.Thủ Đức và nhiều đơn vị liên quan, đề nghị triển khai thực hiện Nghị định 45/2022/NĐ-CP; nếu có khó khăn, vướng mắc thì gửi phản hồi, kiến nghị để sở tổng hợp, xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN-MT. Đến ngày 9/8, trao đổi với chúng tôi, cán bộ của Văn phòng Sở TN-MT TPHCM cho biết, chưa nhận được các kiến nghị của UBND cấp quận, huyện.

Đến nay, nhiều người dân ở TPHCM cho biết, vẫn chưa nghe phổ biến thông tin về việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Ông Nguyễn Đình H. (chung cư 8X Plus Trường Chinh, Q.12) băn khoăn: “Lâu nay, người dân ở chung cư tôi được đơn vị thu gom rác yêu cầu cho tất cả các loại rác vô một túi ni-lông, sau đó đưa vô một hố rác chung nối các tầng. Tới đây, nếu phải phân loại rác, chúng tôi không biết có cần phải đánh dấu từng loại rác trên các túi ni-lông hay không”. 

Ông Trần Nhật Trường - chủ một đường dây rác dân lập tại P.5, Q.11 - cho hay, ở đường dây rác của ông, người thu gom thường treo một, hai bao tải bên mép thùng rác trên xe để đựng rác tái chế được để bán ve chai. Do đó, đối với người thu gom rác, việc phân loại rác tại nguồn cũng dễ thực hiện. Nhưng, ông và các đồng nghiệp vẫn chờ các hướng dẫn để làm cho đúng cách.

Trước khi Nghị định 45 có hiệu lực (từ ngày 25/8/2022) nhiều người dân ở TP.HCM đã phân loại rác (trong ảnh: Hộ dân ở khu phố 4, P.7, Q.8 phân loại rác tại nhà nhờ sự vận động của Hội Phụ nữ) ẢNH: PHÙNG HUY
Trước khi Nghị định 45 có hiệu lực (từ ngày 25/8/2022) nhiều người dân ở TPHCM đã phân loại rác (trong ảnh: Hộ dân ở khu phố 4, P.7, Q.8 phân loại rác tại nhà nhờ sự vận động của Hội Phụ nữ) Ảnh: Phùng Huy

Bà Lại Thị Bích Trâm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh - cho hay, UBND xã vẫn đang chờ hướng dẫn của Phòng TN-MT H.Bình Chánh về thời điểm triển khai xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn: “Sau khi có hướng dẫn, chúng tôi sẽ tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, chúng tôi sẽ gửi kiến nghị, đề xuất lên cấp trên”.

Trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Quản lý môi trường (Bộ TN-MT) cho hay, đơn vị này chỉ mới soạn công văn để lấy ý kiến của các địa phương. Sau khi tổng hợp ý kiến, Bộ TN-MT sẽ ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật về phân loại rác, các địa phương sẽ dựa vào thực tế địa phương mình để tiếp tục hướng dẫn chi tiết cách thực hiện. 

Luật sư Trương Thanh Hòa - Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) - cho rằng, những vấn đề quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã rõ ràng và không có văn bản pháp luật khác, quy định khác về hiệu lực thi hành đối với các hành vi đó nên các cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm từ thời điểm nghị định có hiệu lực.

Một số khu vực ở TP.HCM người dân đã phân loại rác tại nguồn nhưng chưa được hướng dẫn về thực hiện theo Nghị định 45 (trong ảnh: Hội LHPN P.7, Q.8 hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà) - ẢNH: PHÙNG HUY
Một số khu vực ở TPHCM người dân đã phân loại rác tại nguồn nhưng chưa được hướng dẫn về thực hiện theo Nghị định 45 (trong ảnh: Hội LHPN P.7, Q.8 hướng dẫn người dân phân loại rác tại nhà) - Ảnh: Phùng Huy

Tuy nhiên, theo luật sư Hòa, khi áp dụng hiệu lực thi hành đối với những vấn đề do luật điều chỉnh có khác với nghị định thì căn cứ theo quy định của luật, bởi đây là văn bản pháp lý có hiệu lực pháp lý cao hơn. Cụ thể, việc phân loại rác thải tại nguồn được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó nêu việc phân loại này là có lộ trình: Quy định các địa phương thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, cá nhân chậm nhất vào cuối năm 2024 (ngày 31/12/2024). Mốc thời gian này là mốc thời gian của một lộ trình. 

Do đó, tùy thuộc vào sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền, tình hình triển khai của từng địa phương mà việc tiến hành sẽ bắt đầu từ thời điểm nào, và từ thời điểm nào sẽ tiến hành xử phạt.

Việc phân loại rác sẽ phải bài bản, đồng bộ hơn

Theo bà Lê Thị Kim Oanh - nguyên Phó Chánh thanh tra Sở TN-MT TPHCM - hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đang có các cách hiểu khác nhau về việc xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn. Theo đó, có một số thông tin cho rằng, đến năm 2024, quy định này mới có hiệu lực thi hành. Đây là thông tin không chính xác. Bà nói: “Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Như vậy, đây là thời điểm mà quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn có hiệu lực. Còn việc kiểm tra, xử phạt những trường hợp không phân loại rác tại nguồn như thế nào lại là vấn đề khác”. 
Bà cho rằng, ngày Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực là cột mốc quan trọng để triển khai việc phân loại rác tại nguồn: “Ai cũng biết đến lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn, nhưng trong thời gian qua, việc triển khai chưa quyết liệt, đồng bộ nên tỷ lệ hộ dân thực hiện chưa cao”.

 

Từ năm 2016 đến nay, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), trong đó có yêu cầu phân loại CTRSH tại nguồn thành chất thải có thể tái chế và chất thải còn lại. Qua các đợt giám sát, ghi nhận có khoảng từ 13 - 15% hộ dân phân loại rác tại nguồn. 

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, việc phân loại CTRSH tại nguồn ở TPHCM lâu nay chủ yếu thông qua hình thức vận động, khuyến khích thực hiện. Ông nhận định, thông qua lực lượng thu gom rác dân lập vốn chiếm hơn 60% hệ thống thu gom rác của TPHCM, hầu hết nguồn CTRSH đã được phân loại trước khi đến nhà máy xử lý rác. Do đó, việc thực hiện theo Nghị định 45 sẽ không gặp nhiều khó khăn. 

TPHCM chưa thể xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện

Theo Sở TN-MT TPHCM, đến nay, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày. Với khối lượng CTRSH xấp xỉ 10.000 tấn/ngày, ngành vệ sinh môi trường xử lý bằng cách đốt, tái chế 31% và chôn lấp hợp vệ sinh 69%. Thế nhưng, trong tương lai, quy mô dân số TPHCM ước tính cứ 5 năm tăng 1 triệu người, quản lý CTRSH là bài toán khó. Từ tháng 9/2021, UBND TPHCM đã trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch xử lý CTRSH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đồ án, đến năm 2025, TPHCM phấn đấu xử lý 80%, đến năm 2030 xử lý 100% CTRSH bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế. UBND TPHCM đã cho phép chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH hiện hữu sang đốt phát điện (không yêu cầu phân loại) với các nhà máy đang có hợp đồng xử lý CTRSH. Tuy nhiên, hiện các dự án chuyển đổi này đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý. 

Nhiều nơi đang chờ hướng dẫn

Ở TP.Hà Nội, nhiều người dân vẫn chưa nghe đại diện tổ dân phố, khu phố hay UBND phường phổ biến thông tin về Nghị định 45. Chị Nguyễn Ánh Tuyến (khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai) nói: “Hiện nay, gia đình tôi vẫn mang rác xuống điểm tập kết chung của tòa nhà. Cư dân chúng tôi vẫn chưa nghe thông báo gì về phân loại rác. Lẽ ra, cần có thông báo để chúng tôi kịp chuẩn bị thùng rác, túi đựng rác”. 

Theo ông Nguyễn Văn Long - Bí thư Đảng ủy P.Mộ Lao, Q.Hà Đông - đến nay, UBND phường chưa có kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 45. Bà Đào Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND P.Kim Giang, Q.Thanh Xuân - cho hay, việc phân loại rác đã được người dân trong phường thực hiện từ nhiều năm nay. Họ chủ động phân loại rác từ nguồn để đưa cho nhân viên thu gom rác. Riêng với Nghị định 45, UBND phường vẫn chưa có động thái gì.

Đối với TP.Đà Nẵng, ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN-MT - cho rằng, từ ngày 25/8/2022 là thời điểm Nghị định 45 có hiệu lực, chưa phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt về không phân loại rác tại nguồn vì theo lộ trình, đến ngày 1/1/2025 mới là thời hạn cuối về bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn. Tuy vậy, theo ông Võ Nguyên Chương, hiện địa phương đang chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ TN-MT về công tác này để có thể triển khai sớm hơn.

Tuyết Dân - Bảo Khang - Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI